Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt là giúp các xã thực hiện chương trình nông thôn mới hoàn thành tiêu chí số 3 về thủy lợi.
Hằng năm, nông dân huyện Quế Sơn sản xuất khoảng 6.730ha lúa, 420ha bắp, 1.080ha đậu phụng, 266ha khoai lang, 65ha mè và 450ha rau màu các loại khác. Với đặc thù là huyện trung du, những năm qua Quế Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nước tưới cho cây trồng, nhất là trong vụ hè thu.
Mấy năm gần đây ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm từng bước giải quyết “bài toán khó” về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Thanh Quốc - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện đầu tư 7,8 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi; trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 1,7 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 485 triệu đồng, các nguồn vốn khác 520 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên, Quế Sơn kiên cố hóa 5 tuyến kênh mương ở các xã Quế Phong, Quế Minh, Quế Phú, Quế Thuận và thị trấn Đông Phú.
Đồng thời, xây dựng trạm bơm điện Xuân Thượng tại xã Quế Châu và công trình tưới nhỏ giọt ở xã Quế Xuân 2. “Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa nêu giúp các địa phương có thêm gần 100ha đất sản xuất nông nghiệp chủ động nguồn nước tưới” - ông Quốc nói.
Theo ngành nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 03 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2022 ngân sách tỉnh phân bổ 35 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương triển khai chương trình này.
Theo số liệu tổng hợp, năm qua toàn tỉnh xây mới, nâng cấp, sửa chữa 26 công trình thủy lợi nhỏ (gồm 5 công trình thủy lợi hóa đất màu và 21 công trình trạm bơm, đập dâng...) phục vụ nước tưới cho hơn 402ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 41,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh cần hỗ trợ theo cơ chế của Nghị quyết số 03 hơn 33,8 tỷ đồng, năm 2022 đã phân bổ hơn 17,5 tỷ đồng.
Về thủy lợi nội đồng, năm 2022 cả tỉnh kiên cố hóa 39 tuyến kênh mương loại 3 (tổng chiều dài 30,6km), phục vụ nước tưới cho hơn 897ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 40,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh cần hỗ trợ theo cơ chế của Nghị quyết số 03 là 30,7 tỷ đồng, năm 2022 đã phân bổ hơn 17,2 tỷ đồng.
Còn đối với việc xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thì năm qua các địa phương đầu tư 3 công trình với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh cần hỗ trợ là 382 triệu đồng, năm 2022 đã phân bổ 230 triệu đồng.
Ngoài ra, bằng nguồn vốn từ các chương trình như nông thôn mới, hỗ trợ đất lúa và ngân sách của cấp huyện, xã... trong năm 2022 các địa phương còn đầu tư xây dựng 1 công trình thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa 25 tuyến kênh mương loại 3 với kinh phí gần 14,8 tỷ đồng.