Ưu tiên đầu tư văn hóa, giáo dục

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 15/08/2014 08:25

Chế định về văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 2013 đã kế thừa những quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng được thể hiện lại một cách tổng quát, tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển văn hóa, giáo dục cũng như tạo điều kiện, phát huy các nguồn lực khác đầu tư cho văn hóa, giáo dục.

Phát triển toàn diện nền văn hóa

Trên cơ sở kế thừa 5 điều quy định về văn hóa trong Chương III Hiến pháp năm 1992 (từ Điều 30 - đến Điều 34), Hiến pháp 2013 đã tổng hợp thành Điều 60, gồm 3 khoản, quy định một cách tổng quát về chế định văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (khoản 1). Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và tiếp cận thông tin của người dân, Nhà nước và xã hội không ngừng chăm lo, phát triển văn học, nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2). Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình là cái nôi hình thành nếp sống văn hóa, Hiến pháp 2013 đã bổ sung một khoản quy định về việc Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (khoản 3).

Hiến pháp 2013 hiến định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục.  TRONG ẢNH: Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ 1,2 tỷ đồng trang bị phòng tin học Trường Tiểu học Phan Thanh (Điện Quang, Điện Bàn) trước thềm năm học mới 2014 - 2015. Ảnh: CÔNG TÚ
Hiến pháp 2013 hiến định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục. TRONG ẢNH: Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ 1,2 tỷ đồng trang bị phòng tin học Trường Tiểu học Phan Thanh (Điện Quang, Điện Bàn) trước thềm năm học mới 2014 - 2015. Ảnh: CÔNG TÚ

Ngoài ra, trong Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp 2013 khẳng định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Như vậy, chế định về văn hóa trong Hiến pháp 2013 được quy định ngắn gọn, súc tích trong một điều nhưng đã bao quát được các khía cạnh của văn hóa; thể hiện được vai trò của Nhà nước trong việc phát triển toàn diện nền văn hóa Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đến quyền của người dân trong việc hưởng thụ, tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa.

Quốc sách hàng đầu

Về giáo dục, Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền, nghĩa vụ học tập và tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài... Như vậy, chế định về giáo dục trong Hiến pháp 2013 được quy định tại Điều 39 khẳng định quyền và nghĩa vụ học tập của người dân và Điều 61 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc phát triển GD-ĐT, coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu.

Các Điều 39 và 61 đã khái quát được hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các cấp học, các loại hình nhà trường; phát triển giáo dục đồng đều giữa các vùng miền, ưu tiên những vùng ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm đến đối tượng là người khuyết tật và người nghèo. Ngoài ra, xã hội hóa giáo dục cũng ưu tiên thực hiện nhằm huy động được những nguồn lực khác trong xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Việc triển khai thi hành Hiến pháp có hai nội dung cơ bản là tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, cần nhấn mạnh đến những thay đổi cơ bản trong Hiến pháp 2013, trong đó có vấn đề quyền của công dân được học tập, được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi:Việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, bảo đảm phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng gia đình và con người Việt Nam được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, bảo đảm phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng gia đình và con người Việt Nam như sau:

1. Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

3. Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước.

4. Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác.

5. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

6. Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

7. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

8. Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.

- Hỏi:Giáo dục và đào tạo được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về giáo dục và đào tạo như sau:

1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
                                                                  (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tiên đầu tư văn hóa, giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO