Uống rượu... không say

HỨA XUYÊN HUỲNH 02/06/2019 16:26

Dù độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm, rượu vẫn thường dễ khiến người ta say. Nhưng sẽ không dễ “phân tích” cho thật rạch ròi là say vì rượu, say bởi rượu, được say do rượu, vì rượu khiến người say và có nên uống rượu… không say?

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan. Ảnh: Internet
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan. Ảnh: Internet

1. Xưa, thi tiên Lý Bạch từng buông một ý thơ kinh động trong bài “Tương tiến tửu”: Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (tạm dịch: Xưa nay các bậc thánh hiền đều tịch mịch, chỉ có kẻ uống rượu mới để lại tên tuổi). Lưu Linh đời Tây Tấn cũng từng ca tụng đức của rượu, khi viết về một “tiên sinh đại nhân” kia lấy trời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt trời mặt trăng làm cửa làm ngõ, lấy cả thiên hạ làm sân làm đường. Với “tiên sinh đại nhân”, trời tức là màn, đất tức là chiếu, lúc ở thì nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè…

Rượu đã trở thành nét văn hóa thâm sâu, phương Tây lừng lững vị tửu thần Dionysos, phương Đông thì bàng bạc tửu hứng suốt cổ kim. Văn học cổ Việt Nam vốn dĩ không xa lạ với hình ảnh “bầu rượu túi thơ”, chưa kể hàng ngàn bài thơ, hàng trăm giai thoại về các nhà thơ và rượu. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng xác nhận câu “Chén tạc chén thù” có gốc gác Việt Nam, giảng thêm rằng: chủ chúc là “tạc”, khách chúc đáp lễ là “thù”. Nhưng ngay trong Hán tự, theo giảng giải của cụ Thiều Chửu, chữ “tạc” mang nghĩa khách rót rượu cho chủ, và phàm đã nhận cái gì của người mà lấy lại vật khác trả lại đều gọi là “tạc”, hai bên đưa lẫn cho nhau gọi là “thù tạc”…

Có điều, tôi không biết Wikipedia lấy nguồn số liệu thống kê nào để xác định rằng kiệt tác “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du “là một tác phẩm đề cập chuyện uống rượu nhiều nhất”. Hẳn là do truyện thơ này quá dài (3.254 câu) so với các tác phẩm khác, nên đương nhiên “mật độ” rượu/uống rượu cũng dày hơn chăng?

2. Trở lên là nói chuyện rượu, giờ thử nói chuyện uống rượu và uống rượu... không say.

Sao lại nhắc chuyện rượu chè lúc này? Vì chính các đại biểu Quốc hội cũng đang tranh luận xung quanh dự Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Có vị đại biểu “đòi” phải tiếp cận rượu bia từ góc độ văn hóa, không đưa văn hóa rượu lên “đoạn đầu đài”, nên đổi tên thành Luật Kiểm soát rượu bia và giao cho Bộ VH-TT-DL (chứ không dừng ở tên ban đầu là Luật Phòng chống tác hại rượu bia và do Bộ Y tế đệ trình). Nhưng cũng có đại biểu lo ngại dự luật do ban soạn thảo trình ra Quốc hội sao thấy mức độ ràng buộc cứ “yếu” dần, nếu so với lần đầu (tháng 11.2018) với lần mới nhất (ngày 23.5 vừa qua)? Lại có luồng ý kiến khác viện dẫn các số liệu liên quan đến tác hại trước mắt của bia rượu (tổn hại sức khỏe, tai nạn…) để quả quyết cần sớm có “chế tài” đối với bia rượu, chủ yếu ở góc độ kiểm soát.

Nhưng đó là diễn đàn Quốc hội, cấp độ làm luật cao nhất, vốn dĩ phải có trách nhiệm với các vấn đề xã hội nảy sinh liên quan đến bia rượu và tất nhiên không thoát ly khỏi yếu tố quản lý kinh tế đối với ngành công nghiệp, kinh doanh đồ uống có cồn. Còn với thói quen sinh hoạt của cộng đồng, từ lâu rượu đã là một phần của lễ nghi giao tế, của thăng hoa tâm trạng. Nhớ ngày nào thi sĩ Trần Huyền Trân từng viết trong một lúc say ở Ngã Tư Sở (Hà Nội), dường như là với cụ Tản Đà hồi năm 1938, có câu lục bát tuyệt hay: “Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”.

Thì ra, từng có những “đau lòng” dịu dàng đến như vậy…

Trong xã hội hiện đại, không có nhiều chỗ cho những “đau lòng” kiểu như vậy nữa. Nỗi đau thực tế đã phần nào lấn át dần những lãng mạn bất chợt từ rượu. Một khi người ta đồng tình dán hẳn logo “Đã uống rượu bia, không lái xe” lên ô tô, tức số đông đã nhận rõ trách nhiệm công dân (và chọn phương tiện lưu thông khác mỗi khi đi dự tiệc rượu). Ấy là chuyện đi lại, cần điều chỉnh hành vi, không thể né tránh. Thử đọc những số liệu mang tính cảnh báo này từ Bộ Y tế: Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia. Và hãy “kết nối” với báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe năm 2018 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, rằng lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân khiến hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Bao nhiêu nạn nhân Việt nằm trong con số “hơn 3 triệu” kia?

Thật khác xa dáng vẻ thong dong của người đi đường gặp tiết thanh minh mưa rơi buồn ảo não, khi ngoắc đứa trẻ chăn trâu hỏi nơi nào có quán rượu. Và sau đó, độc giả (nếu cũng là một ẩm giả) hẳn sẽ reo lên với câu thơ cuối của Đỗ Mục: “Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn” (Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa hạnh ở đằng xa).

Nhưng liệu có cách nào để uống rượu mà không say và người xưa có từng đưa ra “giải pháp” chống say rượu?

Tôi đọc được ý khá thú vị trong một sách cổ, ghi là dẫn từ thiên Nhạc ký. Sách viết, đại ý, vua từng đặt ra “lễ uống rượu”. Cứ mỗi lần uống, chủ khách lại chào nhau có cả hàng trăm lạy. Lạy tới lạy lui như vậy, rồi sách kết luận: “Chung nhật ẩm tửu, nhi bất đắc túy” (dù uống suốt ngày, cũng không say).

Hẳn sẽ có người bảo, uống rượu không say thì uống để làm gì (!). Nhưng phải chăng, trong lúc vẫn đang chờ các “chế tài” từ góc độ quản lý xã hội, góc độ sức khỏe mà nhiều ý kiến đang tranh luận gay gắt, ẩm giả cũng thử một lần làm theo “lễ” uống rượu xưa để... ngăn bớt cơn say?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Uống rượu... không say
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO