Ưu đãi đầu tư trên địa bàn Tam Kỳ: Chưa thể bình đẳng

TRỊNH DŨNG 11/10/2016 08:33

Bị đối xử không bình đẳng, khó tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư chỉ trên giấy… là những vấn đề doanh nghiệp Tam Kỳ “kêu khó” tại diễn đàn đối thoại doanh nghiệp, doanh nhân do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức vào ngày 7.10.

Có cải thiện, nhưng chưa đủ

Hàng trăm doanh nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Tam Kỳ đã đến dự diễn đàn đối thoại và kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10). Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết giá trị sản xuất ngành dịch vụ từ đầu năm đến nay trên địa bàn đạt 12.600 tỷ đồng (tăng 16,8%), giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.800 tỷ đồng (tăng 18,8%), giải quyết việc làm tăng trưởng nhanh… có sự đóng góp khá lớn của cộng đồng doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố đã quan tâm nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tam Kỳ từng bước xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân với mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển từ nền hành chính quản lý sang phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thành phần hồ sơ, thời gian xử lý và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Tiếp cận đất đai là một trong những bất bình đẳng của cộng đồng doanh nghiệp đang hiện hữu. TRONG ẢNH: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân trên địa bàn Tam Kỳ. Ảnh: T.D
Tiếp cận đất đai là một trong những bất bình đẳng của cộng đồng doanh nghiệp đang hiện hữu. TRONG ẢNH: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân trên địa bàn Tam Kỳ. Ảnh: T.D

Theo ông Nam, mô hình “một cửa” tại Trung tâm Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - thương mại dịch vụ thành phố đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức nhà nước, tạo thuận lợi giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trên địa bàn, cũng như giải quyết tháo gỡ, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Ông Nam nói sẽ ưu tiên xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết dứt điểm khó khăn của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ, tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết nhằm ổn định và ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai, giải quyết tốt các khó khăn của doanh nghiệp. Thành phố cam kết sẽ xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh để doanh nghiệp của thành phố ngày càng phát triển.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh tại Tam Kỳ đã thông thoáng hơn, tiết kiệm thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch ở cơ quan công quyền. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của giới doanh nghiệp. Những thay đổi của Tam Kỳ dường như chưa thỏa mãn được nhu cầu từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tham dự diễn đàn này cho biết họ bị đối xử không bình đẳng, khó tiếp cận đất đai, ưu đãi chưa hấp dẫn, việc giải quyết các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp chưa kịp thời… Những cải cách, cải thiện đã có nhưng chưa thực sự tạo ra sự đột phá. Trên thực tế vẫn còn dư địa, khoảng trống để các cơ quan chức năng phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn…

Tại sao có hai cơ chế ưu đãi?

Không ít doanh nghiệp cho rằng chính quyền lúc nào cũng tuyên bố cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp để vận hành cơ chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng thực tế không như kỳ vọng. Ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt - một doanh nghiệp thành lập từ năm 2003 với hơn 3.000 nhân công (hai công ty) nói tại sao trên cùng thành phố mà kinh tế phía đông lại đặc biệt ưu tiên mà kinh tế phía tây lại ngày càng teo tóp. Không lý gì lại ưu đãi cho doanh nghiệp này, bạc đãi doanh nghiệp khác? Ông Doãn nói khi địa phương kêu gọi đầu tư, cam kết sẽ ưu đãi cho 8 năm (kể cả ưu đãi của Chính phủ), nhưng sau đó lại lờ đi, chỉ còn mỗi ưu đãi của Chính phủ trong 2 năm. Tại sao doanh nghiệp nội địa phải đóng thuế đến 22%, trong khi doanh nghiệp mới đầu tư lại được miễn thuế, ưu đãi tiếp cận đất đai đến những 15 năm? Với kiểu ưu đãi thế này, doanh nghiệp Việt hay địa phương không có cách gì cạnh tranh nổi. Doanh nghiệp chết thì người lao động cũng vạ lây. Ông Doãn đề nghị xem lại cơ chế, trả lại sự bình đẳng cho mọi doanh nghiệp là điều chính quyền nên làm.

“Nếu cứ cấp phép cho doanh nghiệp vào Quảng Nam đầu tư cùng ngành nghề nhưng lại “cấp” cho họ quá nhiều ưu đãi thì sẽ bóp chết doanh nghiệp nội địa địa phương, mà chắc gì doanh nghiệp khác, kể cả nước ngoài lại giải quyết việc làm hay trả lương, an sinh xã hội, đóng thuế tốt hơn doanh nghiệp tại địa phương”.
(Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH May Phú Mỹ Kim Anh)

Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH May Phú Mỹ Kim Anh cho rằng mục đích thu hút đầu tư là giải quyết việc làm và đóng góp ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp nội địa dư sức thực hiện. Vì vậy, nếu nguồn cung cấp lao động chưa đủ thì không nên cấp phép cho các nhà đầu tư khác với những ngành nghề có quá nhiều thâm dụng nhân công giá rẻ như may mặc, giày da, thủy sản… vì hiện tại các thành phố, tỉnh thành khác đã cân nhắc. Nếu cứ cấp phép cho doanh nghiệp vào Quảng Nam đầu tư cùng ngành nghề nhưng lại “cấp” cho họ quá nhiều ưu đãi thì sẽ bóp chết doanh nghiệp nội địa địa phương, mà chắc gì doanh nghiệp khác, kể cả nước ngoài lại giải quyết việc làm hay trả lương, an sinh xã hội, đóng thuế tốt hơn doanh nghiệp tại địa phương. Nếu như thu hút doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao… thì doanh nghiệp sẽ vui lòng dù phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho hay không thể không thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Ông Lúa thừa nhận kiến nghị của doanh nghiệp chính đáng khi mổ xẻ trên địa bàn thành phố lại có hai chính sách cho cùng một lĩnh vực. Ông Lúa nói thành phố đã từng kiến nghị chính sách cho doanh nghiệp bình đẳng từ khi chưa có Khu công nghiệp Tam Thăng nhưng chưa ai giải quyết. Kiến nghị này vượt quá thẩm quyền thành phố nên chỉ có thể đề xuất hay kiến nghị lên cấp trên. Một giải pháp như thế nào để bảo đảm sự bình đẳng lợi ích chính đáng sẽ được ghi nhận và sẽ có câu trả lời cụ thể cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo nhìn nhận của thương giới Quảng Nam, những kiến nghị trên không chỉ là nỗi ưu tư của doanh nghiệp Tam Kỳ mà của cả Quảng Nam. Từ góc nhìn doanh nghiệp, việc thay đổi hình ảnh về môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam không thể thực hiện trong ngắn hạn và cũng không thể nói chung chung mà phải bắt đầu từ những hành động hết sức cụ thể. Cốt lõi nhất vẫn là cải thiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với nhà nước. Giải quyết tốt những kiến nghị của doanh nghiệp không chỉ là việc ban hành kế hoạch trên giấy mà phải được thể hiện trên thực tế!

Doanh nghiệp nội khó xin đất xây dựng nhà ở công nhân
Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt cho rằng việc xin đất đầu tư đã không được thỏa mãn từ phía chính quyền, kể cả việc xây dựng nhà ăn và nhà ở cho công nhân lao động. Ông liên tục đặt câu hỏi tại sao một công ty thuộc 51 doanh nghiệp tiêu biểu dệt may tại Việt Nam chưa bao giờ xảy ra lãn công hay đình công lại thua kém ưu đãi đầu tư hơn các doanh nghiệp FDI cũng cùng ngành nghề kinh doanh với công ty ông? Tại sao ở khu vực kinh tế phía đông, chính quyền bỏ ra hàng mấy héc ta đất giao cho doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nội địa địa phương lại không được quyền tiếp cận?
Ông Doãn nói rằng ở tất cả diễn đàn đối thoại, doanh nghiệp đều xin đất để làm nhà ở cho công nhân, nhưng không một ai ký duyệt, nhưng khi Panko qua đầu tư, chưa đầu tư là đã cấp ngay 5ha đất để làm nhà ở cho công nhân. Hàng nghìn công nhân công ty ông 14 năm qua phải ở nhà thuê, nhà mướn mà không ai quan tâm giúp đỡ. “Sản xuất kinh doanh của chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bởi chúng tôi là người Việt Nam. Công nhân chúng tôi không lẽ lại thua kém công ty của mấy doanh nghiệp khác khi họ được đối xử tốt hơn. Doanh nghiệp đủ sức xây dựng nhà ở cho công nhân. Các anh hãy suy nghĩ lại. Hãy lên gặp công nhân chúng tôi để biết họ cần gì và cần được đối xử như thế nào, để họ khỏi cảm thấy bớt mũi lòng?” - ông Doãn nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu đãi đầu tư trên địa bàn Tam Kỳ: Chưa thể bình đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO