Mùa mưa bão năm nay được dự đoán là nguy cơ xảy ra thiên tai rất khó lường, cực đoan nên công tác phòng chống lụt bão của các ngành, địa phương trong tỉnh được chuẩn bị từ sớm và tập trung vào những phương án cụ thể, sát với thực tế. Đặc biệt, trước mùa mưa bão, nhiều công trình khắc phục, phòng tránh thiệt hại đã được xây dựng, đưa vào sử dụng đã giúp Quảng Nam có thêm điều kiện để ứng phó với bão lũ…
Tại thôn Xà Nghìn 2 (xã Za Hung), hiện vẫn còn 25 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm cần được di dời. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
BÀI 1: VÙNG CAO ĐỀ PHÒNG SẠT LỞ ĐẤT
Để ứng phó với tình trạng sạt lở đất, các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... đã chủ động triển khai nhiều phương án hiệu quả giúp đồng bào địa phương yên tâm hơn khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Di dân vùng nguy hiểm
Nhiều năm trước, nỗi lo về nguy cơ lũ quét và sạt lở đất luôn khiến hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu ở thôn Xà Nghìn 2 (xã Za Hung, huyện Đông Giang) phải sống trong cảnh bất an, nhất là thời điểm mưa lũ kéo dài. Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm 2015, huyện Đông Giang đã thực hiện chủ trương di dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Ông Bh’nướch Nanh - Trưởng thôn Xà Nghìn 2 cho biết, trước đây cả 32 hộ dân trong thôn đều sinh sống ở khu vực xung yếu, dưới chân núi với nguy cơ sạt lở rất cao. Năm 1996, sau đợt mưa lũ kéo dài, đã có hơn 10 ngôi nhà của đồng bào bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã lập nhiều phương án và triển khai di dời khẩn cấp 7 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đất, bố trí về nơi ở mới an toàn dọc tuyến đường liên xã Za Hung - Jơ Ngây. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo huyện Đông Giang, do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn nên việc quy hoạch khu tái định cư mới cho 25 hộ đồng bào còn lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn vốn thực hiện. Dù vậy, theo Bí thư Chi bộ thôn Xà Nghìn 2 - ông Bh’nướch Tanh, công tác ứng phó với thiên tai, bão lũ và sạt lở đất luôn được chủ động, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân nếu trường hợp có xảy ra sự cố.
Còn tại huyện Tây Giang, ngoài việc di dời, bố trí đưa người dân sống tập trung ở các khu tái định cư mới, chính quyền địa phương còn làm tốt công tác di dân tại các vùng xung yếu, nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn trước mùa lũ. Ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho biết, địa phương vừa hoàn thiện khu tái định cư Tr’lee và đưa người dân đến ở tập trung theo mô hình làng truyền thống Cơ Tu. Ở địa bàn dân cư mới, người dân không chỉ yên tâm trước tình trạng bị sạt lở đất đe dọa, mà còn đảm bảo cả việc đi lại thuận lợi, địa hình dân cư bằng phẳng, đảm bảo mọi sinh hoạt theo tính cộng đồng vùng cao. “Ở vùng cao, lo nhất là tình trạng sạt lở đất kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào bản địa. Cùng với các địa phương khác trong huyện, đến nay xã A Tiêng cơ bản đã làm tốt công tác di dân vùng nguy hiểm về nơi ở mới an toàn, từng bước xóa các điểm đen về sạt lở đất” - ông Quân cho biết thêm.
Chủ động trước mùa mưa
Nỗi lo về sạt lở đất vào mùa mưa đang lặp lại với đồng bào vùng cao bởi trên thực tế, do địa hình phức tạp, đồi núi cao, lại thường xuyên có các đợt mưa lớn trong năm... khiến nhiều vùng đất dần bị xói mòn, gây sạt lở nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến nỗi lo về các trận lũ quét kèm sạt lở đất đá từ phía thung sâu, gây ẩn họa khôn lường. Tại các huyện miền núi, cũng đã từng xảy ra nhiều vụ lũ quét kèm sạt lở đất, cuốn trôi và san lấp nhiều ngôi nhà, cùng diện tích hoa màu khiến người dân phải tìm nơi ở mới. Những năm gần đây, khi đứng trước hiểm họa do sạt lở đất, chính quyền các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tối ưu, cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng xấu có thể xảy ra; đồng thời xây dựng các phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trước tình trạng mưa lũ gây sạt lở đất ở các khu dân cư, hằng năm địa phương luôn triển khai nhiều phương án nhằm tìm hướng giải quyết dứt điểm về tình trạng này, không để người dân “sống chung với sạt lở”. Ngoài việc chủ động khắc phục tại chỗ, xây kè bảo vệ, trong trường hợp cấp thiết địa phương cũng tính đến việc di dân đến nơi ở mới an toàn.
Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, ở những khu tái định cư sau nhiều năm sử dụng xuất hiện tình trạng nền đất yếu, gây sụt lún do tác động sau các đợt mưa lũ kéo dài. Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động tập trung ứng phó tại chỗ, chính quyền địa phương cũng lên phương án bố trí vùng di dân tạm thời, phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. “Trước mùa lũ hằng năm, chúng tôi chỉ đạo các xã rà soát và kiên cố lại các điểm gươl làng, trường học, trụ sở ủy ban... để làm nơi trú ẩn an toàn cho người dân vùng nguy hiểm. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích người dân địa phương tích trữ lương thực, dự trữ nước uống, đề phòng trường hợp bị mưa lũ chia cách” - ông Mia nói. Còn tại huyện Nam Trà My, hiện chính quyền địa phương cũng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng… tại điểm dự kiến bố trí dân cư mới của thôn 5 (xã Trà Cang) và vận động di dời 30 hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất tại 2 nóc Tắk Giang và Tắk Chai (thôn 6, xã Trà Cang) đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa lũ năm nay.
Tại các chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình về tình trạng sạt lở đất ở các khu dân cư miền núi mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của đồng bào. Đồng thời cho biết, tỉnh và chính quyền địa phương các huyện miền núi sẽ tìm hướng khắc phục, đảm bảo sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng cao nằm trong vùng sạt lở đất kéo dài.
____________________________
Bài 2: Di sản ngăn ngừa hư hại
Là những di sản kiến trúc lâu đời, mỗi khi đến mùa mưa bão Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An lại đối diện với những tác động của thiên tai. Vì vậy, công tác phòng chống bão lụt tại 2 di sản càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết.
ALĂNG NGƯỚC