Thuật số Trung Quốc thường chuộng các số lẻ 1, 3, 5, 7, 9. Nên trong lịch pháp, vào những ngày mà tháng và ngày âm lịch cùng rơi vào các con số này thì đều có lễ hội. Ngày 1 tháng 1 thì có tết Nguyên đán, ngày 3 tháng 3 thì có tiết Thanh minh với hội Đạp thanh, ngày 5 tháng 5 thì có tết Đoan ngọ, ngày 7 tháng 7 thì có lễ Thất tịch, ngày 9 tháng 9 thì có tết Trùng dương. Mà hễ có lễ hội là phải có rượu. Đã uống rượu thì phải có phải có bạn để cùng đối ẩm. Trương Trào, một tay tài tử đời Thanh, còn cho rằng bạn để cùng đối ẩm trong những ngày lễ đó cũng phải khác nhau. Ông này xem ra còn cầu kỳ hơn cả cụ Tản Đà!
Minh họa: VĂN TIN |
Tiết Thượng nguyên nên uống rượu với bạn hào sảng, tiết Đoan ngọ nên uống rượu với bạn xinh đẹp, tiết Thất tịch nên uống rượu với bạn phong vận, tiết Trung thu nên uống rượu với bạn bình đạm, tiết Trùng cửu nên uống rượu với bạn phóng khoáng. (Thượng nguyên tu chước hào hữu, Đoan ngọ tu chước lệ hữu, Thất tịch tu chước vận hữu, Trung thu tu chước đạm hữu, Trùng cửu tu chước dật hữu.)
Tiết Thượng Nguyên là ngày rằm tháng Giêng, thường được thi nhân làm thơ ngâm vịnh. Nguyễn Du mở đầu bài thơ Nguyên tiêu:
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
(Đêm khuya sân vắng không người, ánh trăng rằm tỏa đầy trời nguyên tiêu. Ngàn năm vẫn dáng yêu kiều, mãi còn nguyên vẻ muôn chiều thướt tha).
Trăng rằm Nguyên tiêu là khí tượng sung mãn của mùa xuân, nên ngồi ngắm trăng Thượng nguyên mà không uống rượu là một điều đáng tiếc. Nhưng ở đây không chỉ là chuyện uống rượu đêm trăng. Tiết Nguyên tiêu, người ta thường cùng nhau uống rượu nơi trà đình, tửu quán trên đường du xuân. Ngồi uống rượu trong khung cảnh chung quanh là cỏ cây hoa lá xinh tươi, ngoài đường thì ngựa xe nhộn nhịp, quán xá thì tiếng người huyên náo, trên trời cao thì mây trắng bềnh bồng khiến ta hào khí không khỏi bồng bột, tình cảm muôn chiều hưng phấn, nếu lúc đó mà người bạn ngồi đối ẩm không phải là khách hào sảng để cùng nhau thống ẩm cuồng ca, há chẳng phải uổng phí một phen uống rượu ngày xuân?
Tiết Đoan ngọ là tết mùng 5. Vào tiết Đoan ngọ thì khí trời ngày hè oi bức, nên trong ngày hội này, người xưa thường tổ chức chơi thuyền trên sông. Ngồi trên thuyền, uống rượu thì không thể thống ẩm cuồng ca, mà chỉ uống chậm rãi, nhẹ nhàng, như cung cách của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp”. Uống rượu mà chỉ nhắp chứ không uống thì người đối ẩm chỉ có thể là khách má hồng. Giữa cảnh thuyền trôi theo gió, sông nước mênh mang mà ngồi uống rượu cùng người đẹp để bàn chuyện văn thơ, đó là thú vui tao nhã phù hợp với danh sĩ phong lưu.
Tiết Thất tịch là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau.
Trời làm tháng bảy mưa ngâu,
Con Trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền.
(Ca dao)
Truyền thuyết này pha nhiều màu sắc lãng mạn. Tương truyền vào đêm Thất tịch mùng 7 tháng 7, Ngưu Lang và Chức Nữ được chim ô thước bắt cầu qua sông Ngân Hà để hai người gặp nhau sau một năm xa cách. Thi nhân xưa thường làm thơ vịnh đêm Thất tịch.
Người xưa, trong ngày này, thường bày tiệc vào lúc chiều hôm. Trong bối cảnh hoàng hôn dần tối, ngồi uống rượu để nhớ đến truyền thuyết lãng mạn kia, và bàn đến chuyện đôi tình nhân đang gặp nhau nơi bến sông Ngân để kể lể nỗi niềm nhớ thương sau một năm xa cách, nếu khách đối ẩm không phải là người đa tình phong vận thì rượu ngon mấy cũng thành rượu nhạt, và ta không khỏi uổng phí một khoảnh khắc lãng mạn trong đời.
Trung thu là cái tết lớn đối với người xưa. Ánh trăng rằm Trung thu là ánh trăng sáng nhất, trong nhất trong năm; đêm Trung thu được xem là đêm cực kỳ bình an và may mắn, nên tâm tư của kẻ uống rượu ngắm trăng cũng cực kỳ yên tĩnh. Trong khung cảnh đó, uống rượu ngắm trăng một mình để rồi “Cử bôi yêu minh nguyệt. Đối ảnh thành tam nhân” (Nâng ly mời trăng sáng, nhìn ảnh thành ba người) như Lý Bạch để tận hưởng nỗi cô liêu, đó cũng là một cái thú. Còn muốn ngồi cùng người đối ẩm thưởng trăng thì người đó không thể không là người bạn bình đạm, giản dị. Đạm hữu là người bạn mà tâm cảnh trong sáng như gió mát trăng trong, không đua chen cùng danh lợi, bao chuyện hơn thua đều gạt bỏ ngoài lòng. Đem cái tâm sáng láng như trăng thu để cùng ngồi thưởng trăng đối ẩm, tư tưởng dễ bay bổng để nảy ra những ý tưởng thanh cao. Đó há chẳng là những thời khắc tuyệt diệu của đời người?
Tết Trùng cửu, hay Trùng dương, nhằm vào ngày 9 tháng 9 âm lịch. Tết này không phổ biến ở Việt Nam, nhưng có ý nghĩa lớn đối với người Trung Quốc. Hằng năm, đến ngày mùng 9 tháng 9, tao nhân mặc khách lại lên đồi núi, hoặc lên những đài cao để ngắm cảnh và uống rượu cúc, làm thơ. Bài Đằng Vương các tự nổi tiếng của Vương Bột cũng được làm vào tiết Trùng dương.
Lúc này đã sắp hết mùa thu, cỏ cây không còn xanh tươi nữa, nên tiết Trùng dương còn có tên là Từ thanh, có nghĩa là “từ biệt màu xanh”. Phan Vinh Bệ sống đầu đời Thanh, trong Đế kinh tuế thời kỷ thắng, có ghi chú về ngày Từ thanh trong tháng 9 như vầy:
Người nơi kinh đô rủ bè bạn cùng đi đến Tây Sơn để ngắm lá hồng, đến suối nóng để tắm gội, bảo rằng nước hoa cúc có thể trừ được bệnh tật. Lại có người mang rượu và thức nhắm ra vùng ngoại ô kinh sư để cùng nhau uống suốt cả ngày đến say mềm, gọi đó là ngày Từ thanh.
Lúc này trời sắp sang đông, cỏ cây đều đua nhau tàn tạ. Gió thu hiu hắt, cảnh vật tiêu điều không khỏi khiến ta có cảm giác bi thương, nhất là những ai còn phiêu bạt chốn tha hương. Khi tâm đã động mối bi thu giữa cảnh cỏ cây tàn tạ thì không khỏi chạnh nghĩ đến kiếp người phù du giữa cõi thế vô thường. Bởi vậy, lúc này nên uống rượu với người lạc quan, phóng khoáng để tâm hồn vơi bớt nỗi thương tâm.
Đằng sau mỗi chén rượu của người xưa, xem ra còn mang theo cả một trời bóng sương huyền thoại.
LIÊU HÂN