Vài "chứng bệnh" của người trẻ ở đô thị

PHÙNG TẤN ĐÔNG 11/06/2017 09:44

Trong đời sống hiện đại, với nhiều tiện nghi vật chất và giải trí dễ khiến giới trẻ lạm dụng, sa lầy, dẫn đến nguy cơ sống lệch lạc. Hơn bao giờ hết, sự chú trọng các chuẩn mực trong giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội sẽ giúp hình thành một thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh.

Fan hâm mộ chờ đón thần tượng. Ảnh minh họa
Fan hâm mộ chờ đón thần tượng. Ảnh minh họa

Về “thế hệ gối ôm”

“Thế hệ gối ôm” là cách đặt định tên gọi của báo chí khi nói về thế hệ 9x (đời giữa đổ về sau - nghĩa là những thanh niên sinh từ năm 1995 thế kỷ trước cho đến hiện tại). Sao lại gọi là “gối ôm”? Khác với thế hệ 8x - thế hệ sinh ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ảnh hưởng nặng nề của thời bao cấp, đời sống hết sức khó khăn, gạo, thịt phải xếp hàng mua bằng tem phiếu, quần áo, phương tiện đi lại, mọi nhu cầu sinh hoạt đều thiếu thốn… - thì thế hệ 9x và sau nữa được hưởng nhiều ưu ái hơn, đời sống vật chất của cha mẹ khá sung mãn, tình yêu thương con cái được “cụ thể hóa” bằng vật chất “nhanh nhạy” hơn. Có thể nói, thế hệ 9x và sau 9x lớn lên trong sự yêu thương, bảo bọc, chiều chuộng có phần “thái quá” so với các thế hệ anh, chị.

Do không còn bận tâm nhiều về vật chất, ngay từ tấm bé, những đứa trẻ thế hệ 9x đời giữa được cha mẹ chọn cho các loại thực phẩm tốt nhất, chiếc nôi ru tốt nhất, chiếc xe nôi tốt nhất và mỗi khi dỗ giấc ngủ cho con các bà mẹ luôn đặt con nằm ở tư thế ôm gối, bàn tay mẹ vỗ về lưng bé, mẹ hát ru hay ru bằng băng đĩa nhạc… Khi lớn lên, bé cứ duy trì thói quen ôm gối ngủ, không có gối ôm thấy khó ngủ ngay. Khi các cô, cậu “gối ôm” đi học xa, chắc chắn phải có thêm trong va li một chiếc gối ôm, từ đó “chết tên” là bạn “gối ôm”.

Như vậy, thế hệ “gối ôm” là nói về những thanh niên được nuông chiều đến mức, đi học về là cơm canh có sẵn trên bàn, quần áo có người giặt giũ, chân có người rửa, mặt có người lau, đi xe có người chở… Thế hệ “gối ôm” sành điệu với dòng điện thoại thông minh, giỏi truy cập internet, nghe nhạc, xem phim online, chat, check mail và ngoài gối ôm, 9x ôm thêm máy tính, điện thoại và headphone. Khi được chiều chuộng đến một mức “cao cấp” nào đó thì “gối ôm” sẽ thành “gấu bông” - nghĩa là một thế hệ mãi mãi “không trưởng thành” vì quen dựa vào ba mẹ, mãi mãi là “trẻ con” vì luôn có bên mình một chú gấu bông.

Thế hệ gối/gấu bông có nguy cơ đánh mất sự tự tin của một người trưởng thành do thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, không tự nấu cho mình được một bữa cơm, đi đâu cũng cần có người kèm, không dám “ở nhà một mình”, mất khả năng ứng xử khi gặp phải các tình huống nguy cấp có hại đến bản thân mình và người khác. Và “bi kịch” nhất là mất khả năng chọn lựa nghề nghiệp (vì công việc cũng do cha mẹ “mặc định”, lập trình sẵn), đánh mất niềm hạnh phúc của mình khi được làm công việc mình yêu thích, rồi dễ bị “đặt định” trong hôn nhân, rồi sẽ sống “vong thân” - phi tính cách, mất bản sắc, cá tính trong cộng đồng...

Bệnh ái kỷ, cuồng thần tượng và truyện ngôn tình

Ái kỷ được hiểu là “yêu bản thân”, yêu “cái tôi”  chính mình. Thực ra vấn đề yêu bản thân đã được các thế hệ người lớn đặt ra từ xa xưa với ý nghĩa con người phải biết yêu trước hết là thân thể mình vì thân thể mình do cha mẹ sinh ra và yêu thân thể mình là biết ơn các thế hệ trước đã có công sinh ra mình. Yêu bản thân, về mặt tinh thần là xác lập danh phận mình trong cuộc đời, hay nói có tính triết lý là xác lập nhân vị, tính cách cá nhân mình trong cộng đồng người. Người nào biết yêu bản thân sẽ phấn đấu mạnh mẽ để thể hiện tài năng, đức độ của mình trong cuộc sống và quan trọng nhất là từ yêu mình mới biết yêu người khác, mới “thương người như thể thương thân”. Thế nhưng, khi vấn đề yêu bản thân mình được hiểu một cách lệch lạc, thái quá, trở nên vị kỷ (vì riêng mình) thì sẽ thành con bệnh của ái kỷ - tự suy tôn mình là vĩ đại, là cao cả, kiểu “ta là một, riêng ta là thứ nhất”.

Ngày nay, do môi trường thông tin toàn cầu (internet), giới trẻ đắm mình trong thế giới ảo - trong đó phần đông là thế hệ gối bông - nên vấn đề “yêu bản thân” được đề cao quá mức. Do truyền tin, hình ảnh nhanh nhạy, phổ quát, toàn cầu nên internet là phương tiện tiện dụng bậc nhất để khuếch tán hình ảnh “tự sướng” (selfie) của người trẻ. Ăn cũng khoe, ngủ cũng khoe, giết thịt động vật hoang dã cũng khoe, thậm chí và phổ biến nhất là khoe thân (body), “show hàng” (có tính sắc dục - sex)… Có những người trẻ suốt ngày chỉ lo chụp ảnh tự sướng, suốt ngày khoe thân, khoe cá tính, “năng khiếu” không “đụng hàng” của bản thân mà chẳng chăm lo gì đến việc học hành, nghề nghiệp tương lai.

Đồng bệnh với ái kỷ là cơn bệnh cuồng nhiệt một cách thái quá và bất thường trước “thần tượng” của mình. Yêu thần tượng đến mức mất lý trí, để cảm xúc vượt quá giới hạn của lòng tự trọng, tự tôn, như một bộ phận khán giả của Kpop - một ban nhạc Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn - các fan hâm mộ “khóc lặng” khi thần tượng xuất hiện ở sân bay; rồi khi ban nhạc biểu diễn, một làn sóng fan xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, có nhóm thiếu nữ quỳ xuống hôn lên mặt ghế thần tượng vừa ngồi… Đỉnh điểm nỗi buồn của cuồng thần tượng là các fan trẻ chửi ba mẹ khi không lo được cho họ tấm vé vào xem thần tượng. Mà thần tượng của giới trẻ phần lớn chưa có tiếng tăm gì trong sinh hoạt thế giới đương đại, “họ chủ yếu là những chàng trai, cô gái mặc đẹp, thân hình nóng bỏng, vũ đạo thuần thục, đóng những bộ phim đánh trúng tâm lý yêu đương lãng mạn của giới trẻ” (“Cuồng thần tượng” - một hiện tượng xã hội đáng lo ngại” - www.nhandan.com.vn).

Truyện ngôn tình - còn gọi là sách đam mỹ, bách hợp - vừa được Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) có công văn (số 2116) gửi các nhà xuất bản đề nghị không đăng ký xuất bản. Thực tế thì truyện ngôn tình - thường là sách dịch từ tiếng Trung, gần gũi với dòng truyện “shoujo” Nhật Bản - dòng tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh bình dân chuyên phục vụ nhu cầu giải trí của một bộ phận độc giả nữ. Truyện ngôn tình là một loại thể cận văn học, đề cao chức năng giải trí, và thường là truyện về các thần tượng. Phần lớn các tác phẩm ngôn tình đều mô tả quan hệ tình yêu giữa một cô gái có nhiều khiếm khuyết với một chàng trai hoàn hảo. Truyện ly kỳ do tình yêu phải qua bao thử thách, phù hợp với tâm lý mơ mộng của thiếu nữ, đặc biệt là các cô gái sống khép kín, thích không gian ảo, tin vào những điều phi lý, những chuyện ảo huyền, không thực. Xu hướng sáng tác ngôn tình đang được “báo động” là mô tả những biến thái trong tính dục của con người, làm lệch lạc cái nhìn về tính giao của giới trẻ - sự lệch chuẩn mực đạo đức xã hội.

Vài giải pháp…

Chú trọng chuẩn mực trong giáo dục gia đình là trách nhiệm của các bậc cha mẹ, làm thế nào để cha mẹ vừa thể hiện tình yêu con cái đúng mức độ vừa tạo điều kiện để con cái tự tin, tự lập, tự tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng sống và “trưởng thành” khi vào đời, để con cái mình không mang tiếng là “gối/gấu bông”. Sự chú trọng các chuẩn mực trong giáo dục gia đình cần đồng thời, đồng bộ với giáo dục nhà trường và cộng đồng.

Về các hoạt động thể chất, cần có một hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho trẻ em một không gian sinh hoạt cộng đồng tốt nhất như sân chơi, hồ bơi, các phương tiện rèn luyện sức khỏe, những người hướng dẫn kỹ năng sống giỏi việc, tận tụy, yêu quý các sinh hoạt cộng đồng.

Về mặt tinh thần, trong sinh hoạt gia đình cũng như nhà trường nên “thiết kế” giờ giấc cho việc sử dụng các phương tiện kết nối với thế giới ảo. Làm thế nào đó để con trẻ càng ít sống phụ thuộc vào internet càng tốt và đặc biệt các bậc cha mẹ, thầy cô phải là người bạn đường của văn hóa đọc đối với giới trẻ trong bối cảnh hội nhập với thế giới mà những bạn trẻ không dễ dàng tự chọn.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vài "chứng bệnh" của người trẻ ở đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO