Ước chi như ban ngày miết...

Phóng sự của TRUNG VIỆT 13/01/2018 09:17

Sáng sớm, đường Nguyễn Phúc Chu vắng tanh. Con phố nằm bên kia sông Hoài này có khác chi những hẻm ngõ rêu phong bên kia, bởi nhà hàng, khách sạn, quán ăn, lâu nay đã sống với nhịp ngủ nghỉ của khách tây là thức khuya và dậy trễ.

Những nhà hàng - quầy bar ban ngày yên ả nhưng ban đêm thì gây ô nhiễm tiếng ồn.Ảnh: TRUNG VIỆT
Những nhà hàng - quầy bar ban ngày yên ả nhưng ban đêm thì gây ô nhiễm tiếng ồn.Ảnh: TRUNG VIỆT

1. Người đàn ông có tên là Thành, đang lui cui phụ vợ ở quán quà vặt đầu cầu An Hội, khi tôi vừa nhắc chuyện tiếng ồn của nhà hàng, quán bar, bật liền: “Anh ở trong khối phố Đồng Hiệp, phía sau đường ni, điếc cả tai, nhưng người ta làm ăn, mình đâu có nói được”. Chuyện Hội An ồn ào bởi khách, nhạc, những hoạt động đủ thứ âm thanh, khiến “đặc sản” của phố cổ là yên bình đang bị gặm nhắm và đổi màu. Và mới đây, một tờ báo đã dùng chữ khá đắc địa, là “ngộ độc” quầy bar ở Hội An. Chỉ tay vào nhà hàng sát bên, anh Thành nhăn mặt: “Thì đó, khách tây vô ăn, mở nhạc to họ mới ưng, dậm giựt miết, quán mô cũng mở, nhà mô cũng đua, chỉ có mình suốt ngày chạy chợ, đi làm mệt chết, ban đêm về muốn ngủ sớm cũng không yên”.

Tôi lướt xe dọc theo con phố, nhiều hàng quán vẫn đóng. Có hai ông khách tây uống cà phê sớm bước vào quán. Mạnh ai nấy cắm mắt vào điện thoại cảm ứng. Sát bên cạnh là một nhà hàng mới mở cửa, vắng tanh, có cô nhân viên đang dùng phấn viết lên tấm bảng thực đơn hôm nay, nói không hề so đo: “Ban ngày tính làm chi anh, chủ yếu tối mà. Có quy định chứ, mở nhạc, tiếng ồn chỉ đến 11 - 12 giờ khuya thôi, không được phép quá”. “Nhưng nếu quá, có bị phạt không?”. “Nhắc  nhở thôi”. “Hỏi thiệt em, nếu em là hàng xóm, họ mở ầm ĩ tới nửa đêm, em chịu nổi không?”. “Dạ…”. Lấp lửng câu trả lời. Cái sự ồn ào do nhà hàng, nhạc, karaoke, ở nước mình, đâu đâu cũng có, đinh tai nhức óc, nhưng phạt thì có được mấy đâu, cũng chẳng bỏ tù ai, tước giấy phép kinh doanh cũng chẳng được bao nhiêu. Hát, nhảy, đi đâu cũng gặp, từ nông thôn ra đến phố. Đám ma cũng hát. Cưới càng hát. Sinh nhật. Về nhà mới. Hứng lên, nhậu cho đã rồi hát. Hát cho nhau nghe. Ưng thì hát. Loa liếc bây giờ rẻ và tốt, cứ mua, trước hát, sau rống, cuối cùng lải nhải, hàng xóm, người già, kẻ đau, con nít, ai điếc cứ điếc, ngủ không được thì thức, mình cứ ca, cứ xuống xề thăng hoa cho đã đời ông địa. Cái sự này, nhà tôi và hàng xóm xung quanh lâu lâu lại bị, cả đêm không ngủ được. Có lần tôi gặp tổ trưởng dân phố, cô này thở dài: “Nhà em có thua chi anh ơi, nhắc nhở họ rồi nhưng đâu có được, nói nặng thì mất lòng”.

2. Sợ mất lòng. Cái sự duy tình này, hàng xóm láng giềng với nhau, nghe ra cũng chấp nhận được, nhưng nếu phát ra từ miệng quan chức đại diện cho chính quyền, thì xem ra không ổn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, khi trả lời báo chí chuyện “ngộ độc” tiếng ồn từ các quầy bar ở Hội An, đã không giấu giếm rằng, nhà ông cũng bị năm bảy nhà hàng ầm ĩ hành hạ, nhưng không nói được vì họ hoạt động đúng quy định. Con số thống kê, tại các con đường lớn nhỏ ở trung tâm thành phố, có đến 100 quầy bar. Đây là “con đẻ” của lượng nhà hàng, khách sạn tăng vọt, do lượng du khách đổ về Hội An ngày càng nhiều. Lợi nhuận thu được từ khách, hẳn tăng lên, nhưng đặt nó bên cạnh sự mệt mỏi, phiền toái, chán ngán của những ai tìm về Hội An để kiếm chút yên tĩnh, để rồi sau đó đi theo thất vọng là lời quả quyết “không bao giờ trở lại”, liệu có ai tiên lượng được mức độ  bất trắc sẽ mở đường cho những  nguy cơ về sau của Hội An khi mất dần hình ảnh trong lòng du khách? Nghĩ đến chuyện 100 quầy bar thi nhau chát chúa mà kinh hoàng. Chính quyền Hội An, nói nghiêm túc, là không thả nổi chuyện này, lâu nay có đặt ra việc cấm tại các quầy bar lớn ở tuyến phố khu vực 1 như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Châu Trinh… Các chủ nhà hàng linh động kiểu “2 trong 1”, đó là các quầy bar lồng ghép phía trong. Đặc điểm của các quầy bar nơi đây, cả trên đường Nguyễn Phúc Chu, không phải là vũ trường đóng kín, mà dựa vào quán ăn. Chính điều này đã khiến tiếng ồn phi mã. Khách đông chừng nào, loa bật to chừng nấy. Việc giám sát, theo ý kiến từ UBND TP.Hội An, là đo tiếng ồn, nếu không vượt ngưỡng cho phép thì khó xử lý.

Một nhà hàng có quầy bar trên đường Nguyễn Phúc Chu.
Một nhà hàng có quầy bar trên đường Nguyễn Phúc Chu.

“Đáng tiếc!”. Một quan chức của thành phố cảm thán. Tôi nghe và nhận ra rằng, họ đã và đang bất lực. Ngay cả đường Nguyễn Phúc Chu  bên kia sông Hoài, đừng nghĩ rằng nó chẳng ảnh hưởng gì đến phố cổ, ưng mở nhạc mấy thì mở, bởi khách tìm về sông Hoài để thả mình thư thái ban đêm, mà nhạc nện vô tai, thì ở làm chi? Đây là ý kiến của một công chức ở ủy ban, xin được giấu tên. Có ai thống kê, bao nhiêu lời phàn nàn đã và đang lên từ khách trong lẫn ngoài nước về chuyện Hội An không còn bình yên nữa. Lộn xộn, ồn ào. Ý nghĩ đó một lần nữa theo tôi dong xe qua các phố. Bộ máy quản lý đang… lỏng tay, bởi vì lý do gì? Không thể cấm, nhưng nói vậy, một khi đã thừa nhận bất lực, thì chứng tỏ nguy cơ đã ngập tràn rồi.

3. Tôi hỏi ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Hội An, rằng anh đã làm được cái việc là phố không động cơ, để tránh làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của nhà cổ, phá vỡ bình yên của từng góc phố, vậy xin hỏi anh, nếu bây giờ còn quyền trong tay, anh làm chi, khi người ta nói là không cấm được chuyện tiếng ồn? Ông Sự không giấu được bực mình: “Nói không cấm được là vô lý. Anh mở nhạc để phục vụ kinh doanh, nhà nước cho phép, nhưng tôi nói rõ là làm chi thì làm nhưng không được ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và du khách. Tôi sẽ yêu cầu làm cam kết. Nếu anh vi phạm đến lần thứ 3, tôi sẽ tước giấy phép kinh doanh. Có chi ngán bằng tiếng ồn ban đêm, khi phải ngủ để ngày mai làm việc. Ầm ĩ tới 12h đêm, ai mà chịu nổi. Hồi đó, mình đã từng làm, làm rất nghiêm. Xin lưu ý, đường Nguyễn Phúc Chu vẫn là nằm trong vùng quản lý của khu vực di sản đô thị cổ, là khu vực 2A chứ không phải nằm rìa khơi khơi đâu”. “Chính quyền thấy hết, nhưng không làm được, vì sao?”. “Mình nghĩ anh em ngại ngùng, thiếu quyết tâm thôi”. “Nhưng một khi đã vậy, thì sẽ trả giá”. “Đúng, không kiên quyết lập lại trật tự đô thị, trả bình yên lại cho Hội An, sẽ dẫn đến sai lầm chết người không cứu vãn được”. “Cơ chế đặc thù cho Hội An dưới hình thức quản lý đô thị, theo tôi là còn thiếu, bởi không thể quản lý Hội An bằng quy định như bất kỳ thành phố nào, khi cái đích  nhắm đến phải là một chính quyền đô thị với đặc điểm riêng khác, tất nhiên không nằm ngoài khuôn khổ của  pháp luật”. “Phải đặt có trong tư thế, rằng đây là chính quyền đô thị - di sản đặc thù, hoạt động theo quy định quản lý của nhà nước ở thành phố, nhưng phải có những điểm riêng khác theo quy định về Luật Di sản và công ước của UNESCO, tất cả phải được ứng xử theo hành lang pháp lý đi bằng hai chân trên, thì mới quản lý được. Lâu nay khách đến với Hội An bởi nó là đô thị di sản, thì tỉnh và trung ương phải tiến hành cho phân cấp, phân quyền đi liền với trách nhiệm. Phải hành động, bởi nếu  cứ để kéo dài như tình trạng hiện nay,  khi yên tĩnh bị phá hủy, thì du khách sẽ không đến, lúc đó hối không kịp”.

Tôi vòng lại đường Nguyễn Phúc Chu lần nữa. Một nhóm khách tây đang mua vé tham quan ngay cầu An Hội. Chị bán vé cho hay, ban đêm mới nhộn nhịp chứ ban ngày ít lắm. Còn chị vợ anh Thành thì bâng quơ: “Ước chi ban đêm mà miết như ngày để được ngủ cho yên”…

Phóng sự của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ước chi như ban ngày miết...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO