Ước vọng từ non ngàn

ALĂNG NGƯỚC 16/08/2019 08:54

Cho đến nay, khi đã tận mắt nhìn thấy những đổi thay của xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang), nhiều người vẫn còn bày tỏ sự ngỡ ngàng. Bao nỗi trăn trở về một thời nghèo đói, lạc hậu cứ ám ảnh đồng bào biên giới suốt hàng chục năm, hệt như giấc mơ dài.

Sau 20 năm chia tách, nhiều khu tái định cư đã được hình thành giúp đồng bào Ch’Ơm ổn định cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau 20 năm chia tách, nhiều khu tái định cư đã được hình thành giúp đồng bào Ch’Ơm ổn định cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhưng, đó đã là ký ức ngày cũ. Kể từ sau khi chia tách thành 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry, Ch’Ơm bây giờ “lột xác” bằng một diện mạo rất mới, đủ đầy hệ thống điện - đường - trường - trạm và cả không gian mặt bằng tái định cư xinh xắn dọc theo tuyến đường vùng cao.

Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi, sau những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong suốt bước đường 20 năm chia tách, giấc mơ thắp sáng núi rừng giờ đây đã trở thành hiện thực với đồng bào Ch’Ơm, ghi dấu một bước ngoặt mới trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đổi thay diện mạo

Từ trung tâm xã A Xan, con đường bê tông mới chạy dài dưới chân núi về tận các bản làng đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới Ch’Ơm. Đường mới được mở, Ch’Ơm không còn là địa phương cô lập, mà trở thành mắc xích quan trọng kết nối hạ tầng giao thông khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa giữa các vùng lân cận. Dọc theo con đường ấy là những ngôi nhà mới được dựng lên tại các điểm tái định cư bằng phẳng, rộng lớn, góp thêm sắc màu tươi mới làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho biết, từ chính sách hỗ trợ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư miền núi, đến nay đã có 6/7 mặt bằng tái định cư được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ổn định về nhà ở cho đồng bào trên địa bàn xã. Năm 2018, cùng với bê tông hóa tuyến đường và xây dựng mặt bằng tái định cư mới, hệ thống điện lưới quốc gia cũng đã được đưa về đảm bảo phục vụ nhu cầu về đời sống sinh hoạt của đồng bào, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

“Ngoài kiên cố hóa trường học tại các điểm thôn, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc học tập của con em tại chỗ, những năm qua, từ ngân sách của Nhà nước, chúng tôi đã phối hợp xây dựng và đầu tư trang thiết bị tại Trạm Y tế xã, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho đồng bào địa phương. Theo đó, từ quy mô 2 giường bệnh vào năm 1999, đến nay Trạm Y tế xã đã tăng lên 10 giường bệnh, đủ điều kiện phục vụ sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, trụ sở của UBND xã đã được xây dựng khang trang, góp phần hoàn thiện dần hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới” - ông Hồ cho biết thêm.

Như một sự kết hợp đồng bộ trong đầu tư hạ tầng cơ sở ở miền núi, Ch’Ơm từ một xã “5 không” trở thành “điểm sáng” tại khu vực biên giới Tây Giang, với những đổi thay về một diện mạo mới rất đáng tự hào.

Viết tiếp câu chuyện giảm nghèo

Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm - ông Pơloong Năng cho biết, thời điểm đầu chia tách, Ch’Ơm thuộc xã nông nghiệp thuần túy, với tỷ lệ hộ nghèo gần như tuyệt đối. Suốt nhiều năm, địa phương “trắng” các dịch vụ thương mại, hệ thống điện - đường - trường - trạm chưa được đầu tư, khiến Ch’Ơm như một “ốc đảo” giữa rừng. Nhưng sau bước đường 20 năm phát triển, diện mạo của xã đã thực sự đổi khác, đói nghèo đang dần được đẩy lùi theo từng năm. Trong câu chuyện của làng, bây giờ người vùng cao đang bắt đầu nói về câu chuyện phát triển kinh tế, làm giàu theo các mô hình trồng rừng kết hợp vườn cây dược liệu và chăn nuôi gia súc.

Mô hình trồng xen canh đảng sâm trên đất rẫy, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Ch’Ơm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mô hình trồng xen canh đảng sâm trên đất rẫy, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Ch’Ơm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cũng theo ông Năng, sau hàng chục năm loay hoay, cuối cùng bài toán giảm nghèo cho đồng bào địa phương đã được giải bằng mô hình trồng cây dược liệu. Chính xác là trồng đảng sâm xen canh trên đất rẫy, theo một dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

“Xác định dược liệu là cây chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cùng với việc hỗ trợ chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, chúng tôi còn khuyến khích người dân trồng và chăm sóc các loại cây lâu năm như táo mèo, chanh, xoài, quýt, mít tại vườn nhà. Đồng thời tập trung mở rộng diện tích trồng cây đảng sâm theo nhóm hộ gia đình và đẩy mạnh chăm sóc vườn cây tr’đin. Đến nay, toàn xã trồng mới được 26,3/55ha diện tích cây đảng sâm, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho từng hộ gia đình tại địa phương” - ông Năng nói.

Tròn 20 năm kể sau ngày chia tách, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức khá cao với 71,20%, nhưng từ giá trị kinh tế mang lại của cây dược liệu thời gian qua, người dân ở Ch’Ơm có quyền kỳ vọng trong tương lai cây đảng sâm và tr’đin sẽ giúp mở ra hướng phát triển mới cho đồng bào, hình thành thêm nhiều chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng thắp sáng ước vọng non ngàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ước vọng từ non ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO