Hôm nay 6.7, Đảng bộ huyện Đông Giang khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Những năm qua, bên cạnh phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, Đông Giang hướng đến hình thành và khai thác hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng từ giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào địa phương.
Những đột phá mới
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đông Giang cơ bản hoàn thiện các nội dung, nhiệm vụ quan trọng, tạo nên những đột phá mới đầy khả quan.
Ông Đinh Văn Hươm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, phát huy lợi thế và mở rộng các giá trị tiềm năng, địa phương bước đầu đã hình thành các khu chuyên canh về chăn nuôi, trồng cây nguyên liệu, dược liệu, du lịch cộng đồng,… mở hướng phát triển mới từ chính sản vật núi rừng. Các khu chuyên canh này đều được quy hoạch cụ thể, dựa trên thế mạnh của vùng, đảm bảo các yếu tố phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.
Đến nay, ngoài 2 khu chăn nuôi heo thịt tập trung an toàn dịch bệnh tại xã Ba và xã Tư với quy mô xuất chuồng mỗi năm hơn 30 nghìn con, địa phương khuyến khích duy trì diện tích nuôi cá nước ngọt, phát triển đàn bò theo hình thức gia trại và mở rộng vùng sản xuất tập trung về cây keo nguyên liệu, chuối, mây rừng, chè dây… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Hươm, những dấu ấn trong nhiệm kỳ qua còn phải kể đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nhất là đối với cây trồng, con vật nuôi chủ lực trong nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, Đông Giang đã trồng gần 2.000ha rừng gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; đồng thời áp dụng kỹ thuật cải tạo nâng cao chất lượng cây lòn bon; nhân giống giâm hom chè dây razéh và nghiên cứu bảo tồn, phát triển ớt ariêu phục vụ sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân.
Sau thời gian kêu gọi, đến nay địa phương đã đón nhận doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư nhà máy chế biến gỗ keo tại cụm công nghiệp xã Ba với công suất 15.000m3/năm và tiếp tục thu hút đầu tư tại nhà máy khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường xã A Ting; nhà máy sản xuất chế biến gỗ ván Okal và viên nén năng lượng tại xã Mà Cooih với tổng nguồn vốn hơn 400 tỷ đồng.
Bài học từ sự đồng thuận
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang - ông Lê Duy Thắng chia sẻ, để triển khai có hiệu quả các nội dung theo nghị quyết, cùng với những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể, địa phương còn nhận được sự đồng thuận cao từ phía cộng đồng. Ngoài hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, dấu ấn từ sự đồng thuận thể hiện rất rõ ở việc cộng đồng góp sức hình thành các khu tái định cư, với phần lớn diện tích đất xây dựng được người dân hiến tặng. Từ nhu cầu bố trí ổn định dân cư của người dân, qua khảo sát thực tế, giai đoạn 2017 - 2020 toàn huyện có hơn 1.000 hộ nằm trong diện nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ cần phải di dời.
Trên cơ sở bố trí nguồn vốn theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, địa phương đã hỗ trợ di dời đến nơi ở mới cho 710 hộ (trong đó có 571 hộ xen ghép, 11 hộ di dời chỉnh trang tại chỗ và 128 hộ tập trung tại các khu tái định cư) với tổng kinh phí 35,2 tỷ đồng. Điển hình như các khu tái định cư Xà Nghìr 2, A Xanh 1, A Xanh 2 (xã Zà Hung); Tu Núc, A Chôm 2 (xã Kà Dăng)… được triển khai đảm bảo theo quy hoạch đồng bộ, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
“Ở nhiều khu tái định cư, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, còn có sự giúp sức từ phía người dân địa phương, nhất là việc hiến đất tạo điều kiện san ủi mặt bằng bố trí nhà ở” - ông Thắng cho biết thêm.
Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho hay, nhiệm kỳ qua, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyên canh, địa phương cũng chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, nổi bật là công tác tinh giản, kiện toàn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ quản lý; triển khai có hiệu quả phong trào “5 không, 3 có và 3 sạch” gắn xây dựng nông thôn mới… Từ việc triển khai đồng bộ và chuẩn bị kỹ lưỡng ở các khâu, nhiệm kỳ tới, Đông Giang kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đổi thay, trở thành huyện phát triển khá trong khu vực miền núi Quảng Nam vào năm 2030.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất huyện Đông Giang đạt hơn 2.128 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm hơn 8%; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 thôn đạt chuẩn “Khu dân cư kiểu mẫu”, với tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới hơn 1.184 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,18% (bình quân mỗi năm giảm 6,3%); thu nhập bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng/năm, tăng 1,31 triệu đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra.
Toàn Đảng bộ huyện Đông Giang hiện có 45 tổ chức cơ sở đảng; tất cả chi bộ thôn và chi bộ quân sự có chi ủy. Nhiệm kỳ qua đã kết nạp 503 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 2.267 đảng viên. Địa phương cũng đã đưa đi đào tạo 347 cán bộ, công chức (trong đó, 251 cán bộ được đào tạo về lý luận chính trị và 96 cán bộ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ).