Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: "Nắm bắt cơ hội để phát triển nhanh và bền vững"

NGUYỄN ĐOAN (thực hiện) 05/02/2019 02:05

Đón mừng xuân Kỷ Hợi 2019, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc chia sẻ thẳng thắn về những cơ hội, thách thức và quyết tâm bứt phá, đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường (bên phải) tìm hiểu đời sống người dân vùng cao. Ảnh: Vinh Anh
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường (bên phải) tìm hiểu đời sống người dân vùng cao. Ảnh: Vinh Anh

PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, với những thành quả đạt được trong  năm 2018 và sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, có thể nói, Quảng Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển. Theo đồng chí, cần làm gì để biến cơ hội thành hiện thực, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành; trong khi chúng ta đang đối diện với không ít thách thức lớn về quy hoạch, bồi thường, thu hồi đất và tái định cư?

BÍ THƯ TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: Năm 2018, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế năm 2017 không đạt kế hoạch (5,06%), thu ngân sách đạt thấp, vừa  phải tập trung khắc phục những sai phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng...; tuy nhiên, toàn đảng bộ đã đoàn kết, nhất trí, bình tĩnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ chính trị tinh gọn và hiệu quả. Những nỗ lực ấy đã được thể hiện trong thực tiễn: các chỉ tiêu quan trọng năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch (8,11%) và quy mô kinh tế của Quảng Nam hiện cao nhất trong các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng cao và vượt dự toán năm; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng, cao hơn mức bình quân cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, môi trường, chăm lo cho người nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện...

…mọi khó khăn, thách thức đặt ra sẽ là động lực để toàn tỉnh thêm quyết tâm, đồng lòng, tranh thủ tốt thời cơ, nắm bắt được các cơ hội để đưa Quảng Nam phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường

Bước vào năm 2019, Quảng Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức phải vượt qua, đó là: chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; tỷ lệ lao động trong nông - lâm - thủy sản còn cao, năng suất lao động quá thấp; tỷ lệ nghèo (7,57%), cao hơn mức bình quân cả nước (5,35%); đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, miền núi còn khó khăn; những vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh còn tiềm ẩn những thách thức khó lường...

Nhưng theo tôi, mọi khó khăn, thách thức đặt ra sẽ là động lực để toàn tỉnh thêm quyết tâm, đồng lòng, tranh thủ tốt thời cơ, nắm bắt được các cơ hội để đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững. Để biến các cơ hội phát triển thành hiện thực, Quảng Nam sẽ tiến hành điều chỉnh mục tiêu quy hoạch, đảm bảo xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, trở thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở này, Quảng Nam ưu tiên triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời tổ chức quy hoạch sử dụng đất và phân khu trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021, nhất là các phân khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai gắn với các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam của tỉnh, làm cơ sở xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhanh chóng triển khai. Đặc biệt là tạo điều kiện để nhà đầu tư chiến lược Thaco tiếp tục đầu tư, phát triển vươn lên trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành ở các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục tập trung phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt, cũng như đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án, đề án trọng điểm của tỉnh; tăng cường quản lý hiện trạng, chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

PV: Hiện Quảng Nam đã là nền kinh tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; GRDP đứng đầu trong các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, áp lực giảm nghèo khá lớn đối với các huyện trung du, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thưa đồng chí, công tác giảm nghèo được xác định như thế nào và đâu là những giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới?

BÍ THƯ TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Nhiệm vụ này càng trở thành quyết tâm chính trị mạnh mẽ của toàn tỉnh khi Quảng Nam đã có điều tiết ngân sách về Trung ương. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững. Cùng với chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, tác động tích cực vào “cuộc cách mạng” giảm nghèo trên địa bàn. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,57% (giảm được 6.575 hộ nghèo), vượt mục tiêu tỉnh đề ra.

Từ kết quả phân loại hộ nghèo, cuối năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ cải thiện mức sống cho hộ nghèo thuộc diện đang hưởng chính sách người có công cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là cơ chế hết sức nhân văn, có tính bứt phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian tới. Muốn giảm nghèo bền vững, hộ nghèo phải được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn cách làm ăn, qua đó tạo thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo, có cơ hội phấn đấu làm giàu. Theo đó, phải kịp thời khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận nhân dân; tiếp tục đề ra những biện pháp hữu hiệu trong việc chống tái nghèo. Có như vậy công tác giảm nghèo bền vững mới thành công.

Ngoài ra, Quảng Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã đề ra; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thương cho khu vực miền núi, vùng xa - nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đi liền với đó, tỉnh cũng hết sức chú trọng đáp ứng đủ nguồn vốn ngân sách cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XXI), tập trung triển khai các đề án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển du lịch miền núi; đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng, năm 2019 và những năm tiếp theo, Quảng Nam sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh, tích cực hơn về công tác giảm nghèo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Quyết liệt tinh gọn bộ máy
PV: Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương. Nhiệm vụ này đặt ra với năm 2019 như thế nào, thưa đồng chí?
BÍ THƯ TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cho thấy cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc rất quyết liệt, đạt được những kết quả bước đầu. Tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương tùy vào điều kiện thực tế mà chủ động thực hiện. Về cơ bản, đến nay các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Năm 2019, phát huy những kết quả bước đầu đạt được, các đơn vị, địa phương cần bám sát Kế hoạch số 139 và Chương trình số 15 của Tỉnh ủy, Kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo 809 và các kế hoạch của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Nhất là phải nhanh chóng khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra, tạo động lực, sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình thực hiện, chú trọng tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức sau khi được sắp xếp, gắn với tinh giản biên chế.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các đề án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; sắp xếp nhanh gọn các thôn, khối phố; tổ chức thực hiện một số mô hình thí điểm theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 7.8.2018 của Bộ Chính trị; trong đó, thực hiện thí điểm chủ trương kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền ở các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện. Đặc biệt, phải hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn đầu mối gắn với đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và cấp huyện. Các cơ quan khối nhà nước cũng phải tập trung thực hiện quyết liệt ngay sau khi có quy định của Chính phủ về tổ chức, bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện. Phấn đấu cuối năm 2019, hoàn thành Đề án sắp xếp huyện, xã chưa đạt 50% tiêu chí về diện tích và dân số theo tinh thần Kết luận 37-KL/TU ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
HÀN GIANG (ghi)

NGUYỄN ĐOAN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: "Nắm bắt cơ hội để phát triển nhanh và bền vững"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO