Ứng xử với nhà cổ - Bài 2: Nguy cơ biến dạng

SONG ANH 24/10/2013 08:43

Xuống cấp, trùng tu không theo nguyên bản, thiếu kinh phí và cơ chế thích hợp cho việc tu sửa, đặt nặng lợi ích kinh doanh... là những nguyên nhân đẩy nhà cổ đứng trước nguy cơ biến dạng, mai một giá trị văn hóa.

  • Ứng xử với nhà cổ - Bài 1: Dấu vết trăm năm
Nhà cổ ở phố cổ Hội An đang được tận dụng triệt để phục vụ kinh doanh, dịch vụ du lịch dẫn đến nguy cơ biến dạng, mất đi kiến trúc nguyên bản. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhà cổ ở phố cổ Hội An đang được tận dụng triệt để phục vụ kinh doanh, dịch vụ du lịch dẫn đến nguy cơ biến dạng, mất đi kiến trúc nguyên bản. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nan giải bảo tồn, sửa chữa

Căn nhà gần 200 năm tuổi của ông Nguyễn Đình Mẫn (làng Lộc Yên, Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã xuống cấp khá trầm trọng. Phần mái ngói, các vì kèo, rui mè cũng như cửa chính, cửa hông đã xập xệ. Tuy nhiên, ông vẫn không thể sửa chữa. Theo lời những người trong gia đình, muốn sửa chữa phải thông qua chính quyền xã.  Và theo ông Mẫn, sắp tới huyện sẽ làm hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận Lộc Yên là làng cổ, nên mọi thứ cần phải giữ nguyên vẹn. Nhưng đó mới chỉ là một lý do. Một vấn đề nan giải khác, tìm đâu ra kinh phí cũng như phường thợ biết sửa nhà cổ mới là điều quan trọng. Ông Mẫn chia sẻ thêm, cách đây hơn chục năm, ông đã từng thuê nhóm thợ mộc ở quê đến sửa nhà, nhưng họ không làm theo ý ông, dẫn đến hình dạng gốc của căn nhà bị thay đổi ít nhiều. Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh chia sẻ: “Xã tuyên truyền vận động người dân giữ nguyên hiện trạng nhà cổ, nhân dân trong xã rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, khá nhiều căn nhà cổ đã xuống cấp, buộc người dân phải tự sửa chữa. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giúp người dân tìm ra phương hướng cũng như giúp họ phần nào kinh phí tu sửa để những căn nhà cổ dù có sửa chữa vẫn giữ được nguyên dạng”.

Nhà ông Nguyễn Đình Mẫn (Tiên Phước) đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa.  Ảnh: SONG ANH
Nhà ông Nguyễn Đình Mẫn (Tiên Phước) đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa. Ảnh: SONG ANH

Cách đây 7 năm, đoàn nghiên cứu của Viện Kiến trúc Hà Nội tổ chức đợt khảo sát tại Điện Bàn, kết quả thống kê có 52 căn nhà cổ trên 100 năm tuổi. Tuy nhiên, từ đợt khảo sát trên đến bây giờ, vẫn chưa có động thái nào từ cấp tỉnh cũng như cấp huyện về việc khảo sát lại để nắm danh sách và xây dựng kế hoạch bảo quản, trùng tu nếu có trường hợp nhà cổ xuống cấp. Mặt khác, theo quy định của UBND tỉnh, chỉ có những trường hợp nhà cổ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh mới được hỗ trợ kinh phí tu sửa. Do đó, không tính trên địa bàn Hội An, trong hơn 250 ngôi nhà cổ nằm rải rác ở các địa phương khác trên toàn tỉnh, mới chỉ có 10% trong số đó (đã được công nhận di tích cấp tỉnh) nhận được sự quan tâm từ các địa phương, ngành liên quan. Một vấn đề khác, khá nan giải cho những người làm công tác văn hóa, chính là ý thức của những chủ nhân nhà cổ dân gian. Một số chủ nhân dù sở hữu những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, tuổi đời cao, tuy nhiên lại không muốn địa phương lập hồ sơ đệ trình công nhận di tích, vì họ e ngại những câu chuyện liên quan đến hành chính cũng như quá trình tu bổ.

Khi nhà là cửa hiệu

Một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác bảo tồn di tích là TP.Hội An cũng đang đối diện với khá nhiều nguy cơ biến dạng nhà cổ. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, toàn thành phố có 1.360 di tích, riêng khu vực phố cổ có gần 1.000 di tích và có đến 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân. Điều đáng lo ngại, thời gian qua, chủ nhân của các di tích này do lợi ích kinh tế đã khai thác tối đa lợi thế nằm trong di sản văn hóa thu hút nhiều khách du lịch để kinh doanh, dịch vụ. Và hệ quả kéo theo là hàng loạt nhà cổ bị cải tạo lại theo hướng hiện đại để phù hợp với cơ sở kinh doanh, mua bán, làm mất đi kiến trúc nguyên bản.

Theo số liệu điều tra được thực hiện nhờ sự phối hợp giữa tổ chức JICA, Đại học Chiba, Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), có đến 453 nhà cổ trên tổng số 475 căn nằm trên mặt tiền 4 con đường có lưu lượng khách du lịch lớn tại Hội An được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu. Thống kê từ cuộc điều tra này cho biết, có 90,3% số nhà cổ trên được sử dụng làm dịch vụ, kinh doanh khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, bán hàng lưu niệm… Trong đó, có 35,1% số nhà cổ là do người khác thuê lại để kinh doanh và gần 64% số người thuê không có nhiều quan hệ sâu xa với phố cổ.

Theo ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, bên cạnh những nguy cơ đe dọa mất - còn của di sản đến từ thiên nhiên, những nguy cơ từ con người cũng rất đáng báo động. Chẳng hạn như việc tu bổ, sửa chữa di tích không đúng nguyên tắc, vi phạm quy chế; ô nhiễm môi trường do cư dân tại chỗ và khách du lịch; sự phai nhạt, mất dần các tập quán, lối sống truyền thống, không gian sinh hoạt gia đình và không gian linh thiêng trong các ngôi nhà cổ, sự thay đổi chủ sở hữu liên tục... Khuynh hướng các nhà kinh doanh cố gắng đạt mục đích “lợi ích kinh tế” trong một thời gian ngắn rồi rời khỏi Hội An đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện tượng người từ bên ngoài đổ vào phố cổ với mục đích kiếm sống nhờ du lịch sẽ coi phố cổ Hội An là một phương tiện để buôn bán nên dẫn tới tình trạng hỗn loạn về mặt cảnh quan.

Anh Nguyễn Công Thành, người có 2 cửa hàng áo quần may sẵn tại tuyến phố Trần Phú và Nguyễn Thái Học, chia sẻ: “Tiền thuê mặt bằng tại các tuyến phố trong khu phố cổ rất lớn, buộc người kinh doanh phải xoay đủ cách để bán được hàng. Tôi là người Hội An gốc, nên dù thế nào đi nữa cũng nhận thức phải gìn giữ cho phố Hội đẹp như nó đã từng”. Trong khi người Hội An đang cố gắng “giữ được gì thì giữ”, những người đến từ các địa phương khác thuê hoặc mua lại nhà cổ lại đặt nặng vấn đề kinh doanh hơn bảo tồn. Cô Utsumi Sawako - giảng viên trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) nhận định: “Đi cùng với đặt nặng lợi ích kinh tế là sự biến đổi trong cách cư trú ở các căn nhà cổ, mà trước đó cách cư trú truyền thống là mô hình đô thị, vừa cư trú vừa buôn bán. Trong quá trình phát triển du lịch, đã bắt đầu xuất hiện hình thức chỉ sử dụng nhà làm nơi kinh doanh, không có người lưu trú. Khi ấy phố cổ chỉ còn mang tính hình thức, Hội An có nguy cơ mất đi một phần sức hấp dẫn của mình”.

Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, ở làng cổ Lộc Yên, vừa được Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đưa thợ về tu sửa. Đây là một nhà cổ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh duy nhất tại Lộc Yên. Tổng kinh phí sửa chữa 800 triệu đồng, trong đó UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ 200 triệu đồng, phần còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh. Sau khoảng thời gian thực hiện tu bổ, đến nay đã hơn 6 tháng, người nhà vẫn chưa thấy ai về nghiệm thu công trình. Điều đáng nói là, khi tu sửa, phần chóp hai bên ngôi nhà đã bị tốp thợ đập hẳn để xây mới và đắp trên đó hình con cá (ảnh); trong khi nguyên dạng, phần chóp này là hình ảnh một cuộn thư, tượng trưng cho Nho học.

__________
Bài cuối: Cho muôn đời sau
Vấn đề đặt ra thời điểm này với những căn nhà cổ ở Quảng Nam chính là làm thế nào để giữ cho những giá trị văn hóa này trường tồn với thời gian.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng xử với nhà cổ - Bài 2: Nguy cơ biến dạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO