Ưu tiên cho vay tiêu dùng, tại sao không?

NHẬT PHONG 27/05/2015 08:53

Cho vay tiêu dùng được xác định là một trong những kênh hữu hiệu để ngân hàng đưa vốn ra thị trường trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa khả quan. Nhưng hiện tại loại hình này nằm ở bậc thấp nhất trong thứ tự cho vay của các ngân hàng. Bao giờ cho vay tiêu dùng được ưu tiên với lãi suất hấp dẫn vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời mà người tiêu dùng chờ đợi.
Vay tiêu dùng… cuối bảng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố lãi suất không còn là  rào cản để doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng mấy tháng qua đã “hồng hào” hơn với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 28.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ thông qua nhiều cuộc kết nối DN với ngân hàng hay các cuộc ký kết giải ngân vốn vào những dự án lớn. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, lãi suất ngân hàng giảm, dư nợ 15% hay 13% của DN đã được kéo xuống. DN được hưởng lãi suất thấp hơn là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện tại, DN không phải là đối tượng duy nhất cần được “cứu”. Vấn đề giải quyết nhanh hàng tồn kho phụ thuộc vào sức mua. Nhưng sức mua phần lớn lại nằm trong danh sách cho vay tiêu dùng, luôn phải chịu lãi suất cao. Nhiều DN cho hay sức mua trên thị trường nội địa “kiệt quệ”, lượng hàng tồn kho ngày càng gia tăng (chỉ số tồn kho vào cuối tháng 4 tăng khoảng 25,4% so với tháng trước), đã đẩy nhiều DN sống dở, chết dở. Hầu hết DN đều cắt giảm sản lượng sản xuất, giảm giá bán tối đa nhưng vẫn không thể kéo được khách. Điều lo lắng nhất của DN là chưa biết bao giờ người tiêu dùng có tiền và tình trạng “ôm hàng” này mới chấm dứt.

Thông thường các cuộc kết nối ngân hàng hay tài trợ dự án đều hướng về DN, ít tập trung vào khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng.
Thông thường các cuộc kết nối ngân hàng hay tài trợ dự án đều hướng về DN, ít tập trung vào khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng.

Trong khi đó, với các ngân hàng, xếp đầu bảng là các đơn vị xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động… trong thứ bậc ưu tiên vay vốn. Còn khách hàng vay tiêu dùng hầu như bị xếp cuối bảng. Gần như con số tăng trưởng tín dụng của khu vực này không được thể hiện trên các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam hay của các ngân hàng thương mại. Không biết có phải vì dư nợ quá thấp hoặc vì lý do gì khác? Hàng loạt gói tín dụng ưu đãi đưa ra nhưng chủ yếu vẫn là cho DN thường vay sản xuất kinh doanh, còn tiêu dùng hầu như không “khuyến khích”. Một giám đốc ngân hàng có mặt tại thị trường Quảng Nam cho hay tín dụng tiêu dùng không phải là điều mới mẻ. Đã từng có nhiều ngân hàng tham gia cho vay ở “thị trường ngách này”, nhưng đều thất bại. Lý do đơn giản là họ đã triển khai quá sớm trong lúc quan niệm vay nợ của người tiêu dùng chưa cao và thiếu cả phương tiện cũng như chi phí để thẩm định, kiểm tra, đánh giá khả năng trả nợ và thu hồi nợ.

Phát triển thị trường ngách?

Hiện trào lưu cho vay tiêu dùng và tín chấp cá nhân với lãi suất cao đang được một số ngân hàng hướng tới. Song lãi suất tổng hợp sau khi trả xong nợ đã khiến nhiều người giật mình! Khi nhu cầu của người dân tăng cao, cộng với việc trả lương cho người lao động thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng đang được đẩy mạnh, khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… là một trong những điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển thì nợ tiêu dùng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, không ít câu hỏi đã được đặt ra rằng có thể thay đổi hay đúng hơn là hạ lãi suất cho vay tiêu dùng phù hợp vì đây cũng là đối tượng cần kích cầu? Các ngân hàng cũng thừa nhận đây là điều cần thiết. Song tất cả đều có chung nhận xét là cho vay cá nhân chi phí đội lên rất nhiều. Họ lý giải việc chưa thể giảm lãi suất cho vay tiêu dùng như mong đợi, bởi dù các món vay nhỏ, tùy mục đích sử dụng nhưng  quá trình nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ, đánh giá khả năng trả nợ, giải ngân… cũng đều phải thực hiện các công đoạn như cho vay DN. Mặt khác, hiện nay nhân viên tín dụng đều phải nhận khoán hạn mức huy động hay cho vay từng tháng. Nếu không đạt định mức sẽ ảnh hưởng thu nhập. Chỉ cần cho một DN vay đã đủ hạn mức, trong khi cho hàng chục cá nhân vay, tốn nhiều thời gian chưa chắc đã đủ định mức được giao. Có phải điều này đã dẫn đến tình trạng nhân viên ngân hàng không mấy mặn mà với việc cho vay tiêu dùng, dù nhận định rằng cho vay cá nhân an toàn hơn nhiều so với tổ chức kinh tế trong bối cảnh thị trường sản xuất, kinh doanh trồi sụt, bất an như hiện tại?

Có thể nói rằng cấp tín dụng là nguồn gốc sâu xa của lợi nhuận và sự phát triển các ngân hàng. Cách tốt nhất của ngân hàng lúc này là vẫn gia nhập cuộc đua để sàng lọc, chiếm lĩnh thị trường hơn là chọn cách đứng bên lề. Đó là chưa kể, tín dụng tiêu dùng vẫn sẵn “lợi thế” ít mất vốn, lợi nhuận nhiều, không phải lo trích lập dự phòng rủi ro nhiều, thì tại sao không đưa ra những gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi giá rẻ hướng về khách hàng cá nhân, kích thích tăng trưởng tín dụng? Mô hình ngân hàng bán lẻ đang thay đổi chính từ đối tượng khách hàng. Song kích cầu tiêu dùng vẫn chưa thể khởi sắc hay gia tăng và lạm phát luôn nhấp nhổm. Sự trì trệ tín dụng loại hình này sẽ vẫn còn thử thách giới ngân hàng và mong đợi của người tiêu dùng vẫn chưa biết bao giờ… thành hiện thực!

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tiên cho vay tiêu dùng, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO