Vài đặc điểm của từ điển phương ngữ

PHẠM VĂN HẢO 04/10/2015 15:28

LTS: Từ điển phương ngữ Quảng Nam nằm ở đâu trong thế giới từ điển? Câu chuyện tưởng như đơn giản, nhưng trả lời cho thấu đáo quả không dễ. Khép lại, sau gần 3 tháng đăng tải diễn đàn trên Quảng Nam cuối tuần, chúng tôi hy vọng một ngày không xa, một cuốn Tự điển phương ngữ Quảng Nam sẽ ra đời, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về vùng đất “hay cãi” này.

  • Tự điển phương ngữ Quảng Nam

Đêm hoa đăng. Ảnh: TRẦN PHI HÙNG
Đêm hoa đăng. Ảnh: TRẦN THẾ HÙNG

Có thể nói rằng do ở nước ta ngành từ điển học mới đi những bước chập chững ban đầu, nếu nhìn cả từ góc độ lý luận lẫn thực tiễn biên soạn loại sách này, mà những lệch lạc trong các sách có cái mác “từ điển phương ngữ” là khó tránh khỏi. Bằng chứng là trong số 10 quyển từ điển phương ngữ đã in, có quyển có thể xếp vào từ điển bách khoa về phương ngữ, có quyển là tập ghi chép lộn xộn về địa phương có chú ý đến yếu tố phương ngữ, lại có quyển thật khó dán nhãn mác cho nó. Điều này thôi thúc chúng ta tìm cho nó một vị trí thích đáng, phù hợp. Nói khác đi, đó là tìm cho ra các đặc điểm của từ điển phương ngữ là gì.

Xếp loại cho từ điển phương ngữ

Các sách dạng từ điển rất phong phú. Để xếp loại cho chúng, có lẽ dùng phương pháp “nhị phân” là phù hợp hơn cả.

Đầu tiên, nếu ta loại ngay các sách có từ “bách khoa” (hay có tính chất bách khoa) như Bách khoa toàn thư, Từ điển bách khoa thì ta chỉ còn lại các từ điển ngôn ngữ thuần túy. Trong số các từ điển ngôn ngữ này lại có thể lưỡng phân thành từ điển đối dịch (giữa hai hoặc nhiều ngôn ngữ) với nhau và từ điển một ngôn ngữ. Từ điển đối dịch có thể là chuyển từ ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ dân tộc sang ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt), còn từ điển một ngôn ngữ phần lớn là các từ điển mang tính chất của từ điển giải thích, loại sách mà ở đó cả bảng từ lẫn phần giải thích đều chỉ dùng một thứ tiếng mà thôi.

Trong số các từ điển một thứ tiếng này, “từ điển tường giải”, “từ điển ngữ văn” của ngôn ngữ quốc gia bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm, ở nước ta, đó là “Từ điển tiếng Việt”. Nó có chức năng thu thập và giải nghĩa vốn từ ngữ của ngôn ngữ quốc gia của một nước. Các loại từ điển một ngôn ngữ còn có các loại: từ điển thuật ngữ, từ điển từ nghề nghiệp, từ điển địa danh, từ điển phương ngữ, từ điển từ cổ (tiếng Việt), từ điển từ ngữ vay mượn, vv. Riêng từ điển thuật ngữ tiếng Việt ở ta đã có hàng chục quyển phản ánh thuật ngữ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau.

Như vậy, từ điển phương ngữ là loại từ điển một ngôn ngữ, có chức năng thu thập và giải thích bằng tiếng Việt tất cả vốn từ ngữ địa phương nào đó mà nó giới hạn phản ánh. Tuy nhiên, việc thu thập bảng từ và cách giải thích từ ngữ như thế nào thì mới ra “từ điển phương ngữ”?

Cấu trúc vĩ mô: bảng từ ngữ

Trong bộ môn từ điển học, thuật ngữ “cấu trúc vĩ mô” là chỉ cấu trúc bảng từ của từ điển. Mà đã là “cấu trúc” thì bảng từ tự nó phải có lớp lang, có các yếu tố và mối quan hệ giữa chúng.

Trước khi nói đến cấu trúc, chúng ta phải hiểu và thống nhất với nhau về khái niệm “từ ngữ địa phương”. Hiểu một cách đơn giản, đó là các từ ngữ được dùng ở địa phương, nhưng có những khác biệt về hình thức (âm thanh) và nội dung (ý nghĩa) so với tiếng Việt chung, có thể dùng từ “biến thể” ở đây. Biến thể này gồm cả hai mặt trên (âm và nghĩa). Thông thường, những biến thể về nghĩa thì cố gắng ghi nhận trong từ điển. Còn biến thể ngữ âm thì phải chọn lọc, bởi từ điển không thể và không cần phản ánh hết các cách phát âm đều đặn không mang “tính chất từ vựng” (tiếng Thanh Hóa, có phát âm hóa thành quá, tiếng Quảng Nam âm cao phát âm thành cô, mặt phát âm thành mặc hay mẹt). Những biến thể ngữ âm “mang tính chất từ vựng” là các đơn vị tìm thấy trong sách báo, tác phẩm văn học, trong sưu tầm ca dao dân ca địa phương và thực tế trong giao tiếp sinh hoạt đời thường của người dân bản địa…, như biểu (bảo), thơ (thư), gưởi, gởi (gửi), thiệp (thiếp), chánh sách (chính sách), mịnh lịnh (mệnh lệnh)…

Chúng ta cũng nên nhớ rằng trong tiếng Việt ở địa phương có vô số từ ngữ chung (từ ngữ phổ thông), điều làm cho tiếng Việt được coi là “đại đồng tiểu dị”. Đó là các từ tay, chân, đầu, mắt, mũi, đi, ăn, học, tốt, đẹp,… Không có lýgì chúng phải nằm trong các từ điển phương ngữ cả. Điều đơn giản ấy cũng đã có tác giả nhầm!

Như vậy, các từ ngữ địa phương phải lên đến hàng ngàn đơn vị. Chúng nằm rải rác ở tất cả lĩnh vực. Người đi điền dã để làm từ điển phải có kế hoạch “chiến lược” nhằm thu thập được tối đa các từ ngữ địa phương đó. Điều này không có con đường nào khác là phải có một bảng từ làm sẵn, cũng phải lên đến hàng ngàn đơn vị, ta gọi là anket “bảng từ điều tra”. Bảng từ này được phân chia theo “lớp lang” hoặc theo các nhóm từ ta vẫn gọi là các “trường từ vựng”, gồm các nhóm như thiên nhiên, con người, bệnh tật, cây cối, hoa quả, dụng cụ gia đình, dụng cụ sản xuất, dụng cụ đánh cá, ẩm thực, các loại muông thú, gia súc, côn trùng, các từ chỉ tính chất, vận động,… Khi đi thực tế, nhà nghiên cứu phải tự lọc ra và đánh dấu cho các từ ngữ địa phương.

Mối quan hệ “cân đối” giữa các trường, tiểu trường như vậy sẽ làm ta không bỏ sót các từ ở các lĩnh vực, các phong cách sử dụng, đồng thời tránh đi quá sâu hay tìm hiểu sơ sài một nhóm từ nào đó. Đây cũng là cơ sở để chúng ta đưa ra các “mẫu” định nghĩa phù hợp cho từng nhóm. Khi “trộn” các từ và sắp lại theo trật tự chữ cái, ta có bảng từ.

Nếu theo quan niệm trên thì một bảng từ gồm vài trăm từ thường gặp, hoặc trên dưới một ngàn từ ngữ dùng trong ca dao dân ca ở Quảng Nam, thì chưa phải là bảng từ của tiếng Quảng Nam.

Cấu trúc vi mô: Cấu trúc mục từ

Cấu trúc vi mô là chỉ cấu trúc mục từ của từ điển. Một cấu trúc khái quát và đầy đủ nhất gồm các yếu tố (thành phần) sau: a) từ đầu mục (còn gọi là đầu mục từ, tên mục từ);  - b) chú thích từ loại (danh từ, tính từ, đại từ…); - c) Chú về cách sử dụng (phạm vi, sắc thái) - d); Phần định nghĩa, giải thích nghĩa của từ - e); ví dụ.  

Thông thường, mỗi thành phần có chức năng riêng, nhưng đều phục vụ cho việc tìm hiểu về từ địa phương của độc giả. Không phải lúc nào mục từ cũng có đầy đủ các thành phần này. Đôi khi ví dụ có thể được lược bỏ, đôi khi không có chú thích về cách sử dụng (phạm vi sử dụng: tiếng lóng, từ cũ, từ nghề nghiệp,…) hoặc sắc thái sử dụng (trang trọng, thông tục, văn chương,…).

Phần định nghĩa, giải thích nghĩa là trung tâm và quan trọng nhất của mục từ. Nó phải được trình bày khoa học và nhất quán. Thông thường đó là một từ, nhóm từ hoặc một câu và viết theo mẫu cho các nhóm từ (trường từ vựng, như nói trên). Lời giải thích thường ngắn gọn, dễ hiểu, viết bằng tiếng phổ thông, yêu cầu không thừa và không thiếu. Có một số dạng định nghĩa chính như:

Định nghĩa bằng từ tương đương, hay định nghĩa theo lối đối chiếu. Ví dụ: mè thì định nghĩa bằng từ vừng tương đương. Cũng vậy, mì là sắn, ly là cốc, muỗng là thìa, bơm là quả táo,…

Định nghĩa bằng một câu: dùng cho các từ không có đơn vị tương đương trong tiếng Việt chung. Đó là tên các loại đối tượng chỉ có ở địa phương. Chẳng hạn, nếu là hoa quả, có thể kể: mãng cầu, măng cụt, vú sữa,…Ví dụ, chuối hờn d. Cây thấp, quả lớn, khi chín vỏ màu xanh (…).

Định nghĩa bằng một số từ: dùng cho các từ không có đơn vị tương đương hoàn toàn trong tiếng Việt chung. Đây thường là các động từ, tính từ. Ví dụ: chấp chóa (trời sắp tối, chạng vạng), xen (sốt sắng, rộ, đều).

Xem ra trong các cách định nghĩa trên thì cách định nghĩa theo lối đối chiếu được sử dụng nhiều. Tuy vậy, xét cho cùng, đây vẫn là lối định nghĩa tổng hợp, có nét gần với từ điển giải thích. Đây cũng là một đặc điểm của loại từ điển phương ngữ.

PHẠM VĂN HẢO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vài đặc điểm của từ điển phương ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO