Tuần qua, học sinh các cấp bắt đầu rục rịch đến trường để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Và cũng như lệ thường, nhiều nỗi lo bắt đầu xới lên.
Một giáo viên miền núi nói rằng, anh tiếc nuối khi bước vào năm học lại nghe tin dừng chương trình sữa cho bọn trẻ. Hai mươi năm ở núi, anh thấu hiểu học sinh của mình thừa sự thiếu thốn đến cỡ nào, nên cứ có thêm chút ít gì cho ăn, mặc, sách vở cho học trò anh đều quý như vàng.
Chuyện sữa anh nói thuộc chương trình sữa học đường dành cho học sinh miền núi của Quảng Nam. Ngày 21/8, UBND tỉnh đã thống nhất trình HĐND tỉnh bãi bỏ, dừng thực hiện Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh.
Đây là Nghị quyết về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026. Dù được đánh giá là chương trình nhân văn nhưng cứ loay hoay trong thực hiện; đến năm học này thì dừng hẳn vì nhiều lý do liên quan tới cơ chế tài chính.
Trong khi chờ một dự thảo đề án mới để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới, câu hỏi đặt ra: liệu đề án mới có thoát vòng luẩn quẩn đấu thầu và nhiều quy định tài chính khác, như một nghị quyết tương tự trước đó về sữa học đường mà Báo Quảng Nam đã nhiều lần phản ánh? Liệu các cơ quan hữu quan có tận lực, đôn đáo trong thực hiện để trẻ em miền núi thêm chút dinh dưỡng, cải thiện thể chất một cách sớm nhất?
Sữa không có để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Thêm nữa, học trò ở các xã thoát tiêu chí đặc biệt khó khăn hay xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ bị cắt chế độ bán trú (theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Xem ra, với trẻ miền núi chỉ nói riêng chuyện thể chất thôi, đã là nan giải.
Nhân nói chuyện thể chất, thử nhìn ở góc độ quy cách bàn ghế học sinh cũng sẽ thấy chưa được tính toán đầy đủ từ cái nhỏ nhất. Thể trạng học sinh bây giờ đã khác đi nhiều, trung bình chiều cao đã vượt trội so với 30 năm về trước. Nhưng bàn học ở các trường đều một loại quy cách như nhau ở từng cấp. Ví như lớp 6 cũng ngồi bàn đó và lớp 9 cũng ngồi bàn đó. Nhiều trẻ sinh tật khòm lưng cũng vì ngồi bàn học quá thấp.
Chuyên đề “Năm học mới, nỗi lo cũ” trên số Cuối tuần này như góp thêm mảng miếng trong bức tranh giáo dục bộn bề khó khăn. Đây là những mảnh ghép dễ thấy nhưng khó khắc phục vì năm nào cũng lặp lại trong khi việc giải tỏa âu lo thì nhích từng chút một.
Mấy ngày qua, mạng xã hội ầm ào về đề thi môn triết, tú tài 2 năm 1965. Nội dung khá ngắn gọn gồm phần trả lời vắn tắt 10 câu hỏi và phần bài luận chọn 1 trong 3 câu đề. Nhiều người khen đề hay và như thói quen, đem so sánh với đề thi hiện nay để bày tỏ lo ngại về bức tranh giáo dục đương thời.
Tôi không bàn về hay - dở vì giáo dục trước và sau năm 1975 là hoàn toàn khác nhau nên thế hệ học sinh được tạo ra cũng khác nhau. Với tôi đó là đề thi thuần túy khoa học và đúng với tôn chỉ nhân bản - dân tộc - khai phóng của giáo dục. Và một điều chắc chắn rằng, với đề thi đó thì học sinh phải đọc nhiều sách và giáo viên không thể lười đọc. Đây mới là điều đáng suy ngẫm hiện nay: thói quen đọc sách.
Theo thống kê trên một tờ báo: ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác; 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm.
Tôi chuyển những con số này và đề thi cho bạn là giáo viên cấp 3. Bạn chỉ nói gọn hơ: “Những âu lo ấy không chỉ của riêng ai, và đều có tên gọi trước mỗi mùa tựu trường”.