Ứng phó với mưa bão - Bài 5: Mở đường tránh lũ

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 05/10/2015 08:37

Dựa trên kinh nghiệm từ những mùa mưa lũ các năm trước, nhiều địa phương gấp rút thực hiện những phương án ứng phó cụ thể, sát thực tế, trong đó xây dựng những tuyến đường tránh lũ cho các điểm dân cư, đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục tình trạng cô lập là ưu tiên hàng đầu.

  • Ứng phó với mưa bão - Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 2: Ngăn ngừa hư hại di sản
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 1: Vùng cao đề phòng sạt lở đất
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 4: Lo "lá chắn nước"

Xóa “điểm đen” gây cô lập

Vào mùa mưa lũ, khi nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng, dân cư chia cách do lũ, địa bàn các xã vùng cao của các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn... luôn ở trong tình thế cô lập. Tình trạng đó diễn ra hàng năm, khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, trong khi công tác ứng phó chủ yếu được triển khai trong thời điểm khẩn cấp chứ chưa có giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững, lâu dài.

Cầu Sông Trường dẫn qua khu hành chính mới huyện Bắc Trà My là một trong những công trình góp phần giải quyết tình trạng bị mưa lũ chia cắt. Ảnh: CÔNG TÚ
Cầu Sông Trường dẫn qua khu hành chính mới huyện Bắc Trà My là một trong những công trình góp phần giải quyết tình trạng bị mưa lũ chia cắt. Ảnh: CÔNG TÚ

Để chủ động ứng phó với thiên tai, xóa những “điểm đen” về cô lập do mưa lũ, năm nay các huyện miền núi đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm không để tình trạng cũ lặp lại, giúp người dân yên tâm hơn. Trong đó, ngoài các phương án chủ động di dân, dự trữ lương thực tại chỗ..., nhiều địa phương quan tâm đến việc mở thêm các con đường mới đảm bảo an toàn, tránh bị mưa lũ chia cách, cô lập như trước đây. Theo ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cùng với việc sửa chữa một số tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao tại các địa bàn dân cư, năm nay huyện Tây Giang chú trọng đến việc mở thêm con đường mới theo từng tuyến khu vực xã nối với trung tâm huyện, bao gồm các tuyến đường nối từ xã A Xan đi Ch’Ơm, tiếp giáp Cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm; tuyến A Tiêng - Dang; Azích - Lăng - A Xan và tuyến phòng tránh lũ an toàn nối từ điểm Tây Giang về Đông Giang với chiều dài gần 10km. Trong đó, hơn 4km đã được mở với kỳ vọng sẽ trở thành đường tránh lũ an toàn, phòng trường hợp khi có xảy ra sạt lở đất gây cô lập ở các tuyến đường khác. “Khi tuyến đường Tây Giang đi Đông Giang được hoàn thành, sẽ tạo cơ hội xóa các điểm đen gây cô lập do mưa lũ, giúp địa phương yên tâm hơn về nỗi lo đường giao thông thiếu an toàn từ suốt nhiều năm qua” - ông Mia nói.

Trong khi đó, tại huyện Đông Giang, công tác này cũng được nỗ lực triển khai, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa lũ. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, đến thời điểm này địa phương đảm bảo đường ô tô đi được hai mùa ở 10/11 xã, thị trấn với nhiều tuyến đường dân cư đã được bê tông hóa theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay huyện Đông Giang đã hoàn toàn xóa các “điểm đen” gây cô lập do mưa lũ tại địa bàn dân cư thôn Ka Đắp (xã Arooih) và A Duông 2 (thị trấn P’rao), kể từ khi con đường mới tránh lũ đã được mở về tận làng. Cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường nối dài Za Hung - Jơ Ngây, huyện Đông Giang cũng đang nỗ lực tìm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư đoạn đường gần 3km của tuyến An Điềm - Kà Dăng - A Sờ còn dang dở, nhằm đảm bảo an toàn và chủ động ứng phó tốt nhất trước thời điểm mưa lũ đang đến rất gần.

Sẵn sàng ứng phó

Liên tiếp trong nhiều năm, mỗi khi có mưa lớn là lũ sông Trường đổ về gây chia cắt hoàn toàn tuyến đường Bắc Trà My – Nam Trà My. Không chỉ cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My và nhiều xã thuộc huyện Bắc Trà My, lũ vượt ngầm sông Trường (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) còn là mối hiểm họa đối với người dân khi lưu thông qua đoạn đường này. Những mùa mưa trước, chính quyền huyện buộc phải bố trí lực lượng công an, dân quân túc trực canh giữ, đặt rào chắn ở 2 đầu cầu ngầm sông Trường, ngăn chặn người và phương tiện tìm cách vượt cầu ngầm này. Ngầm sông Trường trở thành “điểm nghẽn” mỗi mùa mưa lũ. Để chuẩn bị ứng phó với tình huống mưa lũ gây cô lập, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã mở lại tuyến đường vòng tránh, có thể ứng cứu trong tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, ở trung tâm hành chính mới của huyện, công trình cầu Sông Trường cũng đã hoàn thành vượt tiến độ 11 tháng, kịp đưa vào phục vụ dịp Quốc khánh vừa qua, góp phần giải quyết tình trạng mưa lũ gây cô lập cục bộ. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết: “Hiện tại, một số công trình cầu, cống ở các xã cũng đã được nâng cấp, sửa chữa, về cơ bản khắc phục được tình trạng bị cô lập khi lũ sông Trường, sông Nước Oa đổ về. Đối với những điểm xung yếu, chúng tôi cũng đã có phương án để đảm bảo cho các tình huống khẩn cấp, nhất là ở ngầm sông Trường”.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác an toàn cho các công trình đê, kè sông, hệ thống kênh dẫn trên địa bàn khi có mưa bão xảy ra, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My cũng đã lên kế hoạch thực hiện việc gia cố đê, kè sông tại các vị trí xung yếu; tổ chức tuần tra đê, kè sông nhằm phát hiện kịp thời sự cố lún, sụt, xói lở để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo đảm an toàn cho các công trình đê và kè trong khi bão lũ diễn ra. Đoạn đường ĐH8 (có chiều dài trên 40 km) từ cầu Sông Tranh đi vào các khu tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2 của xã Trà Bui, tuyến đường đến các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka hay Trà Nú, Trà Kót (huyện Bắc Trà My) thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông những năm trước cũng đã được sửa chữa, gia cố, đảm bảo thông thoát lũ tại các tuyến đường có nguy cơ ảnh hưởng bão lũ. “Để chuẩn bị cho mùa mưa lũ sắp đến, chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát, có phương án khắc phục, không để xảy ra sạt lở, cô lập nhiều như những năm trước” - ông Thiệu khẳng định.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

Bài 6: Phú Ninh sẵn sàng các phương án

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó với mưa bão - Bài 5: Mở đường tránh lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO