Uống chung dòng nước

C.B.L 29/06/2018 08:32

Hôm qua, nhiều người lo lắng khi đọc tin tức trên báo về tình trạng mực nước hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn sụt giảm. Hạn hán thì năm nào cũng có, xâm nhập mặn hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn cũng được cảnh báo đã lâu, nhưng lần này, tác động mang tính trực diện và diễn ra trên phạm vi rất rộng.

Hơn 2 năm trước, khi Quảng Nam mở hội thảo để đánh giá tác động môi trường dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu tuyến đường ĐH7 qua sông Vĩnh Điện, các chuyên gia thủy lợi ở Đà Nẵng đã phản đối mạnh. Quảng Nam có lý do để xây đập kiên cố nhằm cứu hơn 2.000ha đất trồng lúa của người dân. Nhưng sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) nối liền 2 sông chính của lưu vực Vu Gia (phía sông Hàn, Đà Nẵng) và Thu Bồn (Quảng Nam), nên giải pháp xây đập kiên cố để thoát khỏi sự xâm nhập mặn từ cửa sông Hàn và cửa Đại cũng đồng nghĩa với việc sẽ đẩy nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) vào nguy cơ “thất thủ”. Đây là nhà máy cung cấp đến 99% nước sạch cho người dân Đà Nẵng.

Và bây giờ, xâm nhập mặn đang ám ảnh không chỉ Đà Nẵng mà còn với cả Quảng Nam.

Tính từ hôm 12.6 đến 28.6, độ mặn nước sông Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đã cao hơn mức cho phép đến gần 7 lần. Tình thế buộc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng bơm nước ngọt từ đập dâng An Trạch để “hòa” với nước mặn tại sông Cầu Đỏ. Nhưng chưa ai dám chắc nước ngọt có đủ “pha loãng” độ mặn của Nhà máy nước Cầu Đỏ trong những ngày tới…

Phía hạ lưu Quảng Nam cũng không khá hơn. Ít nhất 500ha lúa hè thu trong thời kỳ tưới dưỡng ở vùng đông Duy Xuyên đang có nguy cơ chết, khi cả 2 trạm bơm không hoạt động được. Đề xuất xây đập ngăn mặn lại được nhắc tới, nhưng lần này là đập ngăn ở cầu Đen. Một giải pháp “khoanh vùng”, “cục bộ” trong tình huống bất khả kháng, trong khi thấp thỏm chờ nguồn nước xả từ các hồ thủy điện ở thượng nguồn.

Thật ngẫu nhiên khi Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) đang diễn ra tại Đà Nẵng đã đề cập tác động sâu rộng của môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc hôm 27.6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cần có những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực. Đó là tầm vĩ mô, toàn cầu, nơi quy tụ đại diện của 183 quốc gia thành viên. Nhưng ở tầm khu vực và liên tỉnh, tính kết nối và hài hòa lợi ích - trách nhiệm cũng rất quan trọng. Hôm 7.6, tại hội nghị Quản lý vận hành đập thủy điện và phòng chống thiên tai tổ chức ở Đà Nẵng, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam, cũng đã đặt vấn đề về sự kết nối khi lưu ý quy trình liên hồ trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn hiện nay không khác gì… đơn hồ.

Liên hồ vận hành trong mùa lũ đã khó, vận hành trong mùa khô càng khó. Nên câu hát “Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước…” không chỉ là lời tình tự trong kháng chiến ở Vàm Cỏ Đông, mà còn có tính thời sự trong thời điểm hiện tại ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Uống chung dòng nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO