(QNO) - Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện hiệu quả kênh dẫn vốn đến các hộ nghèo, hộ chính sách để nguồn tín dụng phát triển bền vững.
Cầu nối hữu hiệu
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên là 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, đưa vốn tín dụng đến hộ nghèo, hộ chính sách. Đến ngày ngày 31.8.2020, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đạt 5.009 tỷ đồng với 130.253 hộ vay còn dư nợ, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,12%, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ là 0,04%.
Theo ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, chất lượng tín dụng CSXH đạt được như trên là nhờ ngân hàng đã cùng các hội, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt các nội dung ủy thác cho vay từ công tác tuyên truyền vận động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH, thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV), thu lãi, thu tiết kiệm đến kiểm tra, giám sát, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ rủi ro. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát các nội dung ủy thác theo từng cấp được thực hiện ngay từ đầu năm, theo các kế hoạch cụ thể, khắc phục ngay những tồn tại khi mới phát sinh. “Mấu chốt trong ủy thác vốn CSXH là hoạt động của các tổ TK&VV. Để nâng cao chất lượng vốn CSXH, thông qua mạng xã hội, các hình thức trao đổi thông tin khác, chúng tôi thường xuyên liên lạc với các tổ TK&VV, phát huy các mặt tốt, giải quyết ngay các vướng mắc” - ông Dinh nói.
Tổng dư nợ ủy thác đến ngày 31.8.2020 đạt 5.005 tỷ đồng với 19 chương trình tín dụng (chiếm tỷ trọng 99,8% tổng dư nợ với 130.103 hộ vay, 3.508 tổ TK&VV), đạt mức tăng trưởng dư nợ bình quân 9,4%/năm. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân chiếm 32,2%, Hội Phụ nữ chiếm 41,23%, Hội Cựu chiến binh chiếm 13,7%, Đoàn Thanh niên chiếm 12,8%. Nợ quá hạn theo phương thức ủy thác gần 2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,04% dư nợ ủy thác. Chất lượng hoạt động của 3.508 tổ TK&VV được đánh giá có 96,32% tổ xếp loại tốt, 3,45% tổ xếp loại khá, chỉ có 0,23% tổ trung bình và không có tổ xếp loại yếu. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, thông qua phương thức ủy thác, tín dụng CSXH đến với người vay kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. “Từ nguồn vốn CSXH, các hội, đoàn thể đã xây dựng và nhân rộng các mô hình hộ nghèo sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng” - ông Lam nói.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn triển khai công tác ủy thác giữa Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam với các tổ chức chính trị - xã hội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn là nhân tố quyết định sự thành công của phương thức cho vay ủy thác. Thứ hai là làm tốt công tác tuyên truyền để chính quyền các cấp, người dân thông hiểu về chính sách tín dụng ưu đãi và phương thức cho vay, nhằm đưa chính sách tín dụng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Thứ ba là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát để phát huy hiệu quả ủy thác cho vay và đảm bảo an toàn đồng vốn. Cùng với đó là thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV, làm tốt những nội dung công việc được ủy nhiệm, góp phần đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy giá trị trong thực tiễn.
Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đề xuất Ngân hàng CSXH Việt Nam tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo, chương trình tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn khi Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ hết thời hạn vào ngày 31.12.2020. Đồng thời, nâng mức cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cũng như mở rộng đối tượng cho vay xuất khẩu lao động đối với thành viên của hộ mới thoát nghèo. Ngân hàng CSXH xem xét cấp bổ sung ngân sách Nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội đến Quỹ quốc gia về việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Đặc biệt, hằng năm bố trí nguồn vốn kịp thời để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo kế hoạch và định hướng chiến lược phát triển tín dụng CSXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, hoạt động ủy thác cho vay của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam thông qua các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng CSXH phát triển ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vay vốn để được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi, tiếp cận tốt đa dạng dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp.