Ưu thế đánh bắt xa bờ

VIỆT QUANG 07/01/2016 10:19

Năm 2015 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của nghề khai thác hải sản xa bờ của Quảng Nam.

Thời điểm cuối tháng 12.2015, thời tiết thuận lợi nên các tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Nam vẫn liên tục vươn khơi xa, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2015, sản lượng khai thác của 2 nghề  câu mực khơi và lưới vây vượt trội so với mọi năm là hơn 33.500 tấn, tăng hơn 1 nghìn tấn so với năm 2014, gần bằng ½ sản lượng khai thác chung của toàn ngành (80 nghìn tấn). Đáng nói hơn, năng lực sản xuất của nghề xa bờ đã vượt trội hơn so với mọi năm. Trong đó, đáng kể là số lượng tàu cá có công suất từ 400CV tăng mạnh trong năm 2015 với 170 chiếc. Chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh cũng đã phát huy thành quả trong thực tế khi ngư dân mạnh dạn vay vốn, đóng tàu lớn và trang bị hiện đại cho phương tiện sản xuất trên biển. Cùng với đó, nhờ tiếp nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ cũng giúp ngư dân có thêm động lực bám biển.

Sản phẩm mực khô của nghề khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: V.Q
Sản phẩm mực khô của nghề khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: V.Q

Theo Sở NN&PTNT, những sản phẩm chủ yếu từ các nghề khai thác hải sản xa bờ của tỉnh là cá nục, cá ngừ, mực xà được xuất khẩu ra thị trường thế  giới. Hải sản được chế biến xuất khẩu dưới nhiều dạng sản phẩm khác nhau, được đông lạnh dưới hình thức block và đông IQF, có các dạng sản phẩm tươi ướp đá, đông lạnh nguyên con, phile đông lạnh và sản phẩm khô. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh lại hoạt động cầm chừng. Do đó, một mặt Quảng Nam đang có chủ trương thu hút các doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh, mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp hiện có năng động hơn trong tiếp cận thị trường, tăng quy mô hoạt động để sản phẩm hải sản của tỉnh có giá trị cao hơn.

Định hướng khai thác hải sản của Quảng Nam là phát triển trên cơ sở chú trọng hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, đánh bắt có chọn lọc, đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác nên đặc biệt khuyến khích ngư dân tham gia sản xuất trên các vùng biển xa. Quảng Nam đang có thuận lợi để triển khai chủ trương trên là Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi xa. Sở NN&PTNT cũng đề xuất UBND tỉnh tăng cường nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh nhằm phát triển năng lực tàu cá, đóng tàu vỏ sắt và vật liệu mới phục vụ khai thác xa bờ.

Triển khai Nghị định 89, Quảng Nam có 92 tàu đóng mới và cải hoán nâng cấp. Tỉnh đã phân cấp cho các địa phương, huyện Núi Thành có 40 tàu khai thác hải sản (28 tàu vỏ gỗ, 12 tàu vỏ thép) và 5 tàu hậu cần trên biển; TP.Tam Kỳ 1 tàu khai thác và 3 tàu hậu cần; Thăng Bình 22 tàu khai thác (12 tàu vỏ gỗ và 10 tàu vỏ thép); Duy Xuyên 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép); TP.Hội An 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép) và 1 tàu hậu cần; thị xã Điện Bàn 2 tàu khai thác (1 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ thép). Tỉnh kỳ vọng đến năm 2020, tổng số tàu xa bờ là 600 chiếc, năm 2030 đạt 750 chiếc.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu thế đánh bắt xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO