Quảng Nam nằm trong số các địa phương của miền Trung chịu tác động tiêu cực của nhiều loại hình thiên tai khác nhau, trong đó lũ ống, lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi trở thành hiểm họa lớn. Do vậy, việc xây dựng bản đồ cảnh báo để ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Chủ động sơ tán dân
Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh di dời gần 7.000 hộ ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đến tái định cư an toàn. Từ khi được bố trí nơi ở mới đến nay, các hộ gia đình tái định cư đều không bị ảnh hưởng bởi sạt lở và lũ ống, lũ quét.
Vào mùa mưa, các đợt áp thấp nhiệt đới, bão thường gây mưa lớn dẫn đến ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương. Ở Nam Trà My, một cơn mưa với lưu lượng từ 200mm trở lên có thể đặt hàng loạt vị trí sườn núi, ven sông vào tình huống “cảnh báo đỏ”.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Duy Dũng cho biết, thời gian qua chính quyền đã dành nguồn lực đáng kể cho sắp xếp dân cư miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, cũng như Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển vùng tây.
Tuy nhiên, ổn định nơi ăn chốn ở vừa phát triển sản xuất, chăm lo sinh kế bền vững cho đồng bào là nhiệm vụ dài lâu. Đợt mưa lớn những ngày vừa qua xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại vùng cao Nam Trà My, qua thống kê địa phương đã tổ chức sơ tán 147 hộ/605 khẩu hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trong đó, xã Trà Cang 15 hộ/65 khẩu; Trà Leng 100 hộ/394 khẩu; Trà Nam 15 hộ/79 khẩu; Trà Tập 14 hộ/55 khẩu; Trà Mai 2 hộ/8 khẩu và Trà Linh 1 hộ/4 khẩu.
Hiện tượng sạt lở đất thông thường xuất hiện sau mưa lũ, song vẫn chưa có kịch bản nào ứng phó hiệu quả. Gần 5 năm trở lại đây, sạt lở đất trở thành thảm họa với đồng bào vùng cao. Năm 2017, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn xảy ra ít nhất 12 vụ sạt lở đất làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng.
Năm 2020, có 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận cũng tại 3 địa phương nói trên, làm 30 người chết, 17 người mất tích. Ngoài gây thiệt hại về người, thiên tai còn phá hoại nhiều công trình, tài sản của Nhà nước và người dân.
Sở NN&PTNT thống kê, thiên tai gây thiệt hại kinh tế của tỉnh bình quân mỗi năm 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020 mức độ thiệt hại lập mức kỷ lục với con số 11.000 tỷ đồng.
Riêng về ứng phó ngập lụt vùng hạ du, theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, khi dự báo khí tượng thủy văn trong 24 - 48 giờ tới có 1 trận mưa lớn có thể gây ngập lụt, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ họp trực tuyến với các nhà máy thủy điện.
Ngoài ra, giám sát các thủy điện xả lũ bằng hệ thống camera. Khi thủy điện xả lũ, cơ quan giám sát sẽ biết được vùng nào bị ảnh hưởng và báo cho người dân trước 4 tiếng để chuẩn bị ứng phó.
Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai
Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch PCTT theo giai đoạn 5 năm một lần. Các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cho giai đoạn 2021 - 2025 để thay thế kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020. Bản đồ xác định vị trí nguy cơ cao về các loại thiên tai, đặc biệt sạt lở đất chưa được phê duyệt, lấy gì để các địa phương chủ động ứng phó?
Về vấn đề này, ông Trương Xuân Tý cho biết, hiện nay đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam - khu vực tỉnh Quảng Nam” do Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản” (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chuyển giao năm 2020 làm cơ sở dữ liệu để cho các địa phương lên phương án chủ động ứng phó hiệu quả.
Đề án của Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản xác định, 9 huyện miền núi của Quảng Nam có 93 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, huyện Bắc Trà My nhiều nhất với 30 điểm nguy cơ sạt lở cao; huyện Tiên Phước và Nông Sơn mỗi địa phương có 4 điểm sạt lở cao.
“Những vị trí được xác định mức độ sạt lở cao thì tuyệt đối không được phép bố trí dân cư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ giao các địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí này để người dân biết và phòng tránh khi mưa lớn xảy ra” - ông Tý nói.
Chính quyền tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét bằng việc thiết kế, lắp đặt hệ thống dây rung. HĐND tỉnh đã thông qua 2 nghị quyết rất quan trọng, trong đó có nghị quyết về sắp xếp, bố trí dân cư với tổng nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.