Những tài năng nghệ thuật sẽ có cơ hội chắp cánh, nếu được phát hiện và định hướng đúng sở trường của mình...
Tìm kiếm tài năng âm nhạc
Trước khi tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng, sân chơi “Tìm kiếm tài năng âm nhạc” (diễn ra vào tối 27.7), do Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh tổ chức thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Từ các giọng ca nhí cho đến những nhóm nhảy chuyên và không chuyên đã hình thành từ nhiều năm nay, ai cũng hào hứng với sân chơi này. Bạn Thiên Thanh, đến từ Hội An, chọn lựa cho mình tiết mục biểu diễn “Lý kéo chài” nhận được sự cổ vũ từ khán giả trẻ. Và không chỉ Thiên Thanh, hơn phần ba số tiết mục tham gia sân chơi thiên về nghệ thuật truyền thống. Và những bộc bạch theo kiểu tự tình này đã khiến người xem rung động.
“Tìm kiếm tài năng âm nhạc” là sân chơi biến tấu từ Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi thường niên mà TTVH tỉnh là đơn vị chủ công. Mùa hè này, với các lý do khách quan, những người làm chương trình vẫn nỗ lực để có được hoạt động dành riêng cho độ tuổi từ măng non đến tuổi mới lớn.
Đại diện Trung tâm VHTT tỉnh chia sẻ, ở một góc độ nào đó, khởi lên một hoạt động sôi nổi cho trẻ trong suốt chuỗi ngày trầm lắng vừa qua, cũng là cách để khơi dậy đời sống tinh thần khác cho người lớn. Thông qua nghệ thuật, trẻ nhỏ bộc lộ và mô tả các quan điểm của mình về bản thân, về thế giới và vị trí của chúng trong đó. Và âm nhạc chính là chiếc cầu nối, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thiếu nhi. Nhiều nơi lựa chọn giáo dục bằng âm nhạc cho mỗi đứa trẻ, thì một sân chơi âm nhạc dù phạm vi nhỏ, cũng là một điều vui.
Ở Quảng Nam, khá nhiều bạn trẻ được tìm thấy và nuôi dưỡng năng khiếu nghệ thuật từ các phong trào thiếu nhi. Những cái tên như Trương Kiều Diễm (TP.Tam Kỳ) hay Lê Na (Núi Thành)... chính là những người được ươm lên từ phong trào nghệ thuật thiếu nhi. Luôn tìm cách hình thành các sân chơi là điều mà những người hoạt động văn hóa văn nghệ Quảng Nam mong muốn. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc TTVH TP.Tam Kỳ chia sẻ, trong nhiều năm trở lại đây, mức độ phụ huynh quan tâm đến các môn năng khiếu cho con em mình ngày càng tăng.
Chỉ dấu tâm hồn
“Nghệ thuật cho thiếu nhi lâu nay gần như chỉ dừng sự phát triển tại những thành phố lớn, nơi có cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi. Còn lại, nếu có các dự án nghệ thuật thì cũng chỉ mang tính chất thời hạn, nghĩa là dự án kết thúc thì chương trình không còn. Nên chăng các nhà sư phạm âm nhạc nghệ thuật, hoặc những người làm trong môi trường nghệ thuật cần tạo sân chơi hàng tháng, với các chủ đề khác nhau cho các em”.(Nghệ sĩ Đặng Châu Anh)
Ông Bùi Minh Diệu - Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết, ưu ái cho nghệ thuật truyền thống luôn là điều đầu tiên khi tổ chức bất cứ hoạt động nào với vùng đất này. Thế mạnh của vùng đất tuồng đồ và vẫn duy trì thường niên về liên hoan tuồng truyền thống, việc phát hiện, tập hợp các em thiếu nhi trở thành những đội tuồng đồng ấu không phải quá khó khăn với địa phương. Hiện tại, Duy Xuyên có đến 5 đội tuồng đồng ấu, 10 đội dân ca bài chòi nhí. Con số thiếu nhi tham gia sinh hoạt mỗi ngày một tăng. Không chỉ đợi đến mùa hè thiếu nhi mới có sân khấu để diễn, mà các em được luyện tập hàng tháng và mỗi khi địa phương có chương trình, sự kiện đều được mời tham gia.
Không phải ngẫu nhiên khi ngày càng nhiều dự án nghệ thuật, dự án cộng đồng chọn những vùng ven đô thị để khởi đầu, thử nghiệm. Và càng không phải chuyện chơi, khi những chủ đề chính trong các tác phẩm, kể cả ở sân khấu biểu diễn mang tầm cỡ quốc tế, vẫn chọn từ những ám ảnh của đồng làng, những giá trị văn hóa cổ truyền…
Ngay cả với thiếu nhi, khi tài năng được định hướng bằng con đường của nghệ thuật truyền thống, khi những giá trị văn hóa dân gian đến với người mộ điệu, cũng là lúc tài năng của các em đang ở độ chín. Ca tụng những vết dấu làng quê thuần khiết, hay đúng hơn, như một xu hướng, những giá trị truyền thống, chân mộc, ngày càng được chuộng để thưởng thức và cả để tâm thức quay về.
Nghệ sĩ Đặng Châu Anh từng nhiều lần kêu gọi trong các liên hoan hợp xướng, rằng mỗi địa phương, thông qua các hoạt động giới thiệu về các loại hình nghệ thuật truyền thống, giúp khán giả có những sự tiếp cận đầu tiên đầy “uy tín”, để từ đó cảm nhận được những giá trị của văn hóa dân gian, sau đó là yêu thích và tìm hiểu. Chính điều này sẽ đóng vai trò của một “sứ giả” kết nối được văn hóa truyền thống với người trẻ, giúp người trẻ có thêm sự hiểu biết và giúp cho những người lớn tuổi có cơ hội hoài niệm về ngày xa xưa.