Tầm 10 năm trở lại đây, Nguyễn Bá Hòa liên tục ra sách, gồm cả thơ, truyện ngắn và truyện thiếu nhi; trở thành một trong số ít hội viên của Hội VHNT Quảng Nam có được hơn 10 đầu sách in riêng.
Với thơ, anh đã xuất bản được 5 tập và bất chấp dấu ấn tuổi tác của một người nay đã gần 70 tuổi, thơ anh vẫn tha thiết nhịp đập tươi mới...
“Quá xuân”... xuân quá!
Tập thơ “Quá xuân” của nhà thơ Nguyễn Bá Hòa được phát hành và đến tay tôi từ cuối năm ngoái, nhưng mãi đến những ngày này, khi mùa đã sắp sửa... quá xuân, tôi mới đọc hết. Ai đó nói, đọc sách, lại là sách thơ, như tìm bạn tâm giao, đừng quá vội vàng...
Bài thơ được chọn làm tên cho tập thơ - bài “Quá xuân”, chỉ gồm 2 câu lục bát: “chát xanh còn chút ngày xưa/ thơm trong ngấn mắt hương thừa quá xuân”. Bài thơ được trình bày ở trang bìa lót và “ngăn cách” với nội dung tập thơ bởi trang tiêu đề, nên thoạt nhìn nó như là lời đề từ cho tập sách. Mà, rất có thể đó là “lời đề từ” thật. Cái kiểu làm sách, bài trí sách như thế này không phải lạ, nhưng nhìn vào vẫn thấy thú vị.
Thử nhặt ra một số câu thơ, để thấy hơi xuân vẫn ấm, nhịp xuân vẫn thao thức, vẫn “quá xuân” cùng người thơ Nguyễn Bá Hòa: “Biển vẫn đợi em mỗi sớm/ phả hơi xuân phía đầu ghềnh xôn xao/ chim reo hót trên hàng phi lao/ mắt trùng dương ngợp sóng/ tóc trời mây lộng/ ngực gió tròn căng” (Đôi bờ mùa xuân);
“Lập xuân bấu mùa rót mật/ ríu ran mưa trắng/ bày biện nắng vàng/ bậu cửa nhà mình dậy lên sắc nhớ/ gót hài em” (Viết cho ngày lập xuân);
“Qua mùa giữ lại bóng xưa/ cây vui trổ lá như chưa cũ càng/ chớm sương mầm nảy rỡ ràng/ tiếng chim líu giọng gọi đàn hòa duyên” (Vườn giêng)... Đấy, dù đã “qua mùa” rồi, vườn xuân trong thơ anh vẫn xôn xao, ríu rít, tưng bừng...
Không chỉ mùa xuân hiển lộ cùng cỏ cây hoa lá, cùng sắc màu ấm nóng trẻ trung, “Quá xuân” của Nguyễn Bá Hòa còn... rất xuân ngay cả trong những trễ nải, những phôi phai, xa cách.
Người đàn ông 68 tuổi này dựng hân hoan trong thơ mình bằng cách xóa nhòa ranh giới thời gian và cả giới hạn của sự được mất ở đời: “mấy phần xuân hạ thu đông/ trộn vào nhau để mùa không phải mùa/ nắng nghiêm trang gió cợt đùa/ lẫn vào nhau để được thua xóa nhòa” (Chuyện thời gian).
Anh dưỡng nuôi tình yêu bất chấp thời gian, tuổi tác: “Yêu chi đôi mắt quái/ thương chi cái miệng ranh/ mà tương tư để dành/ đến mùa hoa râm tóc” (Tình trễ).
Cả dự cảm về đoạn kết của đời người ở phía xa xăm nào đó cũng không kém hân hoan: “nhìn đôi lá rụng mới vừa/ cũng đùa vui với gió mưa mà thèm/ nhỡ mai tàn cuộc anh em/ hóa thân đôi lá bên thềm giỡn trăng” (Mảnh ghép tháng mười).
“Leng keng lục lạc nở xanh đường về”
Đọc “Quá xuân”, chợt nhớ lại những cảm xúc, những bài thơ trẻ trung, tươi mới, thanh xuân của người thơ Nguyễn Bá Hòa trong các tập thơ khác của anh, nhất là ở tập “Lục bát 60”, xuất bản năm 2014, nhân dịp anh tròn 60 tuổi và được nghỉ hưu.
Lúc đó, anh tự vẽ chân dung mình - một người cầm tinh con ngựa, tươi tắn, ung dung, lạc quan, không hề gợn chút ưu tư nào của một người hồi hưu: “Dây cương ai nhuộm màu hoa/ nhạc mừng ai gảy nhã ca khúc đời/ xanh bờ cỏ mượt rong chơi/ mẹ cha sắp đặt/ giữa trời hí vang” (Cầm tinh ngựa).
Và, anh đã tự dặn lòng mình quên đi tuổi tác, để sống, để yêu và để hóa thân vào những trang thơ. “Đã già đâu với núi non?/ biển kia bạc tóc còn hôn bãi bờ/ hóa thân lãng đãng cùng thơ/ đánh rơi mất tuổi bên bờ hoa niên...” (Tuổi).
Biết “hóa thân” như thế, Nguyễn Bá Hòa đã sống trọn vẹn cùng văn chương, cùng thơ, bằng tâm thế trẻ trung riêng có. Suốt từ tập thơ “Lục bát 60” (2014), đến “Đứng ở bùng binh” (2016), rồi “Quá xuân” (2021); và kể cả hai tập thơ trước đó là “Thuyền hạnh” (2011), “...và bóng tôi” (2013), anh đã có rất nhiều những câu thơ đắm đuối.
“Trót yêu cái liếc cũ mèm/ thuở hương sưa ủ mắt em rướm vàng/ lật tung ký ức mê hoang/ khởi mùa lìm lịm đường làng sắc hoa” (Hương sưa ngày cũ); “Tìm về chốn cũ quê xưa/ dáng em trong khói rạ vừa bay lên/ níu chiều lam sợi khói mềm/ đồng xa ai đốt mà nên nỗi niềm” (Chùm lục bát quê)...
Lúc nào cũng vậy, tuổi tác, với người thơ Nguyễn Bá Hòa, dường như chẳng có gì phải lo lắng. Vậy nên, ngay khi những “bước chân hoang” tưởng đã dừng lại rồi mà tâm hồn anh vẫn hăm hở tiến về phía trước: “Một chiều dừng bước chân hoang/ nhớ câu khớp kiệu đưa nàng về dinh/ một trời thơ một cõi tình/ leng keng lục lạc nở xanh đường về” (Ngựa).