Với giấc mơ đổi đời, không ít những người di cư phải phải chịu nhiều nguy cơ rủi ro trên các “miền đất hứa”.
21 năm trước, nhân ngày Quốc tế về người di cư (18.12), Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước quốc tế về quyền của người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ. Mỗi năm trên thế giới có hàng chục triệu người là lao động di cư từ nước này sang các nước khác, đặc biệt là đến các nước giàu, phát triển với khát vọng tìm kiếm được việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn nơi quê nhà. Việc di cư được xem như một phản ứng tự nhiên của nền kinh tế khi các nước phát triển buộc phải giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân công lao động do số người về hưu tăng lên, nhiều công việc mà người dân bản địa không mặn mà hay không có nhu cầu. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại phải chịu sức ép của nguồn lao động dư thừa đối với nền kinh tế, người lao động vì thế rất khó tìm việc với mức lương như mong đợi để cải thiện đời sống kinh tế của gia đình.
LHQ kêu gọi các chính phủ phải bảo vệ tôn trọng những người di cư. |
Thống kê của LHQ cho biết, ví như năm 2013, có khoảng 130 triệu người trong tổng số 230 triệu người di cư quốc tế là lao động di cư. Họ thường làm các công việc với năng suất lao động cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm tích cực và có thể tiết kiệm tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Thậm chí, số kiều hối gửi về các nước đang phát triển còn cao hơn so với số tiền viện trợ mà các nước này nhận được mỗi năm. Lao động di cư thường không những nuôi sống bản thân mình mà còn “khơi dậy” đời sống kinh tế của các gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của nước họ, cũng như cho những nước nhập cư và cho nền kinh tế thế giới.
“Mọi người và chính phủ các nước trên toàn thế giới không bài ngoại, tôn trọng quyền của người di cư và hãy coi di cư như một động lực chính trong phát triển kinh tế xã hội một cách công bằng, toàn diện và bền vững”. (Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon) |
Tuy nhiên, hầu hết người di cư rất khó để sống hòa nhập được với xã hội nơi mà họ đến để lao động, mà rào cản lớn nhất vẫn là về ngôn ngữ, buộc họ phải sống trong cộng đồng thiểu số khép kín với những luật riêng. Ngay như Thủ tướng Đức Merkel từng lên tiếng đề nghị những người di cư sang Đức phải biết tiếng Đức và văn hóa Đức nhằm hội nhập tốt hơn vào xã hội Đức. Ngoài ra, nhiều người di cư vì phải trả nhiều khoản phí khác nhau thường rất cao nên họ buộc phải lựa chọn ra đi bằng những con đường rất nguy hiểm. Liên minh 28 nước châu Âu trải dài từ Đông Âu sang Tây Âu, từ Bắc Âu xuống tận Địa Trung Hải được xem là những vùng đất hứa, tiềm năng. Gần như mỗi tuần đều có hàng ngàn người tìm cách từ châu Phi vượt biển sang Tây Ban Nha và Ý, còn những người di cư châu Á thì xâm nhập châu Âu qua ngả Đông Âu. Hằng năm, thế giới cũng chứng kiến hàng nghìn người thiệt mạng ngay trên các con đường đi, số phận của họ cũng chìm theo những con thuyền dưới lòng đại dương. Một số lượng lớn người di cư thường được tuyển dụng vào làm việc với các điều kiện vi phạm pháp luật lao động hay bị phân biệt đối xử, bị bóc lột, quấy rối hay trở thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người.
QUỐC HƯNG