Với “mạng lưới” làng thấm đẫm trầm tích qua hàng trăm năm, ứng xử ra sao, chọn lọc thế nào để giữ được bản sắc của làng, đồng thời nâng cao đời sống cho nông dân vẫn là câu chuyện chưa cũ.
PHẢI GIỮ CHỈ DẤU VĂN HÓA
Bằng cộng cảm và nối kết với quá khứ - hiện tại - tương lai, các ngôi làng xứ Quảng giữ trong lòng những chỉ dấu văn hóa đậm tính bản xứ.
Cố GS. Trần Quốc Vượng, trong rất nhiều nghiên cứu của mình, cho rằng, dưới góc nhìn địa - văn hóa, xứ Quảng có các tiểu vùng, còn gọi là hệ sinh thái nhân văn - văn hóa, đa dạng từ miền núi đến trung du, vùng châu thổ, ven biển, rồi đảo và quần đảo.
Ngay ở vùng châu thổ, theo cái nhìn bổ dọc, lại có các vùng nhỏ cồn cát phía tây, bàu cồn cát phía đông. Tự những vùng này đã có yếu tố liên kết, biến hóa, từ liên kết bằng biển, liên kết núi - trung du - biển - sông.
Và hơn hết là sự liên kết bởi con người; liên kết cộng đồng và liên cộng đồng. Biểu hiện rõ nhất cho các dấu ấn văn hóa đặc sắc này là sự hình thành và tiếp biến văn hóa từ những ngôi làng.
Nói về điều trên, phải lật lại quá trình lập đất lập làng của xứ Quảng. Có lẽ, nguồn cơn văn hóa xuất phát từ hành trình di dân, mang theo và giữ vốn truyền thống, đồng thời tiếp thu vốn văn hóa của cư dân bản địa, để làm nên những làng quê xứ Quảng dày dặn trầm tích.
Theo nguồn chính sử, sau sự kiện Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành (1306), lãnh thổ Đại Việt có thêm 2 châu Ô, Lý (Rí), và cho đến khi dinh trấn Thanh Chiêm ra đời (1602), những cuộc di dân ồ ạt từ đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh - Nghệ vào phía nam.
Những lưu dân Đại Việt tiếp quản vùng đất đã có sự cộng cư với người dân bản địa, giao thoa để thích ứng và định hình nên bản sắc. Chính yếu tố nguồn cội như vậy, cộng thêm địa hình dọc lưu vực sông, nên các biểu hiện văn hóa của người dân xứ Quảng tạo nên hệ giá trị bản sắc ở đủ mọi khía cạnh, từ thể chế văn hóa, đến các di sản văn hóa tiêu biểu, phong tục tập quán…
Theo TS. Phan Ngọc Thu - nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.Đà Nẵng, ngoài xuất phát là vùng đất lâu đời, giàu sức hội tụ, kết tinh, giá trị đặc trưng của văn hóa Quảng Nam còn biểu hiện ở không gian làng xã với cấu trúc văn hóa làng mang sự kết hợp nhuần nhuyễn của tư duy nông nghiệp và tư duy thương mại, kỹ nghệ.
Chính những không gian với cấu trúc độc đáo, đậm đặc bản sắc quê xứ đã giúp những ngôi làng tuổi đời hàng trăm năm không bị đánh mất căn cốt, tránh được những va đập trong cuộc chuyển đổi của đời sống mới.
Làng, mang đặc trưng cho văn hóa vùng đất. Nhắc đến làng Bảo An, Gò Nổi (Điện Bàn) sẽ nghĩ ngay đến chỉ dấu của một vùng nông nghiệp châu thổ lâu đời. Làng ven biển Cẩm An (Hội An) hay làng Trung Thanh (Tam Thanh, Tam Kỳ) nắm giữ những giá trị đặc sắc của miền biển…
Hoặc, giá trị làng Việt vùng trung du, có thể cảm nhận được khi thong dong bước trên những con đường ngõ đá của xứ Tiên. Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) được nhận chân như một trong những ngôi làng kiểu mẫu, còn giữ đủ đầy phong vị làng quê.
Ở một góc độ khác, dưới cái nhìn của kiến trúc, nhiều chuyên gia cho rằng, những kiến trúc nông thôn từ xưa đã cho thấy cái nhìn tinh tế cũng như tôn trọng văn hóa làng như thế nào. Là người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa làng thông qua góc nhìn từ kiến trúc nhà cổ, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, khi đi sâu vào các kiểu nhà ở những làng quê, từ chi tiết cụ thể trong kiến trúc, xây dựng, cho thấy có những phát hiện, mẫu hình kiến trúc khác biệt.
Tùy theo vùng miền mà có những kiểu nhà như nhà trình tường, nhà rọi, nhà rường, nhà chồng diêm... Cửa cũng có những kiểu như cửa võng, cửa xếp, cửa ô con tiện... Đây là những giá trị cần được tôn trọng.
Nhắc lại và kiểm đếm những ngôi làng đặc trưng của xứ Quảng, để thấy chỉ dấu văn hóa làng là điều “sống còn phải giữ”. Có như vậy mới mong sự phát triển vững bền của rất nhiều câu chuyện vùng đất sau này.
KHƠI DẬY GIÁ TRỊ HỆ SINH THÁI
Những chủ thể, giá trị tưởng như bình thường, mộc mạc ở làng nhưng qua thời gian càng trở nên quý giá trong nhịp sống hiện đại. Hệ sinh thái làng xứ Quảng, hội tụ đủ yếu tố để khai thác du lịch, thậm chí là du lịch cao cấp, một khi biết khai phá.
Nâng tầm bằng du lịch
Mốc khởi đầu cho du lịch cộng đồng, nông thôn Quảng Nam, có thể tính từ năm 2002, khi tour du lịch “một ngày làm nông dân” ra đời. Từ thời điểm đó, làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà (TP.Hội An) nối tiếp nhau định hình thương hiệu trên bản đồ du lịch. Có thể nói, phố cổ Hội An là “mồi câu” để thu hút khách đến, nhưng các giá trị văn hóa làng ở ngoại ô di sản này mới thực sự là chất xúc tác quan trọng để níu chân du khách ở lại và trở lại.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không có ngành kinh tế nào nâng tầm nông thôn nhanh, bền vững bằng du lịch. Và tiềm năng, giá trị của nông thôn xứ Quảng rất khả thi để triển khai theo hướng này.
Thống kê từ Sở VH-TT&DL, doanh thu ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2019 tăng trưởng rất nhanh, dao động mức 47 - 67%/ năm, cá biệt năm 2017 tăng tới 216%. Tổng doanh thu đã tăng gấp 20 lần chỉ sau 5 năm.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Con số trên chỉ mới ở mức tương đối do chủ yếu tính từ nguồn vé tham quan bán ra. Trên thực tế, thu nhập của người dân và doanh nghiệp địa phương có thể còn gấp 3 đến 4 lần”.
Làng quê xứ Quảng có hấp lực gì để thu hút du khách như vậy? Ngoài lợi thế về cảnh quan phong phú, văn hóa đa dạng thì sự sáng tạo là một yếu tố quan trọng để khách rời phố về làng. Người làm du lịch địa phương đã rất nhạy bén khi nắm được cái mà du khách cần.
Với khách châu Âu là trải nghiệm cưỡi trâu, làm món ăn truyền thống, tham gia sản xuất nông nghiệp để cảm nhận rõ đời sống người nông dân. Còn với khách Đông Bắc Á hướng đến các nếp sinh hoạt náo nhiệt, sôi động của làng như lắc thúng, xoay chuốt gốm…
Khơi dậy giá trị
Cũng cần nhìn nhận rằng, đến nay nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng hoặc đã lỗi thời, hoặc sớm nở chóng tàn. Đó là khi các giá trị giới thiệu đến du khách na ná nhau, không cập nhật, làm mới theo xu hướng hiện tại. Việc làng rau Trà Quế không còn hút khách từ trước khi Covid-19 ập đến là rất đáng tiếc nhưng cần chấp nhận, vì “vòng đời” của sản phẩm này đã chạm ngưỡng xấp xỉ 20 năm.
Với làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ) hay làng cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn) là bài học mà những điểm đến khác cần rút kinh nghiệm để tránh đi vào vết xe đổ, không bị “chết yểu”. Nổi lên cùng nhau vào khoảng 2015 rồi mất hút chỉ sau chừng ba năm. Điều được nhận ra sau đó là làng bích họa Tam Thanh và Triêm Tây đều thiếu đi những “giá trị lõi” để khách quay lại lần hai hoặc truyền tai cho người khác tìm đến trải nghiệm. Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, đây là điển hình cho các sản phẩm du lịch chưa đạt đến giai đoạn phát triển đã nhanh chóng rơi vào trạng thái bão hòa rồi trì trệ.
Ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây nói, Triêm Tây cũng như các làng du lịch cộng đồng khác cần có quy hoạch đặc thù cho từng vùng nông thôn để phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa. Như chuyện hàng rào nên trồng cây gì, hoa trong vườn nhà trồng loại gì cho đồng bộ để tạo điểm nhấn đến giờ vẫn chưa định hình cụ thể.
Như vậy, để vòng đời sản phẩm kéo dài lâu nhất có thể trước khi “đập đi làm lại”, người làm du lịch cần phải khơi dậy đồng bộ các giá trị trong hệ sinh thái của làng. Và ở điểm đến nào, có một “nhạc trưởng” cầm trịch tốt, tất yếu hệ giá trị ở đó sẽ chiếm được cảm tình du khách dài lâu.
SINH LỜI TỪ VỐN LIẾNG VĂN HÓA LÀNG
Giữa hàng trăm ngôi làng ở nông thôn, chỉ có nhận diện và tạo ra được giá trị khác biệt mới có thể sinh lời từ du lịch bằng vốn liếng văn hóa làng.
Với nhà tranh tre và sông nước, làng Cẩm Phú (xã Điện Phong, Điện Bàn) đang tiến hành những bước đầu tiên để xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Các yếu tố trên không quá lạ lẫm với một khung cảnh nông thôn, nhưng nơi này có một tài sản quý báu làm “vốn liếng” mưu sinh từ du lịch, chính là giá trị văn hóa - lịch sử thấm đẫm của vùng đất Gò Nổi.
Ông Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp làng Cẩm Phú chia sẻ, trước mắt làng hướng tới nhóm khách là sinh viên hoặc nhóm gia đình nhỏ có nhu cầu thư giãn kết hợp tìm hiểu đời sống thiên nhiên, văn hóa vùng đất này. Mỗi ngôi làng cần “định vị” được giá trị riêng của mình nằm ở đâu, để khi quảng bá, khách hào hứng muốn đến trải nghiệm, sau khi đến thì hài lòng và mong muốn trở lại.
Khi du lịch học tập ngày càng được đề cao, một chuyên gia du lịch cho rằng, Hội An với vốn văn hóa sống động có thể kết nối để trở thành hình mẫu về “đại học không giảng đường”, nơi mà hành động, đời sống từ lãnh đạo địa phương đến nông dân đều có thể trở thành câu chuyện cuốn hút, thú vị để giới thiệu với khách.
Với giá trị tài nguyên du lịch tốt nhưng chưa có được hoạch định bài bản, thì giải pháp tối ưu để một ngôi làng hướng đến làm du lịch là có sự “bảo trợ” của doanh nghiệp lữ hành hoặc làm điểm đến vệ tinh cho các khu giải trí, nghỉ dưỡng lớn. Như cách mà Công ty Emic Hospitality hỗ trợ làng rau hữu cơ Thanh Đông (TP.Hội An) đạt danh hiệu điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng tiêu biểu; hay việc Tập đoàn Thiên Minh đang hỗ trợ làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) quy hoạch, phát triển sản phẩm...
Điều khiến du khách e ngại với hầu hết điểm đến du lịch cộng đồng hiện nay trên địa bàn tỉnh là cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế. Từ hệ thống đường nội bộ, giao thông nối các trục chính đảm bảo ô tô du lịch 30 chỗ đến trạm xử lý rác cục bộ, công trình vệ sinh ở các điểm du lịch cộng đồng kể cả nằm gần khu vực đô thị hoặc chưa có hoặc xuống cấp nhiều năm.
Một khi chưa cải thiện được những điều này thì rất khó để thuyết phục nhóm khách gia đình ở các địa phương lân cận, chưa nói đến dòng khách cao cấp nghỉ dưỡng, giải trí ở khu vực vùng đông kéo dài thời gian lưu trú để khám phá các ngôi làng vệ tinh.
LỰA CHỌN ĐỂ THÍCH ỨNG
Tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, biến đổi xã hội,… đã và đang tác động mạnh mẽ đến bản sắc văn hóa làng. Làm gì để giữ cội rễ văn hóa làng trước những biến chuyển của đời sống là điều đáng quan tâm.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Quảng Nam đã đến lúc phải có những tính toán từ quy hoạch hợp lý để giữ lấy không gian làng. Tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng, nâng niu văn hóa bản địa và huy động sự chung tay của cộng đồng là điều nhiều người kỳ vọng.
Lịch sử phát triển của đô thị xứ Quảng bắt nguồn từ những ngôi làng. Thậm chí trong ý niệm phát triển sau này, quan điểm “làng trong phố, phố trong làng” vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế - trong cuốn “Làng Việt đa nguyên và chặt” khẳng định: “Càng đô thị càng cần có một kiểu không gian của làng, kiểu thức kiến trúc làng, thiết chế văn hóa đã được sàng tuyển của xã hội làng”. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến không gian làng truyền thống bị thu hẹp. Rất nhiều nơi vẫn được gọi là làng, nhưng không còn “dấu vết” của làng truyền thống.
Bà Chu Thu Hường - cán bộ Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, đô thị không khác biệt, không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại là sự kế thừa và phát triển của làng quê, trên cái nền của văn hóa làng. Vì thế, bảo tồn không gian làng truyền thống không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, sự đô thị hóa của làng.
Bảo tồn ở đây được hiểu là bảo vệ sự tồn tại của cảnh quan, không gian thuần khiết, giữ cho nó không mất đi, chứ không phải là để cho làng không phát triển. Do vậy, bảo tồn không gian văn hóa làng không thể theo hướng “mô hình hóa”, “bảo tàng hóa” làm đóng băng một ngôi làng và những hoạt động sống trong đó, cản trở sự xuất hiện của những yếu tố đô thị, đi ngược quy luật phát triển.
Không gian văn hóa làng là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, cần phải có một cách tiếp cận bảo tồn mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp. Văn hóa bản địa được coi là “giá trị cốt lõi” khi phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng bảo vệ văn hóa, môi trường vì nếu không có những giá trị này thì mất đi tính hấp dẫn và mất hẳn ý nghĩa của du lịch cộng đồng.
Làng xứ Quảng là nơi hình thành các di sản văn hóa. Tuy nhiên, dưới nhiều tác động, những di sản của làng đứng trước nguy cơ mai một khá lớn. Đây chính là nhìn nhận của nhiều nghiên cứu liên quan tới văn hóa làng tại Quảng Nam.
Ông Trương Hoàng Vinh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết, tại Hội An, sự thay đổi địa giới cũng như dân cư tại các làng cổ như Thanh Châu, làng chài Đế Võng, làng Thanh Hà, Minh Hương xã, Vạn Đồng Hiệp… khiến việc bảo tồn di tích trở nên hạn chế, tập tục làng xã cũng dần mai một. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã đánh mất không gian sinh hoạt cộng đồng rộng lớn. Văn hóa phi vật thể do quá trình đô thị hóa cũng chịu nhiều biến động.
Một khi nhận biết được căn nguyên, việc chủ động lựa chọn cách thức để bảo tồn và tránh những va đập không cần thiết, chuẩn bị cho hướng phát triển bền vững hơn là điều nên chăng…