Ưu đãi nhưng bấp cập

CHÂU NỮ 14/08/2017 16:47

(QNO) - Từ khi thực hiện các nghị định (NĐ) của Chính phủ về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, nhà giáo, viên chức y tế... công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK), Quảng Nam đã có hơn 100 nghìn người được hưởng phụ cấp thu hút, ưu đãi,  phụ cấp lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trợ cấp một lần khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu... với hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo một cán bộ của Sở Nội vụ, các chính sách nêu trên có ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn cao, đã góp phần làm cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các vùng ĐBKK của tỉnh yên tâm công tác, cống hiến. Bên cạnh đó, đã thu hút được những người có trình độ, năng lực đến công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này. Nhờ có chính sách ưu đãi, đội ngũ giáo viên, viên chức y tế cũng yên tâm bám trường bám trạm, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Báo cáo tổng kết tình hình triển khai thực hiện các NĐ về chính sách đối với cán bộ, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (NĐ 116/2010/NĐ-CP); nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (NĐ 61/2006/NĐ-CP) và cán bộ, viên chức y tế (NĐ 64/2009/NĐ-CP) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK của UBND tỉnh cho biết, về phụ cấp thu hút, từ khi thực hiện đến nay, Quảng Nam có 37.957 người được hưởng chính sách theo NĐ 116 với kinh phí thực hiện hơn  875 tỷ đồng; 6.311 người hưởng chính sách theo NĐ 61 với hơn 140,5 tỷ đồng và 3.089 người hưởng theo NĐ 64 với gần 68 tỷ đồng.

Tương tự, về phụ cấp ưu đãi, có 19.792 người hưởng theo NĐ 61 với hơn 487,7 tỷ đồng và 3.625 người hưởng theo NĐ 64 với hơn 82,6 tỷ đồng. Về phụ cấp công tác lâu năm, NĐ số 116 có 24.763 người hưởng với hơn 207,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, trên thực tế việc triển khai thực hiện các chính sách này của Chính phủ vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Chẳng hạn, NĐ số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức có quyết định phân công về công tác tại địa bàn các xã ĐBKK theo quy định của Chính phủ và trụ sở cơ quan, đơn vị phải nằm trên địa bàn các xã ĐBKK. Nhưng hiện nay có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ công chức kiểm lâm thường xuyên công tác trên địa bàn các xã ĐBKK nhưng trụ sở cơ quan lại không đóng trên địa bàn ĐBKK nên không được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

UBND tỉnh cũng cho biết, vấn đề thụ hưởng chính sách trợ cấp lần đầu cũng vậy. Theo quy định, đối tượng được tuyển dụng tại vùng ĐBKK từ ngày NĐ 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực (ngày 1.3.2011) mới được nhận trợ cấp lần đầu. Trong khi đó, những đối tượng đã công tác tại vùng này thời điểm trước khi NĐ 116/2010/NĐ-CP được ban hành, có điều kiện rất khó khăn nhưng không được hưởng khoản trợ cấp này. Mặt khác, một số quy định tại NĐ số 116/2010/NĐ-CP lại là “lực cản” trong việc thu hút và giữ chân những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao đến công tác và gắn bó lâu dài tại các đơn vị, trường học, trạm y tế ở vùng ĐBKK. Lý do: Chế độ phụ cấp lâu năm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác từ 5 năm trở lên ở vùng ĐBKK như quy định hiện nay còn thấp, trong khi chế độ phụ cấp thu hút có mức hưởng cao hơn chỉ áp dụng tối đa 5 năm cho 1 trường hợp công tác tại vùng ĐBKK dẫn đến nảy sinh hiện tượng khi cán bộ đã công tác đủ 5 năm ở vùng được hưởng chế độ quy định tại NĐ số 116/2010/NĐ-CP sẽ xin chuyển công tác hoặc cơ quan, đơn vị sẽ điều động, phân công cán bộ khác thay thế.

Hiện nay, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và công tác tổ chức thực hiện các chính ưu đãi vẫn còn chồng chéo. Chẳng hạn, ngoài NĐ 116/2010/NĐ-CP đối với cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, còn có NĐ 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 61/2006/NĐ-CP ngày 20.6.2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK.

Vì những bất cập nêu trên, mới đây, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh việc thực hiện chính sách trên cơ sở hợp nhất 3 NĐ số 116/2010/NĐ-CP, NĐ số 61/2006/NĐ-CP và NĐ số 64/2009/NĐ-CP để tránh việc chồng chéo trong triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thẩm định, công nhận các xã, thôn ĐBKK nhằm đánh giá, xác định đúng địa bàn, đối tượng theo quy định về các xã, thôn ĐBKK, vì hiện nay theo các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương như Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình 135 của Chính phủ thì nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa đã có sự phát triển về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao... nên việc xác định không đúng địa bàn, đối tượng thụ hưởng sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu đãi nhưng bấp cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO