Câu hát dân ca Trước Lam Thủy sau Hồng Sơn/ Nhà ai hay hát hay đờn là anh, dẫn đường cho chúng tôi hành hương về làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân vào một ngày đầu xuân còn ngập đầy gió lạnh. Khu đền thờ Nguyễn Công Trứ từ đâu hơn 150 năm trước đã được xây dựng mới hoàn toàn, khó mà tìm ra được những dấu vết xưa như lần đầu chúng tôi có dịp viếng thăm.
Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ. |
Nói đến Uy Viễn tướng công - Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), hẳn chúng ta không mấy ai không biết ít nhiều về thân thế và sự nghiệp của một danh nhân kiệt xuất văn võ song toàn, đa tài mưu lược. Ông tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, người làng Uy Viễn (còn có tên là Lam Thủy) xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Tên tuổi của ông đã được các sử gia triều Nguyễn liệt vào hàng Lịch đại danh thần. Ngoài tài ba về quân sự - chính trị - kinh tế, sự nghiệp văn chương của ông cũng danh tiếng lỗi lạc. Ngày Uy Viễn tướng công mất, vua Tự Đức đã phúng viếng hai câu đối:
Tam triều chấn hữu thanh, tả hữu nghi văn nghi võ;
Mệnh tròn bát thập, tử sinh danh tiếng danh thần.
Tạm dịch: Tiếng tăm nổi ba triều (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), tả hữu tài văn tài võ;
Mệnh tròn tám chục, tử sinh danh tiếng danh thần.
Trong tất cả huyền thoại về Nguyễn Công Trứ, tôi thuộc nằm lòng câu chuyện này, nó như một tiếng ngân vang, réo gọi con người khi vận mệnh đất nước lâm nguy. Đấy là vào năm 1858, năm mà tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân phương Tây nổ rền trước cửa biển Đà Nẵng. Năm tháng đó Uy Viễn tướng công đã về hưu, cất mấy gian nhà tranh dưới chân núi Lư Sơn. Thơ Nguyễn Công Trứ in đậm dấu chân nghệ sĩ tài hoa rõ nét nhất vào những tháng ngày này: Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng/ Kìa núi nọ phau phau mây trắng/ Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi/ Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng/ Được mất dương dương người tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong/ Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không tiên, không vướng tục... (Ngất ngưởng). Tháng ngày du nhàn ấy tuổi hạc Uy Viễn đã tám mươi rồi. Những tưởng một cuộc đời dằng dặc vào sanh ra tử dẹp giặc giã khắp nơi, từng dinh điền sứ mở mang khai hoang đất cho dân, mà cụ thể là hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, từng khanh tướng ở vị thế quan đầu triều cho đến bị giáng chức xuống làm anh lính thú. Thanh gươm yên ngựa bấy nhiêu cũng đủ tròn vai “Nước non hỡi nước non này”. Nhưng không, cái phẩm chất người hùng trong con người nghệ sĩ kia bừng trỗi dậy quên tuổi tác, khi nghe tiếng súng xâm lăng nổ ở cửa Hàn của xứ Quảng, Uy Viễn tướng công lại hăm hở dâng sớ lên vua nhà Nguyễn xin được ra trận dẹp giặc. Làm được như ông ngày nay được bao người! Vậy nên những câu đối các vua Nguyễn ban thưởng cho Nguyễn Công Trứ nào phải đâu là sự thêu dệt hoang đường: Sinh vi lưỡng tướng, tử vi thần/ Công tại quận triều, danh tại sử (Khi sống làm tướng văn tướng võ, lúc chết là thần thánh/ Công lao thì ở triều đình, còn danh tiếng thì ghi trong sử sách).
Nhưng nào phải đâu đến khi đỗ đạt ra làm quan, Nguyễn Công Trứ mới tỏ rõ cái chí cả: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông, mà lý tưởng nhập thế xây dựng công danh sự nghiệp an dân, giúp đời với ông đã nuôi dưỡng tự buổi còn thiếu thời. Rõ nhất là được thể hiện qua việc ông dâng kế sách “Thái bình thập sách” (Mười kế sách để xây dựng đất nước thái bình) lên vua Gia Long nhân chuyến nhà vua tuần du ra Bắc. Cho mãi đến năm 42 tuổi Nguyễn Công Trứ mới đậu Giải nguyên, kể từ đó ông mới bước vào chốn quan trường. Trải qua nhiều chức vụ: Tri huyện, Lang trung, Tư nghiệp Quốc tử giám, Tổng đốc, Thị lang, Thượng thư... vai trò nào Nguyễn Công Trứ cũng hết lòng vì nước vì dân. Rời làng quê Uy Viễn ra đi, ông là một hàn nho, một kẻ sĩ nghèo. Xong việc nước non trở về, ông an nhàn một cõi thanh bần ví mình như đóa sen tinh khiết: Ai ơi nghĩ thử trong mình với/ Thật giống sen thì chẳng lấm bùn.
Năm 1858, Uy Viễn tướng công dâng sớ lên nhà vua xin được ra trận, nhưng tuổi cao sức yếu triều đình không cho phép; trở lại quê nhà chẳng bao lâu thì ông mất. Khu đền thờ Nguyễn Công Trứ được vua nhà Nguyễn cho xây dựng ngay tại quê hương ông ở làng Uy Viễn vào năm 1861. Tại các huyện Kim Sơn và Tiền Hải, nơi vùng đất mới Nguyễn Công Trứ làm Dinh điền sứ tổ chức mở đất khai hoang, nhớ ơn ông người dân nơi đây cũng xây dựng đền thờ, hàng năm vào các ngày húy kỵ dân các nơi ở hai huyện đều tổ chức lễ bái vọng. Vậy là Uy Viễn tướng công đã đi hết một cuộc đời những 80 năm, trả xong nợ sách đèn, xong nợ trung hiếu, nợ kiếm cung “Chí làm trai nam bắc đông tây”, và đã về tới cái đích: Tin xuân đã có cành mai đó/ Chẳng lịch song mà cũng biết giêng. Cứ thế theo tin xuân, Uy Viễn một mạch đi thẳng vào tháng giêng vĩnh cửu.
Ngồi trên bậu cửa ngôi nhà thờ nhìn ra khói mây mỏng mảnh giăng mờ mấy trụ biểu cao lêu nghêu ngoài đầu ngõ, quan sát cái thế giới tịch nhiên ấy tôi chợt ngộ ra chỉ còn những ngọn cổ phong thổi qua khu di tích như có tiếng người xưa vọng về: Còn ai, ai tỉnh, ai mê/ Những ai thiên cổ đi về những đâu. Hóa ra, người mang chí cả như Uy Viễn tướng công lại là kẻ đa tình ghê gớm. Trong bát ngát thanh âm thế giới thơ hát nói của ông: Cấy hát, gặt hát, thuyền bè lên nguồn xuống bể hát... Hễ nơi đâu tiếng hát í ới ngân dài là tôi lại hình dung có bóng Uy Viễn trong khói mây giăng giăng ấy hiện về. Hát cho đổ quán xiêu đình/ Cho long lanh nước cho rung rinh trời. Vâng, hát đến như thế thì Nguyễn Công Trứ chả là ông hoàng như xưa nay từng xưng tụng thì còn những ai? Và để đắp nên những ngọn thi sơn huyền thoại ấy, chắc rằng trái tim lãng mạn đa tình của Uy Viễn tướng công sẽ không thể vắng bóng tình yêu. Một món nợ mà người đời sau đã dệt nên bao giai thoại vây quanh cuộc đời Uy Viễn Nguyễn Công Trứ, mà câu chuyện Giang sơn một gánh giữa đồng với cô hát ả đào Huệ Thư, Nguyễn Công Trứ cưới làm nàng hầu năm ông 73 tuổi (ngũ thập niên tiền nhị thập tam), là ánh trăng lung linh hư ảo trên dòng Lam Thủy, đã hơn trăm năm rồi còn dọi chiếu mãi quang ba!
NGUYỄN NHÃ TIÊN