Nhiều cánh rừng giữ được màu xanh là nhờ có sự vào cuộc của chính quyền và sự đóng góp từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các tổ chức nước ngoài tài trợ.
Chi tiền kịp thời
Tuy nhận số tiền khoán bảo vệ rừng (theo Nghị định 99/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ về chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng) không nhiều, nhưng 3 năm trở lại đây người dân trên địa bàn các xã vùng cao huyện Đông Giang, hay các xã có rừng phòng hộ nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung (Nam Giang) rất hài lòng về việc chi tiền kịp thời của chủ rừng và các đơn vị liên quan. Từ cuối năm 2015, khi UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư nhà máy thủy điện phải hoàn thành trách nhiệm trả nợ rừng, thì đến nay hầu như các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, hiện có 26/26 doanh nghiệp ký hợp đồng chi trả với tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng gần 296 nghìn héc ta rừng tự nhiên trên địa bàn của 70 xã thuộc 11 huyện. Trong đó, giao khoán bảo vệ rừng cho hộ, nhóm hộ với tổng diện tích hơn 234 nghìn héc ta, chủ rừng tự quản lý bảo vệ gần 48 nghìn héc ta và hơn 13 nghìn héc ta được chi trả từ nguồn các dự án bảo vệ rừng khác. Trong số hơn 64 tỷ đồng buộc phải chi trả thì đến nay Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã chi hơn 55 tỷ đồng cho người dân.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh tăng cường bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: T.H |
Về vốn phát triển rừng, từ năm 2015 đến nay Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai trồng hơn 263ha rừng phòng hộ và 597ha rừng sản xuất, chi tiền giao khoán bảo vệ rừng hơn 44 nghìn héc ta và hơn 7.000ha rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Giải ngân kịp thời nhất là vốn giao khoán rừng cho nhân dân trên địa bàn 2 huyện Nam Trà My và Phước Sơn theo Nghị quyết 30 với hơn 17.016ha (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch). Còn kế hoạch trồng rừng thay thế hơn 714ha chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng thủy điện đang sắp hoàn thành. Lường trước những khó khăn trong chủ động ứng phó với cháy rừng, đầu năm 2016, UBND tỉnh quyết định phân bổ 61 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư thiết bị máy móc phòng chống cháy rừng, nâng cao khả năng dự báo, hỗ trợ cho cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chủ rừng, các ngành và các cấp chính quyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Đồng bộ phát triển vốn rừng
Phối hợp giữ rừng vùng giáp ranh Sở NN&PTNT 2 tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vừa sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng các khu vực giáp ranh năm 2015. Theo đó, kiểm lâm TP.Đà Nẵng phối hợp với kiểm lâm tỉnh bắt giữ 6 vụ vi phạm, thu giữ 2 ô tô, hơn 4,4m3 gỗ trái phép. Hạt Kiểm lâm Đại Lộc phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang bắt giữ 5 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng gần 3m3 gỗ. Hạt Kiểm lâm Đông Giang phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà Núi Chúa lập biên bản 2 vụ lấn chiếm đất rừng đặc dụng tại khoảnh 5, tiểu khu 54 (xã Hòa Phú, Hòa Vang)... Sắp đến, lực lượng kiểm lâm 2 địa phương sẽ tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư; trao đổi thông tin qua lại để kịp thời ngăn chặn, truy quét các hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép... |
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà, để bảo vệ rừng dài lâu, cần phải sâu sát giao rừng trên thực địa. Riêng giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, phải khẩn trương điều chỉnh, tháo gỡ ngay bất hợp lý giao theo lãnh thổ, tạo điều kiện để người dân giữ rừng gần nơi mình sinh sống. Còn ngành nông nghiệp tỉnh tập trung kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, cho thuê diện tích rừng để trồng sâm Ngọc Linh; bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm với mục đích bảo vệ nghiêm ngặt cánh rừng nguyên sinh. Thêm vào đó, đôn đốc các địa phương hoàn thành cắm mốc ranh giới các loại rừng phòng hộ, đặc dụng và phương án giao rừng tự nhiên hiện do xã quản lý cho cộng đồng bảo vệ và hưởng lợi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trước mắt, triển khai đề án hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô; quy hoạch vùng phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh và dự án trồng rừng bền vững KfW10...
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, nhờ phân bổ vốn kịp thời nên ngành chủ động phương án, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Thời gian qua, các ngành chức năng, đơn vị liên quan đã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần cụ thể hóa chủ trương giảm nghèo; xã hội hóa nghề rừng và huy động các nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ngân sách nhà nước, còn có các tổ chức nước ngoài đầu tư phát triển rừng, trong đó có các dự án hành lang đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông, dự án dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học, dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng Quảng Nam.
TRẦN HỮU