Thời điểm này, Đại Lộc đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở, xâm thực diễn ra tại một số khu dân cư ven sông trên địa bàn.
Làng bị xâm thực
Nhiều năm nay, 2 khu dân cư của 2 thôn Hà Dục Đông và Hà Tân (xã Đại Lãnh) đối diện với nguy cơ sạt lở bờ sông. Nhận thấy hiểm họa, nhiều hộ dân đã tự di dời nhưng còn khoảng 30 hộ bám trụ, nhiều nhà chỉ cách sông vài mét.
Khu vực thôn Hà Tân, vùng ngã ba sông của xã Đại Lãnh đối diện với nguy cơ sạt lở nặng. ảnh: H.L |
Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã thông tin, do diện tích của 2 khu dân cư trên nằm ở hạ du của 2 con sông Côn và Vu Gia, thuộc vùng ngã ba sông, dòng sông khu vực này lại “cua ngặt” nên biến động dòng chảy rất lớn, tình trạng sạt lở sông càng diễn ra nghiêm trọng trong mùa mưa lũ. Cũng theo ông Yến, có năm sông xâm thực vào đất liền 2 - 3m, có năm lên tới 5 - 7m. Nặng nhất là đất sản xuất của Hà Dục Đông bị xâm thực đến vài nghìn mét vuông qua mỗi đợt lũ. Không chỉ riêng Hà Dục Đông và Hà Tân, trên địa bàn Đại Lãnh, một số thôn khác cũng bị bờ sông ăn vào đất liền do dân cư của xã chủ yếu phân bố dọc triền sông. “Toàn xã có 38 hộ với 138 nhân khẩu đối diện với nguy cơ sạt lở ven sông. Ngoài vận động những hộ đã mua đất hoặc được cấp đất di dời đến nơi ở mới, đối với những hộ chưa đủ khả năng di dời, mỗi đợt mưa lũ, chính quyền xã cùng chính quyền thôn kiên quyết di dời bà con đến nơi an toàn để tránh lũ. Cần thiết phải cưỡng chế di dời” - ông Yến nói.
Làng Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa) vốn là ngôi làng từng xảy ra tình trạng sạt lở sông nặng dẫn đến làng cũ bị sông xâm thực gần hết. Dù Mỹ Thuận đã di dời sang làng mới cách đó một cây số nhưng qua nhiều mùa lũ, người dân vẫn thấp thỏm nguy cơ tái sạt lở. Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân Mỹ Thuận cho biết: “Sau đợt lũ năm 2013, một con lạch nhỏ đã hình thành cách làng chừng 300m, xé đất từ thôn Đại Phú tới Mỹ Thuận. Để đối phó với sạt lở, từ xã tới thôn đã phát động ra quân trồng tre, song cứ mỗi đợt lũ là tre bị trốc gốc trôi sông, lúc trước vùng này toàn bờ tre song giờ đã lở hết. Chúng tôi mong có một bờ kè để sống yên ổn, nếu không, cứ đà này chỉ 5 - 6 năm nữa, những ngôi nhà cuối làng mới sẽ khốn khổ bởi sông xâm thực”. Theo ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, hiện tượng sạt lở nhiều đã diễn ra ở Mỹ Thuận từ trước năm 2009 và vẫn tiếp tục cho tới nay. Địa phương đã tính đến phương án trồng tre song không hiệu quả vì xói lở. Giai đoạn 1997 - 1998, có nơi bị sông xâm thực đến 200m. Quy luật của sông là lở bồi, song do ảnh hưởng của thủy điện, bờ sông càng bị xâm thực nặng, ảnh hưởng tới đất sản xuất và dân sinh. Hiện tại, trên địa bàn xã, nơi lở thì quá lớn mà bồi cũng quá nhiều, phải bỏ hoang nhiều diện tích vì không còn khả năng cải tạo sản xuất. Ước tính diện tích bỏ hoang lên tới 30ha. “Đáng lo ngại nhất là mùa mưa lũ, tình trạng sông xâm thực, xé lạch ăn sâu vào phần đất sản xuất của dân lại tái diễn. “Địa phương rất mong cấp trên sớm quan tâm hỗ trợ xây dựng một tuyến kè, giáp tuyến kè Đại Phú cũ, qua Mỹ Thuận dài chừng 1.000m, từ Phiếm Ái nối liền thị trấn Ái Nghĩa dài 500m. Nếu không sớm kè thì nguy cơ bờ nam của xã sẽ mất hết đất và nguy cơ sẽ tạo lại dòng sông cũ nằm sát khu dân cư” - ông Lộc nói.
Ứng phó
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách tạm thời trước mùa mưa lũ năm 2014 tại khu dân cư Quảng Đại 1 (Đại Lộc). UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất phương án đầu tư xây dựng kè mỏ hàn đá đảm bảo khả thi nhất về kỹ thuật, kinh tế. Đồng thời giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cho ứng vốn để Sở NN&PTNT hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2014 và triển khai thi công trong năm 2015. |
Nhận thấy nguy cơ sạt lở ảnh hưởng tới dân sinh, huyện Đại Lộc đã triển khai dự án di dời khẩn cấp vùng sạt lở xã Đại Lãnh. Theo đó, dự án đã triển khai xây dựng khu tái định cư tại thôn Hà Dục Tây, khởi công từ đầu năm 2014. Tới nay, nhiều hạng mục cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ, chờ bàn giao cho xã. Chi cục Định canh định cư tỉnh đã kiểm tra vị trí mặt bằng, sẽ triển khai chế độ hỗ trợ cho mỗi hộ dân di dời để bà con an tâm ổn định đời sống. “Hy vọng mọi công đoạn hoàn thành, địa phương sẽ tiếp nhận mặt bằng trong năm 2015 để tổ chức ổn định đời sống cho nhân dân” - ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Hai - Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Lộc cho hay, khu tái định cư xã Đại Lãnh đã hoàn thành xong mặt bằng, các hạng mục đường giao thông, nước sinh hoạt đã được đầu tư, chỉ chờ đấu nối lưới điện để phục vụ dân sinh.
Cũng trên địa bàn Đại Lộc, dự án kè chống sạt lở ven sông Quảng Huế đã được thi công nước rút với tổng giá trị đầu tư 61 tỷ đồng. Hiện, dự án đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, đang chờ khánh thành. Riêng, dự án kè chống sạt lở sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong có tổng chiều dài 360m (tổng kinh phí 9 tỷ đồng) đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, dự kiến tháng 12.2014 sẽ tổ chức thi công. Tuyến kè bằng rọ thép lõi đá hộc này được triển khai từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh năm 2014. Dự án kè chống sạt lở thôn Quảng Đại 1 đã được xây dựng phương án, trình UBND tỉnh phê duyệt song do khó khăn về nguồn kinh phí, chưa thể triển khai trong năm 2014.
HOÀNG LIÊN