"Ứng xử" với... rác

C.B.L 09/10/2018 01:57

Đón con trước cổng trường, tôi ngạc nhiên về câu hỏi của thằng bé: “phân loại rác là gì hả ba”? Trời ạ, cu cậu năm nay đã vào lớp 5, tức là đã trực tiếp tham gia xả rác gần chục năm trời, vậy mà tôi đã quên không nói cho thằng bé biết những điều “sơ đẳng” về cách hạn chế rác để con có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Tôi thậm chí còn thất vọng khi biết rằng cu cậu hỏi như vậy không phải đã được nâng cao ý thức gì, mà do vừa nhìn thấy nhiều thùng rác đang được tập kết ở đây. Rác hỗn hợp tràn trên nắp thùng, vươn vãi xung quanh... Tác hại của rác như thế nào, có thể thằng bé đã được nhìn thấy, nhưng làm gì để hạn chế rác, dường như vẫn là dấu hỏi với nhiều học sinh.

Trong chương trình cấp 1, có thể đã dành ra một số tiết hoặc nhiều hoạt động để nhà trường dạy các em nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, nhưng thật ngạc nhiên, khi hỏi về khái niệm phân loại rác, nhiều em ngơ ngác. Rác là câu chuyện thời sự thực tế nhất của xã hội hiện đại, phân loại rác hay các biện pháp tương tự, được xem là dễ thực hiện để “tiêu thụ” bớt nguồn rác thải ngày càng nhiều thêm, đặc biệt là rác thải nhựa mà cụ thể là túi ny lon đang được sử dụng vô tội vạ ở cả đô thị và nông thôn. Để bảo vệ môi trường, ngoài việc cả cộng đồng phải nâng cao ý thức về tác hại của rác thải, thì điều quan trọng là phải nêu các biện pháp phù hợp để mỗi người có thể gián tiếp “tiêu thụ” bớt lượng rác do mình thải ra. Tuy nhiên, chuyện hạn chế rác bằng cách nào để mỗi người có thể thực hiện dễ dàng, vẫn đang là câu hỏi khó. Ngay như việc thực hiện bỏ rác vào thùng, đến nay tại nhiều điểm công cộng cũng không mấy thuận lợi. Còn biện pháp phân loại rác như đã nói, chưa được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương, thậm chí còn đang trong quá trình... thí điểm. Ở Quảng Nam, hiện khái niệm này vẫn còn rất xa lạ. Phân loại rác để làm gì, khi tất cả rác thải đều được tập trung lại, chủ yếu là để chôn lấp hoặc đốt đi mà không được tái chế? Trong các hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, nhiều đơn vị cũng thừa nhận chủ yếu là triển khai các hoạt động tuyên truyền, còn biện pháp xử lý, hạn chế rác thải vẫn không có gì mới mẻ.

Rác thải đang trở thành câu chuyện gắn với văn hóa, văn minh, thậm chí là hình ảnh quốc gia, là những tiêu chí để một quốc gia hội nhập. Vì vậy tôi ước gì những kiến thức nền về biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường kiểu như “phân loại rác tại nguồn” được các trường dạy cho hoc sinh ngay từ buổi ban đầu một cách sinh động, hiệu quả hơn để chúng ta có thêm nhiều biện pháp “ứng xử” với rác trong tương lai. Hay đơn giản hơn, để chính mỗi học sinh bây giờ không trở thành là “cây” xả rác di động sau này.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ứng xử" với... rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO