(QNO) - Chiều nay 6.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) đồng tình với báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và thống nhất cao việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo của 211km đang thực hiện đầu tư và 171km còn lại. Qua đó nhằm kết nối và hoàn thiện tuyến đường huyền thoại, không những tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, góp phần quan trọng trong lưu thông hàng hóa của các địa phương miền núi, biên giới mà còn có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc.
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng gắn liền với lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dự án đã từng bước phát huy hiệu quả, hình thành các chuỗi đô thị trên địa bàn miền núi, biên giới nơi tuyến đường đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Do đó, việc đầu tư dự án là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề. Về quy hoạch dự án, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xem xét việc tích hợp quy hoạch đường Hồ Chí Minh với các quy hoạch khác có liên quan. Song, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua để tích hợp dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đồng bộ với quy hoạch đô thị, bố trí và sắp xếp tái định cư cho người dân, để bảo đảm tính khả thi của dự án.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề xuất cùng với phương án xây dựng tuyến đường này thì cần quan tâm đến công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư và tiếp tục chủ trương xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Qua đó nhằm huy động thanh niên trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đây cũng là điều kiện để giáo dục, rèn luyện lực lượng thanh niên này trong giai đoạn hiện nay.
Về giải phóng mặt bằng, di dân, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho biết đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng tuyến đường đi qua có cuộc sống chủ yếu dựa vào đất rừng để sản xuất, sinh hoạt, phục vụ đời sống. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đến việc di dân, tái định cư; công tác đảm bảo an sinh xã hội, phương án phục hồi kinh tế của người dân, nhất là làm rõ vai trò phối hợp của bộ, ngành chủ quản với chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung này.
Về công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, đại biểu đề xuất trong dự án phải lập dự toán nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng phạm vi hành lang toàn tuyến; đồng thời cắm mốc lộ giới và quản lý hành lang toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là việc phải thực hiện ngay ban đầu nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng, sản xuất làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và chất lượng công trình.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, đại biểu nhận định dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên đến năm 2022 (đã quá thời hạn quy định gần 2 năm), mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhưng có phần chậm bố trí nguồn vốn. Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn để đầu tư hoàn thành toàn bộ 3 dự án thành phần còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để bảo đảm tiến độ và hiệu lực của nghị quyết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.