Ưu thế cạnh tranh của hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 20/01/2020 10:57

Với mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu bắt mắt, chất lượng ổn định, hàng Việt đang được người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ngành chức năng đang tiếp sức để kích cầu tiêu dùng hàng Việt.

Bánh chưng Bà ba Hội là thương hiệu nổi tiếng của TP.Tam Kỳ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bánh chưng Bà ba Hội là thương hiệu nổi tiếng của TP.Tam Kỳ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hàng hóa chất lượng

Có mặt ở chợ Hà Lam (Thăng Bình) vào những ngày cuối năm, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng tất bật mua sắm nhiều mặt hàng đặc trưng của địa phương như nhang hương của làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam), nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương), dầu phụng Bình Đào, bánh đa nem Bình Trị, bột ngũ cốc Bình Định Bắc, đồ gốm thủ công Bình Trị...

Chị Hoàng Thái Bảo - người dân xã Bình Nguyên (Thăng Bình) cho biết, chuộng mua sắm các sản phẩm chủ lực của địa phương vì đó là niềm tự hào. “Hàng hóa, sản phẩm xuất xứ Thăng Bình được người dân ở các cơ sở, làng nghề dày công sản xuất, chế tạo, chế biến. Hàng hóa có mẫu mã, nhãn mác đẹp lại chất lượng cao, an toàn thực phẩm nên chúng tôi rất yên tâm. Nhân dịp đón Tết Nguyên đán, tôi mua hàng để gia đình sử dụng và gửi tặng bà con xa quê” - chị Bảo nói.

Ông Trương Công Thuận, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, địa phương hỗ trợ máy móc, thiết bị giúp người dân sản xuất các loại hàng hóa, sản phẩm nói trên được thuận lợi, hiệu quả qua các chương trình khuyến công. Mặt khác, huyện vận động, mời gọi các làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, tiếp thị, khẳng định thương hiệu, qua đó hàng hóa, sản phẩm ngày càng vươn xa trên thị trường. “Rất ghi nhận sự vận động của các làng nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Họ đã trăn trở, sáng tạo, lao động miệt mài để các sản phẩm, hàng hóa ngày càng ấn tượng hơn” - ông Thuận nói.

Dạo quanh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) hay Bắc Chu Lai (Núi Thành) vào giờ tan tầm trong những ngày này, dễ dàng bắt gặp nhiều công nhân mua sắm hàng hóa. Các mặt hàng dân dụng, hàng thiết yếu như quần áo của thương hiệu dệt may Hòa Thọ được bán rất chạy. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công ty Dệt may Hòa Thọ đã tổ chức nhiều chương trình ưu đãi, thu hút khách hàng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Nhìn chung, quần áo của dệt may Hòa Thọ có mẫu mã đẹp, lại có giá phải chăng, phù hợp với nhiều khách hàng.

Tại chợ Hội An, các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, hoa quả, bánh tráng, tương ớt, dầu mè... được bày bán và dự trữ phục vụ tết là hàng Việt chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chị Kiều Trang - tiểu thương bán bánh, kẹo, mứt, hạt dưa ở chợ Hội An cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam bây giờ quan tâm nhiều hơn đến thị hiếu người tiêu dùng nên trong dịp tết họ tung ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn” - chị Trang nói.

Kích cầu tiêu dùng

Theo Sở Công Thương, thời gian tới sẽ rà soát cơ chế, chính sách, tham mưu UBND tỉnh có thêm hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề, cơ sở sản xuất truyền thống Quảng Nam mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới kinh doanh, bán lẻ… Cùng với đó, kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, miền núi, giúp doanh nghiệp thiết lập điểm bán hàng Việt cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), cuối năm là thời điểm người dân cần mua sắm nhiều nhất để phục vụ sinh hoạt dịp tết. Để trợ giúp người dân và doanh nghiệp, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, tổ chức nhiều điểm bán hàng Việt phục vụ người dân. Sản phẩm, hàng hóa được bày bán đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhóm hàng bình ổn giá.

Ngoài ra, chương trình còn cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các khu, cụm công nghiệp, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo bằng nhiều hình thức phù hợp. Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người lao động, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mai & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm hàng Việt chất lượng vào dịp cuối năm, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua đó, góp phần tạo chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng khi giúp họ so sánh, đối chiếu hàng Việt chất lượng với các hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu.

“Cùng với xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng giao thương cho hàng Việt chất lượng, chúng tôi phối hợp với lực lượng quản lý thị trường ra quân kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hở hữu trí tuệ để bảo vệ người tiêu dùng, giúp họ thêm tin yêu, sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn” - ông Đinh Văn Phúc nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu thế cạnh tranh của hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO