Ứng phó với mưa bão - Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy

CÔNG TÚ 01/10/2015 08:42

Các nhà thầu thi công dự án cầu Giao Thủy đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm những hạng mục dở dang và sẵn sàng nhiều phương án ứng phó khi mùa mưa bão đã bắt đầu.

  • Ứng phó với mưa bão - Bài 1: Vùng cao đề phòng sạt lở đất
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 2: Ngăn ngừa hư hại di sản
Công trường cầu Giao Thủy nhìn từ bờ bắc. Ảnh: C.TÚ
Công trường cầu Giao Thủy nhìn từ bờ bắc. Ảnh: C.TÚ

Đẩy nhanh tiến độ

Trở lại công trường cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc), chúng tôi bất ngờ trước tiến độ thi công của liên danh nhà thầu gồm Công ty TNHH Thanh Tùng - Công ty CP 479 - Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương. Chỉ mới hơn 5 tháng triển khai thực địa, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Đứng đôi bờ trông ra, hàng chục trụ bê tông mọc lên, tạo nên hình dáng của chiếc cầu nối liền đôi bờ Duy Xuyên - Đại Lộc. “Thời gian qua các nhà thầu đã huy động đội ngũ nhân lực có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc đồng bộ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình thi công. Với tinh thần quyết tâm vượt lũ hạng mục dở dang, nhà thầu liên tục thực hiện 3 ca/ngày. Nhân dân quanh khu vực rất quan tâm đến tiến độ dự án nên thường xuyên lui tới để thăm hỏi, động viên chủ đầu tư, nhà thầu và trở thành “giám sát cộng đồng”” - ông Đinh Tường Vũ, cán bộ điều hành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) chia sẻ.

Đảm đương thi công 2 trụ T5 và T6 nằm giữa sông, các cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty CP 479 rất nỗ lực triển khai phần việc được giao. Hiện nay, trụ T6 đã hoàn thành thân trụ và nhà thầu phấn đấu đến ngày 15.10 sẽ đổ xong đốt Ko (đốt đầu tiên trên đỉnh trụ). Kế bên kia, trụ T5 cũng đã kết thúc phần khoan cọc nhồi. Thi công các trụ từ T12 đến T21 và mố M2 (đầu cầu phía nam và đường dẫn) là Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương. Thời gian gần đây, doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp xây dựng tích cực nên nhanh chóng lấy lại được tiến độ. Chỉ huy trưởng công trình - ông Phan Đình Công cho hay, đơn vị tiến hành khoan đạt 33/56 cọc, hoàn thành 5/11 bệ, thân trụ. Cuối tháng 9 này, thân các trụ từ T12 đến T16 sẽ lên đỉnh. Tính ra, giá trị khối lượng mà đơn vị thực hiện đã đạt 26,5/102 tỷ đồng. Công trường cầu Giao Thủy sôi động, rộn rã nhất là ở phía bờ bắc. Nơi đây, Công ty TNHH Thanh Tùng thi công hoàn chỉnh các trụ từ T1 đến T4 (trụ T4 xong đốt Ko). Lực lượng công nhân đang tiếp tục triển khai đổ bê tông thân các trụ T9, T10, T11 và sẽ hoàn thành trong nay mai. Chỉ huy công trường của Công ty TNHH Thanh Tùng - kỹ sư Trần Văn Hùng nói: “Chủ đầu tư giao kế hoạch đến tháng 12.2015 chúng tôi phải thi công đầy đủ các trụ T1, T2, T3, T4 và mố M1. Thế nhưng, nhà thầu quyết tâm hoàn thiện các hạng mục này ngay trong tháng 9”.  

Chủ động phòng tránh thiệt hại

Theo ông Đinh Tường Vũ, liên danh nhà thầu từ trước đã lên kế hoạch thi công dứt điểm hạng mục đang triển khai dở dang, còn phần việc nào cần nhiều thời gian sẽ “để dành” sau khi kết thúc mùa mưa bão. Đơn cử như Công ty TNHH Thanh Tùng, doanh nghiệp này chỉ triển khai trụ T7, T8 ở phía địa phận Duy Xuyên vào thời điểm cuối hoặc đầu năm mới. Đối với trụ T5, Công ty CP 479 mặc dù đã hoàn thiện phần khoan cọc và đóng cọc ván thép nhưng vẫn để qua mùa mưa mới tiến hành đúc bệ, thân trụ. Về phần mình, Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương chỉ tiến hành khoan cọc nhồi nếu thời tiết thuận lợi. Vật tư thiết bị tập kết chỉ vừa đủ phục vụ hạng mục cần thiết, chứ không nhập về tràn lan dễ hư hỏng và khó bảo quản nếu xảy ra lũ lụt. Theo kế hoạch, doanh nghiệp Thái Dương sẽ cho phần lớn lực lượng công nhân tạm nghỉ khi kết thúc tháng 9, đồng thời bố trí ở lại một số người để trực ứng phó mưa bão. Lán trại cũng đã được chằng chống bằng tre và cọc bê tông cốt thép. Nếu tình huống mưa lũ phức tạp, đơn vị di chuyển thiết bị máy móc, con người về trú tránh tại nhà văn hóa thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa.   

Giá trị xây lắp của dự án cầu Giao Thủy khoảng gần 409 tỷ đồng, thì gần một nửa trong số ấy do Công ty TNHH Thanh Tùng đảm nhận thực hiện (204 tỷ đồng), bao gồm cả các trụ từ T7 đến T11 và đường dẫn phía bắc. Bên cạnh mời nhà thầu phụ Công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn cùng tham gia, doanh nghiệp huy động hơn 90 cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề và 5 xe cẩu, 4 máy đào, hàng chục xe máy khác trực chiến trên công trường. Nhằm đảm bảo chỗ ăn ở ổn định suốt 4 mùa cho anh em, công ty mượn tạm trụ sở Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy cũ, thuộc địa bàn xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) để đặt “đại bản doanh”. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy địa điểm “đóng quân” của đơn vị rất kiên cố, an toàn. Phòng làm việc, khu vực sinh hoạt và nghỉ ngơi phân bổ khá hợp lý. Sát bờ sông, nhà thầu đắp đất tạo mặt bằng rộng 2.500m2, đạt cao độ cao hơn mức đỉnh lũ năm 2009 là 2,5m. Khu vực này sẽ được bố trí làm bãi đúc dầm và là điểm tập trung thiết bị máy móc khi nước lũ dâng cao. Kỹ sư Trần Văn Hùng cho biết, theo kế hoạch, nhà thầu phải triển khai đúc dầm bắt đầu từ ngày 10.3.2016, nhưng với tiến độ kể trên, Công ty TNHH Thanh Tùng có thể tiến hành công việc trong tháng 10.2015 và phấn đấu đúc xong dầm cầu phía bờ bắc trước Tết Nguyên đán năm nay.

_____________________________
Bài 4: Lo “lá chắn nước”

Nỗi lo “lá chắn nước” ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ lại hiển hiện với người dân sống ở khu vực có tuyến tránh quốc lộ 1 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó với mưa bão - Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO