Mặc dù ngành y tế khẳng định vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn an toàn, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cảm thấy không an tâm, nên đã đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ với chi phí không nhỏ. Vì nhu cầu tăng cao, một số loại vắc xin dịch vụ ở Quảng Nam đã hết hàng.
Việc đưa trẻ em đi tiêm chủng đã loại trừ được một số bệnh nguy hiểm. |
Trước thông tin một số trường hợp trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không ít người đã quyết định đưa con em mình đi tiêm dịch vụ, với hy vọng được sử dụng loại vắc xin an toàn hơn. Dù phải chi trả một khoản tiền không nhỏ: 2,1 triệu đồng cho 3 liều vắc xin 6 trong 1 (phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ) của Bỉ, hoặc hơn 1,8 triệu đồng cho 3 liều vắc xin 5 trong 1 (phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mũ) của Pháp nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn vui vẻ chấp nhận. Trong khi đó, họ lại từ chối tiêm vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng - vốn được miễn phí hoàn toàn. Lý do: Vừa nghe những thông tin “bất an” kể trên, lại trực tiếp chứng kiến con cái của bạn bè, hàng xóm sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem bị sốt cao nên người dân lo sợ. Chị Hồng Vân ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), bộc bạch: “Cho con đi tiêm dịch vụ tuy tốn tiền một chút nhưng sau khi tiêm chủng, con vẫn ăn chơi vui vẻ, như vậy là an tâm chứ thấy con bứt rứt, làm mình làm mẩy thì lo lắm...”. Không chỉ ở vùng đồng bằng hay các khu vực có đời sống khá giả, nhiều người ở các huyện miền núi Phước Sơn, Tiên Phước... cũng đưa con đến Tam Kỳ để tiêm dịch vụ. Một số người dân ở Đại Lộc, Điện Bàn thì lại đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng để tiêm.
Bảng thông báo hết một số vắc xin dịch vụ ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), do Quinvaxem là loại vắc xin hoạt bào nên gây phản ứng phụ. Có khoảng 50 - 60% trẻ khó chịu, bị nóng sốt, quấy khóc khi tiêm loại vắc xin này. Điều đó đã khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Còn vắc xin do Bỉ, Pháp sản xuất là loại vắc xin vô bào nên ít gây phản ứng phụ. Cũng theo bác sĩ Quang, tất cả trường hợp đến tiêm vắc xin dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều được các y bác sĩ tư vấn kỹ càng trước khi tiêm, kể cả việc khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con em mình nhưng nhiều người vẫn lựa chọn tiêm dịch vụ. “Hiệu quả của việc tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được khẳng định. Như vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước bùng phát dịch sởi do bỏ qua tiêm chủng nhưng ở Quảng Nam, nhờ được tuyên truyền và thực hiện tốt việc tiêm chủng mở rộng nên không xảy ra trường hợp nào” - bác sĩ Quang nói. Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho rằng, việc người dân đưa con đi tiêm vắc xin, dù tiêm trong chương trình hay tiêm dịch vụ đều là động thái tích cực, rất đáng hoan nghênh. Chỉ sợ người dân bỏ qua việc tiêm phòng để khi dịch bùng phát mới lo phòng thì đã muộn.
Do số người lựa chọn tiêm vắc xin dịch vụ tăng đột biến, khả năng đáp ứng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã bị phá vỡ. Hơn 400 liều Infanrix Hexa (vắc xin 6 trong 1) do Bỉ sản xuất lẫn Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) do Pháp sản xuất được trung tâm nhập về từ đầu năm đến nay đều đã hết. Ngoài ra, mặc dù Quảng Nam chưa xảy ra dịch sởi và thủy đậu như các địa phương khác nhưng vì dịch đang vào mùa, gây nên tâm lý lo lắng cũng đã khiến nhiều người dân đưa con em mình đi tiêm các loại vắc xin này, dẫn đến vắc xin sởi, quai bị, rubella (do Cộng hòa Séc sản xuất) và thủy đậu (do Hàn Quốc sản xuất) cũng hết hàng. Bác sĩ Huỳnh Công Quang cho biết, dự kiến đến đầu tháng 5 mới có các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 nêu trên. Riêng vắc xin thủy đậu, phải chờ đến giữa tháng 5 mới có.
BẢO LÂM