Những mong hiện thực hóa ước mơ làm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, anh Lê Tùng Vương đã “biến” vùng đất quê hoang dại thành một vườn rau xanh tốt…
Anh Lê Tùng Vương với những bầu cây giống đang được ươm trong nhà kính. Ảnh: KIỀU LY |
Bắt đầu từ choái tiêu
Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng Trường Đại học Quy Nhơn, Lê Tùng Vương (SN 1988, thôn Trường Thành, xã Tam Thành, Phú Ninh) sớm tìm được công việc ưng ý với mức thu nhập tương đối cao. Thế nhưng, gắn bó với quê hương, với từng luống rau, ngọn cỏ vẫn là niềm khắc khoải, để rồi anh Vương chọn cách trở về thông qua xây dựng hệ thống trồng rau sạch cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Anh Vương chia sẻ, lợi thế ruộng vườn nhiều, ngoài những lúc bận rộn với việc “nhà nước” ba mẹ anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi trồng rau, làm nông và đặc biệt là trồng tiêu. Là việc làm phụ, chủ yếu để tìm niềm vui tuổi già, nên vườn tiêu, mặc dù diện tích lớn nhưng hơn 30 năm qua, chỉ được trồng theo phương thức truyền thống, mọi kỹ thuật đều thô sơ, phó mặc cho thời tiết nên năng suất không cao. “Nhận thấy tiềm năng lớn, được sự đồng ý của ba mẹ, tôi chuyển đổi phương thức trồng tiêu. Bắt đầu từ việc xây trụ gạch cao hơn 4m, đường kính hơn 40cm, đầu tư lắp toàn bộ hệ thống tưới trên cao toàn vườn và chọn mua giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) về trồng. Sau 3 năm, hiện vườn tiêu đã có 200 choái và bắt đầu cho trái, mang lại nguồn thu lớn”.
Gắn bó với những choái tiêu, là trải nghiệm thú vị với anh Vương, khi được thử sức với nông nghiệp sạch, một công việc tưởng chừng như quen thuộc nhưng không ít khó khăn. Thành công bước đầu với tiêu, là động lực để chàng trai trẻ viết tiếp ước mơ. Nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được nhiều người quan tâm, thị trường rau sạch đang phát triển mạnh ở nhiều nơi, anh Vương thường xuyên tìm tài liệu liên quan đến kỹ thuật trồng rau sạch, đi đến nhiều nơi được mệnh danh là cái nôi của ngành nông nghiệp sạch như Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang… để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài kỹ thuật canh tác, chăm sóc, anh Vương còn tự tìm hiểu về đất đai, đặc điểm khí hậu địa phương cũng như học hỏi thêm từ chính những người trồng rau quanh vùng. Sau đó, anh tự dựng cho mình các mô hình thí nghiệm, ươm những chồi non đầu tiên. Mô hình triển khai đến đâu, anh tham khảo đến đó và tự đúc kết kinh nghiệm qua từng lứa rau. Khi nhận thấy mô hình đi đúng hướng, anh quyết định ứng dụng vào thực tiễn, trồng thêm nhiều loại rau.
Công nghệ cao tạo nguồn thu lớn
Cuối năm 2017, Vương vận động 8 hộ thân quen đăng ký thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp rau sạch ra thị trường mang tên Trường Thành. Anh Vương chia sẻ, để có đất trồng rau, anh cải tạo 5.000m2 đất của gia đình, sau đó đầu tư hơn 900 triệu đồng xây dựng trại rau trong nhà kính với diện tích 1.000m2, một trại trồng rau trong nhà lưới 600m2. Đặc biệt, trong hệ thống nhà kính, anh còn đầu tư hệ thống cắt nắng tự động, hệ thống làm mát, phun sương, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun hiện đại, sử dụng 100% phân chuồng hữu cơ... để cây rau phát triển đạt chất lượng.
Khu đất vốn dĩ bỏ hoang, cây dại mọc đầy, lúc anh Vương lao vào trồng rau theo phương pháp kỹ thuật mới thì nhiều người ái ngại vì sợ công sức bỏ ra nhiều mà chất lượng và đầu ra không có gì đảm bảo. “Khó khăn nhất là tạo được niềm tin cho mọi người. Làm sao để họ yên tâm, tin tưởng chung vốn làm ăn luôn là nỗi trăn trở. Nhưng thị trường bây giờ đang rất ưa chuộng sản phẩm sạch, nếu không nắm bắt cơ hội khó mà thành công. Tôi cố gắng vận động bà con, diễn giải cách thức và phương pháp thực hiện cho họ. Dần dà, mọi người cũng đồng ý, chung tay thành lập nên HTX như hiện nay” - anh Vương chia sẻ.
Sau một tháng, từ làm đất, chọn giống đến gieo hạt, tưới rau... những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên ngay trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi. Công việc cứ thế kéo từ ngày này qua ngày khác, vất vả cũng vì thế nhân lên gấp bội. Những ngày đầu khi rau thu hoạch được cũng là lúc gian nan nhất vì đầu ra còn nhiều bấp bênh. “Khái niệm sản phẩm sạch, hữu cơ lúc đó còn khá mới mẻ với nhiều người. Bên cạnh đó, chi phí nhiều, thời gian sinh trưởng lâu nên giá thành cao cũng là một trở ngại lớn để đưa rau sạch đến với bữa ăn của mọi nhà. Vợ phải mang rau đến từng nhà giới thiệu, gặp ai cũng mời chào, rồi biếu, tặng. Thấy rau tươi, ngon, an toàn dần dần mọi người mua ăn thử, miệng truyền miệng, từ ế ẩm đến rau trồng không đủ bán như bây giờ” - anh Vương nói. Hiện tại HTX đã trồng được 25 loại rau củ các loại như mồng tơi, cải bó xôi, đậu đũa, đu đủ, dưa hấu, đậu bắp, cải ngọt, rau dền, dưa leo… Mỗi ngày, cung cấp khoảng 6 - 7 chục ký rau, củ cho 4 đại lý và 150 khách lẻ trên địa bàn TP.Tam Kỳ, mang lại lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/tháng. Với nỗ lực không ngừng, dám nghĩ dám làm, anh Lê Tùng Vương đã gieo những vụ mùa xanh trên mảnh đất khô cằn...
KIỀU LY