(Xuân Canh Tý) - Dịp đầu năm mới trên xứ rượu hồng đào, khát vọng phồn thực, mơ ước “nhân khang vật thịnh” luôn được thể hiện qua các lễ hội mùa xuân, qua các thú chơi ngày tết gắn với cái cười đậm chất Quảng Nam.
Thú vui ngày tết
Người Quảng Nam vốn sống nặng nghĩa nặng tình với xóm giềng họ mạc như câu ca “bạn về nằm nghĩ, gác tay/ thử nơi mô, ơn trượng, nghĩa dày cho bằng ta?”, nên mới bày ra tục hát sắc bùa chúc xuân, mang tiếng hát lời ca chúc phúc đến từng nhà vào những đêm trước tối giao thừa (từ 28 Tết), rồi mở hội chơi hô hát bài chòi, hô thai, hô xổ cổ nhơn, hội hò khoan đối đáp nhân ngãi của gái trai… Ngày tết tràn ngập niềm vui, tràn ngập tiếng cười, giọng hát.
Nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Trương Đình Quang nhớ về những “hòa âm điền dã” ngày xưa: “Các vùng Đại Lộc, Duy Xuyên, có còn ai nhớ các điệu hát sắc bùa nữa không? Những câu hát nhắn khi kéo sợi, se chỉ, hái dâu, ươm tơ… của Bảo An, Phú Bông, Xuân Đài, Quảng Huế…; những câu hát huê tình, từ lúc hái lá chè cho đến khi đạp lá chè - một vòng khúc với giai điệu duyên dáng, mượt mà của Tam Kỳ, Tiên Phước - những điệu hát ru. Những giọng hò khoan đò ngang, đò dọc của khúc sông Thu Bồn, về phố cổ Hội An, khúc sông Hoài - Chợ Được, Tiên Đõa - Bến Đá - Tam Giang… vẫn còn vang lên giữa đất trời yêu thương…” (Men rượu hồng đào - NXB Đà Nẵng 2005, tr.20).
Một ước vọng lớn nhất trong năm mới là ước vọng “nhân khang vật thịnh” - mong ước con người mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi được thể hiện qua các lễ lệ liên quan đến “nước” (biểu tượng về sự sinh sôi, sự tuần hoàn, trôi chảy, thuận tự nhiên…), như lễ cầu bông ở làng rau Trà Quế, lệ đua ghe “đảo thủy” (khuấy động dòng nước) ở các làng dọc theo hai nguồn sông Thu Bồn, Vu Gia, rồi lệ cúng đất - thả long chu (thuyền rồng) ở Hội An và dọc Thu Bồn…
Ước vọng phồn thực
Liên quan đến ước vọng phồn thực là chuyện phối ngẫu, giao hoan của con người, được biểu hiện đậm nét qua diễn xướng dân gian, như hát hò khoan, hô bài chòi, hô thai, hô xổ cổ nhơn… Người Quảng ưa cười, cần được cười - nói theo nhà văn Nguyễn Tuân - bởi do sống ở một nơi địa dư khắc nghiệt, sinh kế gian nan, môi trường xã hội có thứ bậc nghiêm trang với bao nhiêu áp lực, nên chi cần cười để mọi sự bớt nghiêm trang. Thời xưa, “nam nữ thụ thụ bất thân” theo Nho giáo, chuyện mô tả những hành vi tính giao hay đề cập “cái ấy, chuyện ấy” là việc cấm kỵ. Nhưng trong ca dao Quảng Nam, chàng trai Quảng ưa nói “trớt quớt” chuyện nớ mần ri: “Thương em đút c. qua rào/ về cha mẹ hỏi gai cào xướt da”. Cô gái Quảng cũng chẳng phải tay vừa khi bộc bạch: “Ăn no nằm ngửa chinh inh/ không ai nằm úp lên mình cho vui”.
Trong hát hò khoan đối đáp, chuyện trai gái vui đùa về “chuyện ấy” thì nhiều không kể xiết, ví như khi cô gái hỏi về chuyện làm ăn (mưu sinh) lâu ni có ra chi không thì chàng trai hát đáp lệch qua chuyện khác, rằng: “Chầu rày công việc có sớt sưa/ dư không dư, thiếu không thiếu, cứ đù đưa như mọi ngày”. Đến phiên cô gái hỏi: “Chỗ em thời hai bên cỏ mọc xanh rì/ ở giữa có khe nước chảy hỏi anh đi đường nào?”, chàng trai ứng đáp: “Hai tay anh bu lấy hai cội đào/ chính giữa có khe nước chảy, anh chống sào anh qua”…
Đố tục giảng thanh
Một thú chơi vốn được coi là có trước bài chòi, là bài thai. “Thai” còn được đọc là “Xai” - một từ Hán Việt, nghĩa là nghi (vấn), bói, định chừng (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quốc âm tự vị, xb 1896). Bài thai được chủ trò “ra thai” - ra lời có hai, ba nghĩa như câu đố, câu thai, sau đó hô thai là hô lên câu thai cho mọi người suy đoán rồi trả lời tên quân bài thai. Trong đề thai có ghi rõ đề tài mà câu đố thai hướng đến như xuất danh (tên), xuất vật dụng, khí dụng, xuất mộc (cây cối), xuất thú (con vật), bình Túy kiều, xuất điển (điển cố), chiết tự…
Những câu thai có ý “đố tục giảng thanh” liên quan đến chuyện tính giao luôn mang lại niềm vui trong ngày xuân, “trên lông, dưới lông/ đến tối chồng lên mà ngủ” (xuất nhân thể - đáp án: con mắt); “Má ơi con muốn lấy chồng/ con ơi má cũng một lòng như con” (xuất bỉnh/bánh - đáp án: bánh in, ý nói hai mẹ con “in” như nhau). Nhiều câu thai rất “khó”: “Đến đây ăn gởi, nằm nhờ/ ơn ông chưa trả lại sờ con ông” (xuất điểu/chim - đáp án: chim chàng nghịch), hay: “Anh hỏi em một năm củi chụm mấy trăm cây?/ trút lúa vô cối giã em quay mấy vòng/ bớ em ơi thương em muốn rõ đục trong/ qua đố em con chim chi có bốn cái cánh đậu giữa đồng cù lao?” (xuất vật dụng - đáp án: cái yếm); “Hồi chiều lửa cháy cơm sôi/ heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem/ bây chừ tối lửa, tắt đèn/ heo im, con ngủ muốn tòm tem thì tòm?” (xuất quả - đáp án: trái thanh yên/thanh trà); “Cô em ơi cô đừng thấy qua nhỏ mà coi khinh/ hỏi chứ con chi hắn mấy lớn mà nó ơm cái cột đình gọn trơn?” (xuất thú - đáp án: con thằn lằn)…
Đến trò hô hát bài chòi thì ước vọng phồn thực càng hiển lộ rõ hơn qua việc hô các “khí cụ” dành cho việc giao hoan, như: “Chứ cái con chi hắn ở chỗ chẳng dang nắng chẳng ướt mưa/ nó đen thui, đen thủi rứa mà chị em ưa mới lạ đời?” (nọc thược); “Chứ nhà nghèo lại chơi với nhà giàu/ chứ đứng lên ngồi xuống nó đau cái đì” (bạch huê); rồi: “Anh nói không thương/ chị cũng nói chẳng ưa/ chỉ riêng tui biết cả hai nói giả đò/ chứ tối hôm qua tôi đi ra gò/ tui thấy anh thương chị bốn cái giò nó tréo ngoe” (tứ cẳng)…