Mùa giải V-League 2024-2025 đang đi vào giai đoạn cuối. Các cuộc đua tranh, đặc biệt là ở nhóm cuối bảng đầy nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ khó lường trong những “quan hệ ngoại giao” giữa các đội bóng.
Tâm điểm của vòng 19 V-League cuối tuần qua chính là sự cố trên sân Pleiku liên quan đến hai lãnh đạo của CLB Hoàng Anh Gia Lai là Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh và Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành.
Trong trận đấu này, Hoàng Anh Gia Lai để thua 0-1 trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Hai vị lãnh đạo của đội bóng phố núi tự ý xông vào phòng của trọng tài để phản ứng một tình huống bắt lỗi cầu thủ bên phía đội chủ nhà, dẫn đến không công nhận bàn thắng.
Hậu quả sau màn “đối chất” không mong muốn đó là án phạt nặng của Ban kỷ luật VFF dành cho hai ông.
Cho rằng với hành vi lăng mạ, xúc phạm trọng tài, gây ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu, Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành bị đình chỉ làm nhiệm vụ 4 trận và tiền phạt 20 triệu đồng; còn Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh chịu mức án 3 trận cùng 15 triệu đồng tiền phạt. Đây là mức án nặng nhất đối với lãnh đạo và huấn luyện viên (HLV) đội bóng kể từ đầu mùa giải đến nay.
Không phải phản ứng nào của HLV và lãnh đạo đội bóng cũng sai. Có những phản ứng và sau đó khiếu nại đã được ban tổ chức giải ghi nhận và “sửa sai” như vụ CLB Đông Á Thanh Hóa khiếu nại trọng tài Lê Vũ Linh trong trận làm khách TP.Hồ Chí Minh hay Becamex Bình Dương khiếu nại trọng tài Nguyễn Văn Phúc và tổ trọng tài VAR ở giải Cúp quốc gia (các trọng tài này sau đó bị kỷ luật).
Nhưng có thể thấy phần lớn những khiếu nại không được ghi nhận, thậm chí phản ứng của các cá nhân bị phạt khá nặng (đình chỉ làm nhiệm vụ và phạt tiền) như trường hợp HLV Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam, Lê Đức Tuấn của SHB Đà Nẵng hay cựu HLV của Đông Á Thanh Hóa là ông Popop.
HLV Bùi Đoàn Quang Huy của Quy Nhơn Bình Định cho rằng, V-League là giải đấu hấp dẫn, các đội luôn thi đấu quyết tâm. “Vì vậy, cần hạn chế những vấn đề không đáng có, cần sự công bằng, minh bạch, đem lại niềm vui cho khán giả. Nếu có quyết định không công bằng nào đó sẽ ảnh hưởng thứ hạng các đội”, ông Huy “bóng gió” sau chiến thắng Quảng Nam ở vòng đấu 18 tại Tam Kỳ.
Không phải ngẫu nhiên mà các HLV đồng loạt đề cập đến câu chuyện công bằng trong bức tranh V-League khi mùa giải đang bước vào giai đoạn sắp sửa hạ màn.
Bởi lẽ, đây là thời điểm rất dễ xuất hiện nguy cơ mang nhiều yếu tố nhạy cảm, nhất là cuộc đua trụ hạng và đua vô địch. Để phòng tránh nguy cơ đó, Ban tổ chức giải đã mời trọng tài ngoại làm nhiệm vụ một số trận đấu được dự báo căng thẳng, như ở vòng đấu thứ 19 là trận Sông Lam Nghệ An gặp Quảng Nam và Đông Á Thanh Hóa đón tiếp Thể Công Viettel.
Đã có những phản ứng quyết liệt, thậm chí bức xúc có phần thái quá đến từ các cầu thủ, ban huấn luyện và lãnh đạo đội bóng trong thời gian qua trước một số quyết định của trọng tài.
V-League còn 7 vòng đấu nữa và cần hết sức “cẩn thận củi lửa” bởi cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ còn quyết liệt hơn khi khoảng cách giữa các đội đua chức vô địch và các đội ở nhóm đua trụ hạng đang dần thu hẹp.
Mùa giải năm nay, VAR gần như rải hết các trận đấu, góp phần mang lại sự công bằng, chính xác, nhất là với những tình huống nhạy cảm, song thực tế các cuộc tranh cãi vẫn xảy ra, kể cả các tình huống VAR can thiệp.
Để hạn chế những hình ảnh không đẹp trên sân, rất cần những “cái đầu lạnh” của các cá nhân làm nhiệm vụ trên sân, từ HLV, lãnh đạo đội bóng, cầu thủ đến sự công tâm, khách quan của các vị trọng tài. Ngay cả những khiếu nại của đội bóng cũng cần có sự giải thích, phúc đáp rõ ràng từ Ban tổ chức giải. Từ đó, để người hâm mộ có cái nhìn khách quan, đúng đắn, tránh trường hợp dư luận nghi ngờ sự trung thực của những nhà tổ chức, xử lý theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”.