Ưu tư từ ngành văn hóa

LÊ QUÂN 28/11/2016 08:54

Cuối tuần qua, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở VH-TT&DL. Riêng trên lĩnh vực văn hóa, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận, từ chuyện tính nguồn đâu để duy trì các loại hình văn hóa truyền thống ở miền núi, cải thiện hạ tầng du lịch vùng cao, đến xem xét hỗ trợ sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, lộ trình hoạt động của Trung tâm VH-TT cấp xã…

Năm 2016, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã ghi lại dấu ấn khá sâu đậm. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với hơn 80 buổi diễn, chương trình văn nghệ quần chúng… mang đến không khí tươi vui cho người dân cả tỉnh. Công tác sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa đã thu hút sự tham gia của cộng đồng khi tổ chức được các đợt hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh; Ban quản lý Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tổ chức sưu tầm được 234 hiện vật của 50 Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Cùng với đó, Sở VH-TT&DL tổ chức tốt các hoạt động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cũng như các phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh mang về doanh thu du lịch ước đạt 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn khá nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của ngành này. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa đồng đều, việc bố trí đất xây dựng thiết chế văn hóa ở vùng núi vẫn còn rất khó khăn. Cùng với đó, khi đề án “Xây dựng và phát triển Trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn giai đoạn 2015 - 2015” được phê duyệt, chỉ mới có kinh phí đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, đại diện Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã đến tận cơ sở, các trung tâm VH-TT của một số xã xây dựng nông thôn mới, dù đã được hưởng cơ chế hỗ trợ thì các hoạt động vẫn còn rất mờ nhạt”. Theo đó, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở VH-TT&DL phối hợp với các địa phương chọn ưu tiên đầu tư cho những xã thực sự bức thiết, cùng với đó căn cứ theo lộ trình xây dựng nông thôn mới để tiếp tục đầu tư.

Đối với việc sau khi dừng đề án “Hỗ trợ sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học nghiên cứu về văn hóa Quảng Nam”, câu chuyện làm thế nào để hình ảnh đất và người Quảng Nam được thể hiện trong văn chương nghệ thuật, theo các đại biểu, có nhiều cách để thu hút các nhân tố mới chứ không riêng gì cách phải tái bản những tác phẩm cũ. Thông qua các trại sáng tác cũng là cách để quảng bá về văn hóa Quảng Nam… Đặc biệt, tại cuộc họp, câu chuyện du lịch văn hóa miền núi được mang ra mổ xẻ khá kỹ càng. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, sở dĩ nhiều dự án du lịch, đặc biệt là câu chuyện phát triển du lịch miền núi còn kém vì còn lấn cấn ở vấn đề hạ tầng và nhân lực. “Quảng bá xúc tiến du lịch còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề liên quan, trong đó đặc biệt là câu chuyện hạ tầng. Nhiều điểm du lịch chưa có nhà vệ sinh công cộng, hầu hết điểm có nhà vệ sinh công cộng thì chưa đạt chuẩn, kể cả ở Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn. Cùng với đó, nhân lực làm việc trong ngành du lịch cũng là điều đáng bàn. Các dự án du lịch chậm thực hiện hoặc có khi dừng hẳn vì thiếu kinh phí” - ông Tịnh nói.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tư từ ngành văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO