Trước khi bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình, Bình nói với chồng và gia đình: “Mọi người hãy cho con thời gian một năm, nếu không được thì con sẽ dứt hẳn và làm điều gia đình muốn”. Nhưng chưa tới một năm, Trần Thị Thúy Bình không chỉ làm “sống lại” mà con đưa thương hiệu thời trang ChiBa Hội An (số 55, đường 18.8, TP.Hội An) đi xa hơn.
Bình (phải) luôn mang khát khao mở rộng thương hiệu ChiBa Hội An. Ảnh: X.THỌ |
Đam mê thời trang
Bình thích thời trang từ nhỏ, mê mẩn khi thấy người khác diện đồ đẹp dạo phố cổ. Lớn lên, Bình làm thuê trong 1 tiệm quần áo với công việc bán hàng, nhưng cô thường xuyên sửa soạn cửa hàng, như một cách bày tỏ sở thích và năng khiếu của mình. Một thời gian sau, Bình chuyển sang làm ở một cửa hiệu trang sức, nhưng vẫn dành niềm đam mê cho thời trang. Trải qua một vài công việc nữa, Bình lập gia đình. Một năm sau, cô quyết định dấn thân vào con đường thời trang với thương hiệu ChiBa Hội An. “Em lấy tên ChiBa vì em là chị ba trong nhà, bỏ dấu “nặng” cho người nước ngoài dễ gọi. Thêm nữa, ChiBa cũng là tên một tỉnh ở Nhật Bản mà cả hai vợ chồng đều ước mơ đến đó du lịch. Kinh phí cho chuyến du lịch sẽ được tích lũy từ cửa hiệu ChiBa Hội An của em” - Bình cười, nói về cái tên cửa hàng của mình.
Bình bắt đầu với lụa, như nhiều thương hiệu thời trang ở Hội An vẫn làm. Sau một thời gian hoạt động, Bình nhận ra rằng thời trang từ lụa gặp rào cản lớn đối với người mua là giá cả cao và không phải ai cũng biết cách sử dụng. “Nguyên giá thành của lụa đã cao rồi, lại thêm phí mặt bằng ở phố cổ nữa, cộng lại làm cho giá sản phẩm bán ra khá cao, nên rất kén khách” - Bình lý giải. Cũng theo Bình, khách của ChiBa Hội An khi ấy chủ yếu đến từ Pháp và Nhật Bản vì họ hiểu và yêu lụa, nhất là biết cách sử dụng, bảo quản quần áo được làm từ lụa. Tuy vậy, sau hai năm hoạt động, nhìn thấy những bất ổn, Bình chú trọng hơn cho chất liệu linen - một chất liệu tự nhiên, để gia công cho những sản phẩm thời trang của mình.
Điều đầu tiên Bình chọn linen chứ không phải là một chất liệu khác là bởi quần áo từ linen nếu không dùng nữa, thì nó sẽ tự phân hủy trong tự nhiên. “Ngoài ra, việc sử dụng và bảo quản quần áo từ chất liệu linen cũng dễ hơn so với lụa, trong khi giá thành lại thấp hơn lụa khá nhiều. Một mét lụa có giá từ 400 nghìn đồng, trong khi đối với linen thì chỉ có giá từ 70 đến hơn 100 nghìn đồng mà thôi” - Bình cho biết.
Mở rộng đầu tư
Thời gian đầu chuyển hướng chú trọng với chất liệu linen, Bình gặp khó do phần lớn người Việt thời gian này chưa quan tâm đến quần áo từ linen vì trông có vẻ xù xì hơn lụa hay những loại vải khác. Và ít người biết rằng, khi mặc, thân nhiệt cơ thể người sẽ làm những vết xù xì ấy mềm và mịn hơn. Để quảng bá, Bình thuyết phục những người thân trong gia đình mặc những quần áo từ linen. Tuy nhiên, ChiBa có một thời gian gần như ngừng hoạt động, đó là lúc Bình sinh con đầu lòng. Thời điểm đó, việc đưa sản phẩm từ chất liệu linen ra thị trường tương đối khó khăn, cùng với việc sinh con, Bình tưởng rằng ước mơ ChiBa của mình coi như kết thúc.
Nhưng cô không ngờ rằng, những khách hàng đã được thuyết phục bởi chất liệu linen, lối hoa văn họa tiết, đường kim chỉ từ đôi tay khéo léo của cô đã tìm đến và thuyết phục mình may quần áo cho họ. “Khi ấy, vải vóc đã được đóng thùng cất cả, vì nghĩ không làm nữa. Nhưng các chị ấy thuyết phục, em vừa chăm con, vừa may đồ cho khách. Bây giờ nghĩ lại, chính những lúc như thế, chính những tình cảm mà những khách hàng thân thiết dành cho, nên em mới có động lực và trở lại với ChiBa của mình” - Bình tâm sự.
Bình kể thêm, nhà chồng Bình nằm trong hẻm gần giếng Bá Lễ, những lúc khách đến lựa vải rồi treo lên để may đồ, vô tình thu hút sự tò mò của du khách ngang qua, và có không ít người trở thành khách hàng của Bình. Trước cơ hội ấy, Bình xin chồng và gia đình cho mình 1 năm để vực lại ChiBa, nếu không được sẽ từ bỏ hẳn. Nhưng chỉ được khoảng nửa năm, Bình đã thành công với sự trở lại của mình. Theo cô, ngoài chất liệu, điều mà nhiều khách lựa chọn may ở ChiBa là thích những họa tiết, hoa văn theo lối giản đơn nhất mà vẫn toát lên được vẻ đẹp, nét thanh tao. Chính điều này đã làm nên thành công thương hiệu thời trang ChiBa Hội An trong những năm trở lại đây. Nó thành công đến mức, nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành khác quay lại và muốn làm đối tác của Bình ở những tỉnh thành khác. Hiện ChiBa đã có chi nhánh ở TP.Hồ Chí Minh tại hẻm 86, đường Nguyễn Du, quận 1 và số 45 Lý Thường Kiệt, TP.Đà Nẵng. Trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều đơn hàng, Bình đã tuyển thêm nhiều thợ, nhân viên để phục vụ khách. Hiện trong tay cô có 10 thợ may, 10 thợ thêu và nhân viên bán hàng. Những người này được Bình trả lương cứng 3 triệu đồng mỗi tháng. Đi kèm với đó là những khoản thu nhập dựa theo hiệu quả công việc. “Em luôn mang ước mơ mở rộng ChiBa, dù vậy, ở Hội An hay bất cứ nơi nào khác, cũng phải đều theo triết lý chung mà em đã gầy dựng ChiBa từ trước đến nay” - Bình cho hay.
XUÂN THỌ
TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”