Lịch sử văn hóa Quảng Nam không thể thiếu sự góp mặt của những ngôi nhà cổ. Làm gì để “không gian văn hóa” này không phải rơi vào cảnh đìu hiu, mất mát hoặc biến dạng?
|
Chủ nhân các di tích nhà cổ ở Hội An được hưởng chính sách khá thuận lợi về vay vốn đầu tư tu bổ di tích của UBND tỉnh. Ảnh: QUỐC HẢI |
Chung tay gìn giữ
Chúng tôi ghé thăm nhà cụ Nguyễn Nho Phán (thôn Bồng Lai, xã Điện Minh, Điện Bàn) - một trong những nhà cổ đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2003. Căn nhà khá rộng, nằm trong khu vườn gần 1ha, gồm 5 gian 2 chái được gìn giữ nguyên vẹn, từ vuông sân, hồ cá, nền đất đến những cấu kiện gỗ. Quan niệm đây là căn nhà của ông bà để lại thờ tự, nên tất cả mọi chi tiết trong nhà đều ở “hiện trạng gốc” với 3 gian giữa để thờ. Căn nhà được những người thợ làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Hội An xây dựng vào năm 1770, với 3 hàng cột, gồm 64 cây, trong đó có một hàng cột cái, 2 hàng cột phụ. Trên cột đội cây trính đỡ vì kèo gác đòn đông, chạm dưới là hình tượng quả bí. Mỗi cây cột ở gian thờ và tiếp khách đều treo một tấm liễn khảm xà cừ với đề tài mai - điểu, hoặc tùng - lộc. Có điều kiện kinh tế, con cái cụ Phán thuê một phụ nữ hằng ngày coi sóc, quét dọn căn nhà cổ, ngoài ra hằng tuần còn thuê một người đến làm cỏ, dọn vườn. Tuy có ý thức giữ gìn nhưng theo thời gian, căn nhà cũng đã hư hỏng phần mái và một số bộ phận nội thất. Được biết, UBND tỉnh đã có quyết định cấp hỗ trợ 600 triệu đồng để tu sửa căn nhà cổ này và giao UBND huyện Điện Bàn làm chủ đầu tư.
Từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam”, UBND tỉnh vừa quyết định giao Sở VHTT&DL triển khai thực hiện đề tài “Nghệ thuật điêu khắc gỗ trong kiến trúc Việt ở tỉnh Quảng Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX” với tổng kinh phí thực hiện 250 triệu đồng. Theo đó, một cơ sở dữ liệu về nghệ thuật điêu khắc gỗ trong các công trình kiến trúc Việt, đặc biệt là nhà ở truyền thống sẽ là đối tượng được nhóm nghiên cứu điều tra, sưu tầm, thống kê nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị này. |
Nhà cổ được công nhận là di tích hoặc chỉ tồn tại với danh phận “nhà cổ dân gian” thì vẫn là những công trình kiến trúc lưu giữ nghệ thuật đặc sắc của cha ông. Việc ứng xử với các công trình đặc biệt này ra sao không còn nằm trong giới hạn của riêng chủ nhân nữa. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết: “Trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với một số địa phương tiến hành khảo sát nhà cổ. Hiện trung tâm đang tiến hành điều tra tại Tiên Phước và tiếp theo sẽ là Quế Sơn. Chúng tôi sẽ ưu tiên soát xét những nhà cổ liên quan đến lịch sử, nhân vật và sự kiện, sau đó là những nhà cổ có giá trị về kiến trúc và điêu khắc để xếp hạng di tích. Về phần trùng tu, đối tượng quan tâm hàng đầu vẫn là những di tích đã xếp hạng, nếu những di tích này xuống cấp, chúng tôi sẽ tham mưu Sở VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn để tu bổ, tôn tạo”. Tuy nhiên, một chính sách cụ thể về công tác bảo tồn những công trình kiến trúc này vẫn chưa có. Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, việc bảo tồn nguyên trạng, tiến đến phục hồi dần các giá trị gốc là tiêu chí đầu tiên trong tu bổ di tích.
Nhìn từ Hội An
Không có những ngôi nhà cổ xếp dày các tuyến phố, Hội An hiển nhiên không đứng tên trên bản đồ di sản thế giới. Và khi trở thành di sản thế giới, với người Hội An, nhà cổ ngoài không gian sinh hoạt còn là nơi để họ tạo kế sinh nhai. Và dĩ nhiên, tu bổ bảo tồn căn nhà là điều họ mong muốn nhưng vướng phải vấn đề kinh phí. Nhận ra vấn đề này, hướng tới lợi ích lâu dài, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách 7,7 tỷ đồng cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố vay để tu bổ những nhà có nguy cơ sụp đổ. Đây là nguồn kinh phí nằm trong dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trong Khu di sản văn hóa thế giới Hội An”. Tham gia dự án này, các chủ di tích được vay 100% vốn để đầu tư tu bổ các di tích. Theo đó, ngoài kinh phí hỗ trợ 40 - 75% tùy theo giá trị bảo tồn, chủ di tích sẽ được vay toàn bộ phần kinh phí mà họ phải đóng góp với lãi suất 0%, thời hạn trả vốn không xác định. Kèm theo đó là điều kiện chủ di tích tham gia dự án không được bán, chuyển nhượng di tích trong vòng 10 năm kể từ khi vay vốn. Sau thời gian này, hợp đồng vay vốn sẽ chấm dứt và xem như chủ di tích được Nhà nước hỗ trợ toàn phần kinh phí tu bổ. Ngược lại, nếu bán hoặc chuyển nhượng di tích trước thời hạn 10 năm, chủ di tích phải hoàn trả vốn và lãi suất vay. Được biết, hiện đã có 15 di tích ở khu phố cổ được đưa vào đề án này với tổng kinh phí đề nghị cho vay 5,8 tỷ đồng.
Bên cạnh vấn đề trùng tu, việc đảm bảo an toàn, tránh những tác động trực tiếp lên nhà cổ cũng được TP.Hội An quan tâm, nhất là vấn đề cháy, nổ. Ban Thường vụ Thành ủy Hội An vừa ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Theo chỉ thị, trước mắt sẽ thực hiện một số biện pháp trong khu phố cổ, quy định về sự luôn có mặt, chịu trách nhiệm sự an toàn của ngôi nhà đối với người thuê kinh doanh. Về lâu dài, thành phố sẽ xây dựng các phương án khả thi để bảo vệ “vùng lõi” phố cổ Hội An trước nguy cơ hỏa hoạn. Các phương án khống chế hỏa hoạn phù hợp, vừa đảm bảo tính khoa học, kỹ thuật, phù hợp với các tiêu chuẩn quy định phòng, chống cháy nổ của Nhà nước đồng thời đảm bảo tính mỹ thuật, hòa hợp với diện mạo, đặc điểm kiến trúc của phố cổ cũng đã được lên kế hoạch áp dụng.
Nương theo xu thế thời cuộc, tất sẽ khó giữ được những giá trị truyền thống. Nếu ngay từ bây giờ vẫn chưa có một cơ chế quản lý nào chuyên biệt dành riêng cho đối tượng nhà cổ, e rằng chỉ một thời gian nữa, những ngôi nhà trăm tuổi ở Quảng Nam chỉ còn trong hoài niệm.
Một cách bảo tồn Với không gian nhà ở truyền thống, song song với bảo tồn, việc đưa hoạt động du lịch - dịch vụ vào khai thác là hướng khả thi. Không gian kiến trúc nhà ở truyền thống sẽ là tiềm năng của sản phẩm du lịch cộng đồng tại Quảng Nam.
Tham vọng về một “bảo tàng nhà cổ” của Lê Văn Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam (Vinahouse) đã bước đầu có những thành công. Trong số 33 căn nhà cổ ở Vinahouse, Quảng Nam đã có đến 7 căn. Theo ông Lê Văn Vĩnh, phục chế nhà cổ phải chính xác, đã trùng tu thì không nên lẫn lộn, sai lệch bất cứ chi tiết nguyên bản nào. Chủ nhân các nhà cổ ở Quảng Nam mà Vinahouse đang sở hữu thật ra đều muốn giữ lại nhà của mình, nhưng vì điều kiện tự nhiên và khách quan (nằm trong vùng thấp lụt nên dễ bị hư hỏng, chủ nhân không có khả năng bảo tồn - chủ yếu là về kinh phí) hoặc người chủ di dời chỗ ở nên đành chấp nhận. Điều quan trọng là họ muốn ngôi nhà của cha ông được gìn giữ, với người xa quê thì vẫn mong nó ở lại trên đất Quảng Nam, dù có trường hợp đủ khả năng “mang” căn nhà đi theo đến vùng đất mới. Nhà Việt ra đời cũng từ những điều như thế. |
SONG ANH