Thời gian qua, vài sự việc liên quan đến môi trường du lịch có sự tham gia, tác động của các bên liên quan khiến du lịch Quảng Nam “mất điểm”. Một bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam ra đời lúc này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch sẽ giúp điều chỉnh những hành vi của du khách khi tham gia các hoạt động du lịch. (ảnh minh họa) |
Ảnh hưởng môi trường du lịch
Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng khách, môi trường du lịch Quảng Nam cũng dần bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại. Câu chuyện các thúng chai gắn loa “kẹo kéo” mở nhạc với âm lượng lớn khi chở khách tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh, Hội An gây ồn ào, bát nháo; hay cảnh nhân viên bảo vệ rượt đuổi hướng dẫn viên đưa khách “chui” trên phố cổ; tình trạng buôn bán ép giá, phân biệt khách; du khách ứng xử không phù hợp tại các điểm tâm linh, đình chùa… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tình trạng này đòi hỏi ngành du lịch cần có những quy định nhằm điều chỉnh hành vi, xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Nam đẹp hơn trong mắt khách.
Thống kê từ Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, 9 tháng đầu năm đơn vị đã tiếp nhận gần 280 phản ánh, phàn nàn của du khách về các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn, dịch vụ du lịch như mất cắp, móc túi, dịch vụ không đảm bảo, thu giá cao hơn quy định… dẫn đến những tranh cãi giữa du khách và các bên liên quan. Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, những sự việc trên không chỉ làm phiền hà du khách mà còn làm xấu đi hình ảnh du lịch Quảng Nam, vì vậy cần có sự điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời. “Dù hơi muộn nhưng đã đến lúc du lịch Quảng Nam cần có một bộ quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh những hành vi của các bên khi tham gia hoạt động du lịch” - ông Vân nói.
Thật ra, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch không còn là điều mới mẻ của các địa phương. Đến nay, ngoài Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch do Bộ VH-TT&DL ban hành và áp dụng trên quy mô cả nước (vào tháng 3.2017) thì nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, kể cả Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Đây là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh với những người tham gia hoạt động du lịch.
Lấy ý kiến đóng góp
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, đã đến lúc Quảng Nam cần một bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho riêng mình. Đây là vấn đề cấp thiết. “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch, kể cả định hướng hành vi cho người Quảng Nam khi đi du lịch đến nơi khác” - ông Tường nói. Mới đây, Sở VH-TT&DL cũng đã trình dự thảo bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam để đại diện các sở, ngành liên quan góp ý trước khi thông qua.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tập trung vào 3 nhóm đối tượng gồm: khách du lịch đến Quảng Nam và người Quảng Nam đi du lịch (khách du lịch); các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong mục quy tắc ứng xử của khách du lịch có 14 điểm nội dung chính gồm: tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán địa phương; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi tham quan tại những nơi tôn nghiêm… Với đối tượng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, bộ quy tắc có 20 điểm, nội dung chính gồm: thông tin đầy đủ và trung thực về sản phẩm dịch vụ; không chèo kéo đeo bám khách; không phân biệt đối xử khách... Riêng đối với đối tượng là cộng đồng dân cư, bộ quy tắc có 13 điểm với các nội dung chính như: cử chỉ đẹp, thân thiện với khách; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững, chất lượng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam. Do đó, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch là cần thiết. Tuy vậy, bộ quy tắc cần được phân theo nhóm đối tượng, nội dung cụ thể, nhất là chỉnh sửa về câu chữ để dễ nhớ, dễ thực hiện; hạn chế những cấm đoán, khuyến khích những hành vi tích cực… “Bộ quy tắc phải mang tính phổ quát và mở rộng ra thêm một số đối tượng, đoàn thể. Sau khi ban hành sẽ niêm yết công khai, tuyên truyền cụ thể đến từng đối tượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
VĨNH LỘC