Ủy ban MTTQ huyện Đại Lộc: Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội

HOÀNG LIÊN 18/06/2014 09:28

Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) ra đời đã tạo cơ sở, tiền đề nâng cao vai trò, vị thế của mặt trận trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ông Mai Đình Bản - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc cho hay, Quyết định 217 quy định “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218 “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” đã tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động của mặt trận các cấp. Đó là cơ sở, tiền đề phát huy vai trò, vị trí của mặt trận trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Còn trên thực tế, Mặt trận huyện đã “đi trước một bước” trong vai trò giám sát và phản biện xã hội thông qua việc phát động, tổ chức “Diễn đàn nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền” rộng khắp trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Diễn đàn ra đời dựa trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong năm 2013, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn Đại Lộc tổ chức ít nhất 2 diễn đàn tại 2 thôn, khu phố và khâu tổ chức diễn đàn được tổ chức quay vòng giữa các thôn, khu phố đảm bảo mô hình lan tỏa trong dân.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của mặt trận trong chương trình xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết. Ảnh: H.L
Phát huy vai trò giám sát, phản biện của mặt trận trong chương trình xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết. Ảnh: H.L

Ông Mai Đình Bản cho biết thêm, từ đầu năm 2014 tới nay, trên địa bàn huyện đã có 6 xã tổ chức diễn đàn dưới sự chủ trì của Mặt trận huyện. Dịp này, lãnh đạo các xã/thị trấn, ban dân chính thôn/khu phố trực tiếp đối thoại với dân. Tại mỗi diễn đàn, Ban dân chính thôn/khu phố phải có bản báo cáo trước dân về một số chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền, cụ thể như tình hình triển khai chương trình nông thôn mới; việc phát động xây dựng các chương trình, hạng mục văn hóa thôn; việc giải quyết chế độ chính sách cho người nghèo và người có công; khâu bình xét hộ nghèo… Qua đó, nhân dân có dịp đóng góp, nhận xét, đánh giá mặt được và chưa được của chính quyền. Chính quyền xã/thị trấn trực tiếp giải đáp vướng mắc cho dân, đồng thời giải thích cho dân được rõ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các địa phương như: Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Tân… là những xã làm tốt diễn đàn này. “Qua các diễn đàn, có thể nhận thấy nhân dân góp ý hết sức thẳng thắn, phát huy vai trò tiếng nói của mình trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Diễn đàn đã gắn kết người dân, chính quyền địa phương và tổ chức mặt trận lại gần nhau hơn. Và việc nâng cao hơn nữa chất lượng diễn đàn để mô hình đi vào chiều sâu là điều mà Mặt trận huyện đang hướng tới” - ông Bản chia sẻ.

Ngoài ra, Mặt trận huyện cũng đã phát huy vai trò giám sát đối với một số vấn đề bức thiết trong dân. Cụ thể như giám sát việc xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn; xây dựng các hạng mục thiết chế văn hóa thôn... Mục tiêu giám sát là xem xét các địa phương, tổ chức xây dựng có kế hoạch đưa ra và được dân đồng tình hay không, kinh phí đóng góp chi cho những hạng mục nào, có biên bản giám sát giữa mặt trận - ban chỉ huy công trình - ban dân chính khu dân cư, công bố trước dân để bà con yên tâm. Chủ trương là ưu tiên giám sát đột xuất tại những địa bàn nổi lên vấn đề cấp bách, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong năm 2014, Mặt trận huyện dự kiến xây dựng “Diễn đàn nhân dân tham gia góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức huyện”. Mục tiêu diễn đàn kịp thời chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ công chức thiếu sự quan tâm, sâu sát, thiếu nhiệt huyết với dân.

Sắp tới đây, việc tuyên truyền, phổ biến Quyết định 217 và 218 sẽ được triển khai sâu rộng đối với các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Mặt trận huyện sẽ xây dựng kế hoạch, phương án hành động cụ thể, thiết thực và tiếp tục triển khai sâu rộng các mô hình diễn đàn giàu ý nghĩa, thiết thực trong dân. Tuy nhiên, theo ông Mai Đình Bản, để “cụ thể hóa” 2 quyết định này, rất cần cơ chế tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ từ cấp trên đảm bảo cho mặt trận hoạt động. Hơn nữa, để đáp ứng được những mục tiêu, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức mặt trận là nhiệm vụ cấp thiết. Bởi chỉ có những cán bộ có uy tín, có năng lực thực sự thì mới có thể gánh vác trọng trách giám sát, phản biện. Bản thân mỗi cán bộ mặt trận phải không ngừng học hỏi, đổi mới tư duy, am hiểu sâu sắc về nhiều ngành, lĩnh vực, nắm vững nhiều chủ trương, chính sách của Đảng… thì mới có thể phát huy được vai trò giám sát và phản biện của mình. Quan trọng hơn, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa mặt trận và các cấp ngành, các địa phương.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ủy ban MTTQ huyện Đại Lộc: Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO