Uống bia... nợ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/07/2018 09:42

Vui uống. Buồn uống. Không vui không buồn cũng… uống. Đó là cảm xúc, còn lý do để uống? Vô vàn. Cưới, sinh nhật, lên lon, lên chức… uống. Liên hoan cuối năm, lễ hội thường niên, họp mặt bạn bè… uống. Để làm quen xã giao thì cần uống, quen mặt quá rồi càng uống. Khi ồn ào xem World Cup cũng dzô… dzô với ly bia đã đành. Lạ là đến lúc trực canh quan tài người chết cũng… uống. Dường như bia rượu đã thành nếp giao bôi của người Việt, “phi bia rượu bất thành công chuyện” hay sao?

Đứng góc độ cá nhân tiêu thụ thấy mỗi ngày dăm ba chai bia là ít, nhưng gộp cả nước vào thì thành con số khổng lồ. Như báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2017 lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỷ lít, tăng 6% so với năm 2016. Con số đó đã tiệm cận mục tiêu đạt 4,1 tỷ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát do Bộ Công Thương phê duyệt. Tính bình quân mỗi người Việt uống gần 43 lít bia/ năm, và nếu cả nước sản xuất đạt  khoảng 5,5 tỷ lít bia vào năm 2035 thì khi đó trung bình mỗi người dân Việt sẽ uống 52 lít bia/ năm. Mức tiêu thụ bia của Việt Nam dự báo còn tăng trưởng, và thực tế đã tăng 5 bậc trong khu vực châu Á (năm 2008 Việt Nam đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng năm 2016 đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, sau Nhật Bản và Trung Quốc).

Chính vì lượng bia tiêu thụ tăng, nên “tiềm năng” thị trường Việt Nam đã được khai thác bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng bia đã tăng từ 60% năm 2017, tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018 nhưng với lượng tiêu thụ gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng. Điển hình như Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm rồi đã đạt lợi nhuận sau thuế tới 4.824 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Sabeco đặt mục tiêu bán được hơn 1,8 tỷ lít bia trong năm 2018 và sẽ phấn đấu lên mức 2 tỷ lít trong những năm sau. Gặp mùa World cup như năm nay với nhiều kịch tính, bia rượu cũng… tắm theo trái bóng.

Thị trường bia càng sôi động khi có thêm sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối năm 2017, nhân nhà nước thoái vốn ở Sabeco, tập đoàn Thaibev của Thái Lan đã mua hơn 53% cổ phần của doanh nghiệp này. Mới đầu nghe qua vội mừng vì nhà nước thu lại được số tiền lớn, tới 5 tỷ USD, nhưng đến nay thì mới thấy ra chuyện. Theo Bộ Tài chính, thương vụ bán vốn của nhà nước ở Sabeco đã vô tình làm phát sinh nợ nước ngoài. Đó là do tập đoàn mẹ Thaibev bảo lãnh cho công ty con là Vietnam Beverage  đi vay nước ngoài để có tiền mua cổ phần ở Sabeco. Từ đó góp phần làm nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ 44,8% GDP lên 49% GDP vào cuối năm 2017. Diễn đạt một cách dễ hiểu theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong thương vụ này một doanh nghiệp nước ngoài núp bóng (hay lách luật) thông qua một công ty Việt Nam để mua cổ phần chi phối (hơn 50%) một doanh nghiệp Việt Nam khác. Do lách luật vậy khiến cho khoản tiền 5 tỷ đô la Mỹ mua cổ phần Sabeco không được ghi nhận là một khoản đầu tư gián tiếp mà được hạch toán là một khoản nợ của doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Beverage). Đứng ở góc độ người tiêu dùng, nôm na là người Việt Nam phải lo… uống bia để góp cho doanh nghiệp Việt có lợi nhuận mà trả khoản nợ vay đó. Bia có ngọt ngào?

Không chỉ chuyện uống bia để trả nợ, còn nhiều việc khác cũng có thể làm phát sinh nợ như “khoản nhỏ” là dự tính tiêu hơn trăm tỷ đồng tổ chức lễ hội ở Thanh Hóa. (Mà lễ hội như vậy chắc lại có tiệc chiêu đãi bia rượu nữa?). Rõ ràng, trong khi phải kiềm chế nợ công quốc gia, hãm đà tăng của nợ nước ngoài, thì việc vay vốn, huy động vốn để làm chuyện gì cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Người Việt, nước Việt đâu cần dựng bia vinh danh là quốc gia nhiều nợ nần lại đứng tốp đầu uống bia nhiều nhất châu Á?

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Uống bia... nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO