Biên giới không còn xa, khi những con đường bắt đầu vươn mình về phía núi, nối nhịp ân tình giữa miền ngược - miền xuôi…
Đi về phía núi
Chủ tịch xã Chơ Chun Pơloong Ađốc chỉ về phía “cổng trời” Côn Zốt, nơi máy xúc, máy ủi vẫn đang ầm ào tiến sâu vào trong rừng, nói: “Không ai vui mừng bằng chính những người dân nơi đây, khi giấc mơ thông thương đang dần thành hiện thực”. Đã bao đời người dân Côn Zốt, A Sò, Blăng ở Nam Giang vẫn khao khát một con đường để cái lưng đỡ mỏi, cái vai bớt trĩu nặng mỗi khi gùi hàng hóa bán mua với bên ngoài. Đó là chưa kể mỗi khi ốm đau, bệnh tật, nhiều người dân chỉ biết ngồi “bó gối” bên hiên nhà vì không thể vượt hàng chục cây số đường rừng đưa người đến bệnh viện. “Đường được mở, người dân Chơ Chun mới dám nghĩ đến giấc mơ trường, trạm, có điện thắp sáng, có xe vận chuyển hàng hóa về làng. Giấc mơ đó không còn xa nữa, khi bà con tận mắt thấy xe ủi, xe xúc mở đường, ô tô đã có thể vào tận bản làng cuối cùng ở vùng biên giới” - ông Ađốc phấn khởi cho biết.
Lần đầu tiên, người dân Côn Zốt (xã Chơ Chun) đã có thể đi xe máy vào tận làng. |
Chơ Chun là xã vùng biên xa xôi nhất của huyện Nam Giang. Những năm trước, muốn vào trung tâm xã chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ hàng giờ đồng hồ theo đường cũ. Mùa mưa lũ, hàng trăm hộ dân xã Chơ Chun gần như bị cô lập. Công văn, thư tín bao giờ cũng “trễ hẹn” mới đến tay. Nơi đây từng được mệnh danh là xã “5 không” của huyện Nam Giang: không điện, không đường, không trường, không trạm và không có sóng điện thoại. Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai từng trăn trở: “Xã Chơ Chun được chia tách với gần 1.000 nhân khẩu từ năm 2011, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, những cách trở về địa lý đòi hỏi một nguồn lực đầu tư quá lớn, địa phương không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Đây chính là trở lực khiến Chơ Chun chưa thể thoát nghèo, phát triển kịp với các xã khác ở vùng cao”. Đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối xã Chơ Chun với các xã vùng biên lân cận, huyện Nam Giang đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, xem đây là tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Cuối năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường biên giới nối từ xã Chơ Chun, huyện Nam Giang đến xã Ga Ri và xã A Xan, huyện Tây Giang (giai đoạn 1) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư. Công trình có tổng chiều dài tuyến 10km, với tổng mức đầu tư hơn 75,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình quản lý bảo vệ biên giới và ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, con đường dẫn từ Chà Vàl (trung tâm của 6 xã vùng cao huyện Nam Giang) về với Chơ Chun bắt đầu được triển khai mở rộng, như một “dấu mốc” khởi đầu cho ước vọng vươn mình của vùng biên. Những chiếc gùi nay chỉ còn dùng lên rẫy, việc vận chuyển bán buôn nông sản làm ra đã có thể bắt đầu gửi theo những chuyến xe chở hàng. Chuyện đổi hàng lấy hàng đã lùi dần vào quá khứ, những tiệm tạp hóa nhỏ mọc lên ở các bản làng như một tín hiệu vui cho những đổi thay nơi “cổng trời”. Già làng Coor Nghêu hồ hởi: “Cả đời già sống trong cực khổ, nay được thấy cái xe vào làng, thấy con cháu đi học bớt khó khăn, mừng lắm!”.
Cây cầu bắc ngang sông R’lang giúp Phú Mưa không còn là ốc đảo. |
Qua thời gian khó
Trong ký ức những ngày xa, A Duông 2, Ka Đắp, Phú Mưa là cái tên gợi lên muôn vàn cách trở ở vùng cao Đông Giang. Đã một thời được mệnh danh là những ngôi làng “ốc đảo”, người dân nơi đây đi qua nhiều cái tết chưa trọn vẹn. Dùng bè nứa, qua cầu khỉ chông chênh là cách duy nhất để ra khỏi làng. Nhưng đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua. Bây giờ, trở lại A Duông 2, Ka Đắp, Phú Mưa, con đường đã về đến làng, mang theo điện thắp sáng cùng những đổi thay. Một “cuộc cách mạng về văn minh” đã đổ bộ, khi tivi, xe máy và nhiều vật dụng khác được sắm sửa, phục vụ. Già làng Ating Lăng (thôn A Duông 2, thị trấn P’rao) kể: “Lâu nay làng A Duông 2 không bằng các làng khác, cái gì cũng thiếu, cũng hụt. Giờ thì khác rồi, không còn khổ cực mãi như hồi trước nữa”.
Lũ trẻ làng A Duông 2 háo hức xem tivi khi điện đã về. |
Lời kể giản dị của già Lăng chất chứa nỗi chạnh lòng của mấy mươi năm trẻ con soi đèn pin đi học, đàn bà sinh con ngay trên võng khi trở dạ mà không kịp đến trạm y tế. Mấy mươi năm là khi lập bản lập làng giữa núi rừng, khi các cựu binh trở về hô vang Bắc - Nam thống nhất. Giữa trập trùng gian khó của vùng cao, những đổi thay từng ngày lặng lẽ khoác cho A Duông 2, Ka Đắp, Phú Mưa và nhiều bản làng khác một màu áo mới. Như những mạch máu nuôi sống đất và người, những con đường len lỏi vươn đến nơi xa nhất, nơi khó khăn nhất, để bản làng ấm no hơn, để ánh điện thắp cho trẻ con học chữ, để người lớn xem tin tức, để các amế (mẹ), ađhi (em) mang nông sản theo xe ra chợ huyện bán mua, lấy muối, lấy thịt cá mang về. Chủ tịch xã Arooih (Đông Giang) Hốih Bảy bộc bạch: “Trước những bức xúc khi phải đi lại bằng bè nứa hoặc phải lội sông, người dân thôn Ka Đắp đã cùng với chính quyền tự mở con đường tránh vòng lên đến A Dinh. Bây giờ, hơn nửa con đường đã được bê tông hóa. Đó là con đường của lòng dân, của sự đồng thuận, mở lối thoát những khó nghèo vây lấy bao năm”.
Trong gươl làng Phú Mưa, sợi cáp dài giăng ngang sông R’lang treo giữa nóc được lưu giữ như một kỷ vật của làng. Sợi cáp đi cùng bao năm tháng, đưa người làng Phú Mưa vượt sông nay đã nhuốm màu khói bếp. Thi thoảng già làng vẫn kể chuyện cho cháu con nghe về ngày xưa. Đó là mảnh ký ức gắn với mùa mưa lũ, với chuyện vượt sông đưa con trẻ đến trường. Đi trên cây cầu mới, người làng vẫn nhìn về phía gốc sung già, nơi neo một đầu sợi cáp vượt sông thuở trước. Già Alăng Chúc, người huy động dân làng làm không biết bao nhiêu chiếc bè nứa để vượt sông đã yêu cầu cất sợi dây cáp trong gươl từ khi cây cầu được dựng để con cháu không quên thời gian khó mà dân làng đã trải qua. “Giữ lại sợi cáp đó, để biết trân trọng những gì đã qua, mừng cho bản làng hôm nay đổi mới. Lúa mới đầy kho, muối đầy ché cũng có phần công của cây cầu bắc về làng”- già Chúc nói.
Dự đêm hội làng mừng mùa lúa mới, ngân nga bên ché rượu cần là những câu hát lý hân hoan. Các ama (cha) bớt kể về gian khó, bớt buồn về thiếu muối, thiếu ăn. Câu hát lý chia nhau niềm vui mừng con đường mới mở, mừng ánh điện về với buôn làng. Rượu cần mềm môi, tiếng trống chiêng như đồng vọng niềm vui của bản theo những con đường mơ ước.
Ghi chép PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC