Thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn của Quảng Nam lại vừa trở thành vấn đề thời sự của… hạ nguồn Đà Nẵng. Trong cuộc họp báo quý 3 tổ chức cuối tháng 10, chất lượng nguồn nước đầu nguồn được đề cập nhằm giải tỏa mối lo của hàng triệu dân của “thành phố đáng sống” Đà Nẵng.
TP.Đà Nẵng sẽ quản lý khu vực lấy nước phục vụ cho các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt như thế nào? Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cắm mốc xác định rõ các khu vực được đưa vào vùng mẫu lấy nước phục vụ sinh hoạt, thậm chí cử cán bộ kỹ thuật lên đầu nguồn sông Đăk Mi, Vu Gia lấy mẫu nước, kiểm tra thực tế các nguồn xả thải. Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Đà Nẵng cũng đề nghị cơ quan đồng cấp ở Quảng Nam cung cấp Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các mỏ vàng được cấp phép.
Bao nhiêu năm nay, các bãi vàng trái phép đã gây ra nỗi lo sợ mơ hồ, khi báo chí phản ánh tình trạng chất độc cyanua dùng để phân kim sau đó… lén lút xả ra suối. Các dòng chảy ấy sẽ “gom” cả về nguồn chính, rồi đổ về xuôi. Với các mỏ vàng được cấp phép, đương nhiên chủ mỏ có hẳn quy trình xử lý thu gom, đảm bảo chất thải không nguy hại khi xả ra môi trường.
Nhưng xem ra ngành chức năng ở Đà Nẵng không hoàn toàn tin cậy “quy trình” ấy, nên mới đề nghị được cung cấp ĐTM chăng? Và liệu các nguồn thải lén lút khác được kiểm soát như thế nào? Câu trả lời sẽ còn ở phía trước. Trước mắt, cứ phải “cẩn tắc vô áy náy”. Có điều, chính quyền 2 địa phương cần sớm minh bạch kết quả, để tránh gây lo lắng cho người dân.
Lâu nay, nguồn nước mà Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ thường được nhắc đến mỗi khi bàn về tưới tiêu mùa khô và nguy cơ xả lũ mùa mưa. Đây là lý do ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa Vu Gia - Thu Bồn, thậm chí lập hẳn Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông… Gần đây, khi xảy ra sự cố đổ trộm chất thải ở Hòa Bình khiến cư dân hạ nguồn ở Hà Nội uống phải nước bẩn, câu chuyện chất lượng nước sinh hoạt mới trở thành mối quan tâm liên vùng, liên địa bàn. Vài tháng trước, cũng chính DAWACO cảnh báo nguy cơ dự án nhà máy rác ở thượng nguồn Quảng Nam đe dọa nguồn nước thô Đà Nẵng.
Cứ tưởng chuyện “cùng uống chung dòng nước sông Tương” (quân tại Tương giang đầu/ thiếp tại Tương giang vĩ/ tương tư bất tương kiến/ đồng ẩm Tương giang thủy) chỉ có trong tình sử bên Trung Hoa, hoặc thoáng chút lãng mạn trong âm nhạc thời chiến (Anh ở đầu sông em cuối sông/ uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông). Xem ra, không chỉ đáng quan tâm ở cấp khu vực như dòng Mê Kông chảy qua nhiều nước, mà nội vùng Hà Nội - Hòa Bình, Đà Nẵng - Quảng Nam… cũng có lý do để “lo”. Lo, để có trách nhiệm, để biết cách hợp tác kiểm soát từ mạch nguồn tận trên núi cho đến tận vòi nước ở mỗi bếp ăn.