Ước vọng kinh tế cửa khẩu Nam Giang

ALĂNG NGƯỚC 03/09/2021 06:21

Bên cạnh giữ nguyên một số công trình theo hiện trạng cũ, theo quy hoạch mới, Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang sẽ khai thác tối đa diện tích cho phép phù hợp với nhu cầu phát triển là cửa khẩu quốc tế, kết nối liên vùng theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây giữa các nước Thái Lan - Lào và Việt Nam.

Bên cạnh giữ nguyên một số công trình cũ, việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bên cạnh giữ nguyên một số công trình cũ, việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Điều chỉnh quy hoạch

Tròn 15 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang vào tháng 9.2006, hiện trạng nơi “kinh tế xanh” này vẫn chỉ được phác họa bởi một vài công trình trọng yếu. Mục tiêu phát triển, lẫn ước vọng của chính quyền và người dân vùng biên cho một khu kinh tế mở, nhộn nhịp giao thương xem ra chưa… “đạt yêu cầu”.

Theo quy hoạch cũ đã được phê duyệt, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang gồm 3 tiểu khu chính được bố trí tại 16 thôn thuộc 2 xã Chà Vàl và La Dêê với tổng diện tích hơn 715ha. Trong đó, tiểu khu 1 với diện tích khoảng 30ha có chức năng chủ yếu là kiểm soát cửa khẩu và thương mại - dịch vụ; tiểu khu 2 (khoảng 630ha) là trung tâm đô thị, đi kèm các khu phi thuế quan, công nghiệp, dịch vụ thương mại, hành chính công cộng và các cụm dân cư nông thôn; tiểu khu 3 (khoảng 56ha) được bố trí thành trung tâm hành chính công cộng, các khu ở, thương mại dịch vụ, các cụm dân cư nông thôn… với tổng kinh phí đầu tư hơn 938 tỷ đồng.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, sau thời gian triển khai quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, san nền, tạo mặt bằng sạch thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh… đã bộc lộ một số nội dung phát sinh cần điều chỉnh.

Ngoài diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún được bố trí cho doanh nghiệp đầu tư, đất ở riêng lẻ được quy hoạch nhiều ở khu trung tâm hành chính - dịch vụ, trong khi quỹ đất cây xanh quá nhiều; vị trí giữa các khu chưa hợp lý về dây chuyền, công năng sử dụng.

Cụ thể, Trạm Kiểm soát liên hợp quá gần với Quốc môn; bến nhập nhỏ và thiếu khu vực quản lý hàng hóa tạm giữ, gây nguy cơ ùn tắc khi lượng hàng hóa qua cửa khẩu ngày càng nhiều.

Theo ông Dũng, sau khi tiếp nhận Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, đơn vị nhận thấy hiện trạng quy hoạch cũ khá nhỏ lẻ, không đáp ứng với nhu cầu phát triển của cửa khẩu. Trước thực trạng này, bên cạnh đề xuất phương án điều chỉnh khu vực bố trí dân cư trước đây sang dịch vụ thương mại, tại tiểu khu 1 Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam ưu tiên xây dựng trung tâm kho bãi; đồng thời chuyển đổi diện tích bố trí công viên để hình thành bến tập trung xuất - nhập hàng hóa và các dịch vụ liên quan đi kèm đảm bảo các điều kiện phát triển mới.

“Ngoài ra, sau khi cặp Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc được công nhận là cửa khẩu quốc tế, một số hạng mục công trình cũ sẽ được điều chỉnh công năng sử dụng, hình thành các khu kiểm dịch y tế, công an xuất nhập cảnh, bộ đội biên phòng trực tiếp làm nhiệm vụ” - ông Dũng chia sẻ.

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch đảm bảo với yêu cầu phát triển chung của cửa khẩu, các phương án mới được xây dựng theo nguyên tắc bổ sung, chuyển đổi chức năng phù hợp, sát với tình hình thực tiễn giao thương tại cửa khẩu.

Trong đó, khai thác tối đa diện tích, mở rộng quy mô khu vực quản lý và ưu tiên quy hoạch các khu chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, phương tiện trực tiếp quản lý, điều hành công việc. Đồng thời chú trọng bố trí sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ, xây dựng khu trung chuyển hàng hóa trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, tạo điều kiện tối đa cho việc thông quan cửa khẩu...

Hướng đến trung tâm thương mại quốc tế

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, những bất cập trong quá trình triển khai quy hoạch tại Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đã được nhìn thấy. Vì thế, hơn bao giờ hết, việc điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển trong bối cảnh cặp Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đã được công nhận là cửa khẩu quốc tế là điều hết sức cần thiết. Tất cả vì mục tiêu đưa khu vực này thành trung tâm thương mại quốc tế, kết nối liên vùng theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây giữa các nước Thái Lan - Lào và Việt Nam.

Nhiều khu vực, vị trí và công trình cũ sẽ được điều chỉnh về công năng, đảm bảo hình thành một trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều khu vực, vị trí và công trình cũ sẽ được điều chỉnh về công năng, đảm bảo hình thành một trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Phải thay đổi tầm nhìn, thay đổi tư duy quy hoạch hoàn toàn khác với đánh giá, nhìn nhận trước đây, bởi hiện trạng cũ đã không còn phù hợp để tiếp tục duy trì. Việc thay đổi là tất yếu, khi trục hành lang kinh tế Đông - Tây được kết nối xuyên suốt, các tuyến quốc lộ 14E, 14D được nâng cấp mở rộng, kinh tế - xã hội các địa phương miền núi phát triển lên, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển ở Chu Lai và TP.Đà Nẵng đưa vào hoạt động theo đúng quy hoạch thì quy mô của Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang trở nên rất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Để Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang thực sự xứng tầm với quy mô và kỳ vọng của tỉnh, bên cạnh điều chỉnh tối đa diện tích theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một cách phù hợp và đúng mục tiêu, theo định hướng của tỉnh, cần tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang trở thành trung tâm thương mại mang tầm quốc tế. Không chỉ phục vụ phát triển kinh tế xuất nhập khẩu, nơi này trong tương lai sẽ là điểm đến du lịch xuyên Á hấp dẫn phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách trong và ngoài nước theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây.

Mục tiêu này được đặt ra trong thời gian ngắn hạn, cụ thể là 5 năm, đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện các hạng mục công trình cơ quan chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý con người và phương tiện ra vào khu vực cửa khẩu, đảm bảo điều kiện cần thiết phục vụ chỗ ở và công việc chuyên môn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong quá trình quy hoạch, cần tính toán đến tính chất dự báo, đánh giá khả năng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, lượng khách lưu trú, các loại hàng vận chuyển, cũng như tốc độ tăng trưởng từng năm để có dự báo chính xác, hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, việc điều chỉnh cần ưu tiên mở rộng khu vực bến bãi hàng nhập khẩu, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao; tận dụng toàn bộ mặt bằng dọc tuyến đường hiện có làm bãi xuất khẩu, bến đậu xe. Đồng thời hình thành hệ thống kho đảm bảo tiêu chuẩn, khu chức năng cho biên phòng, y tế, công an xuất nhập cảnh và điều chỉnh khu vực bố trí dân cư ra khỏi khu vực cửa khẩu, nơi này thành khu thương mại - dịch vụ có thu phục vụ nhu cầu lưu trú, ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách.

“Trong dài hạn, cần tiếp tục rà soát, bám sát theo trục đường từ Trạm Kiểm soát liên hợp xuống quốc lộ 14D để phát triển quỹ đất san lấp mặt bằng tại chỗ, trong đó lưu ý hạn chế thấp nhất tác động đến rừng tự nhiên. Đồng thời nghiên cứu, xác định phạm vi mở rộng, lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giai đoạn sau 2025 nhằm đồng bộ hóa về cơ sở hạ tầng, đảm bảo hoạt động thông suốt các loại hình dịch vụ kinh tế, thương mại cửa khẩu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ước vọng kinh tế cửa khẩu Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO