Luật Lâm nghiệp thông qua năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Điểm tiến bộ của luật này khắc phục một số hạn chế của Luật Bảo vệ - phát triển rừng năm 2014 và tăng thêm nhiều quyền lợi cho người dân khi đầu tư trồng rừng.
Khảo sát mô hình trồng có dưới tán rừng. Ảnh: T.N |
Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã cụ thể quyền hưởng lợi từ rừng được xác lập với từng loại rừng và từng nhóm chủ rừng. Cộng đồng dân cư được hiểu đa dạng hóa, chỉ cần là một nhóm hộ sống trên địa bàn thôn bản, cùng phong tục tập quán và được tiếp cận mọi loại rừng, mọi loại đất rừng với vai trò là chủ rừng. Điều này khắc phục nhược điểm của Luật Bảo vệ - phát triển rừng năm 2014 khi giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng cho tổ chức của Nhà nước mà thực tế cho thấy không mang lại hiệu quả vì không đủ kinh phí và nhân lực. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp các tổ chức của Nhà nước được giao bảo vệ rừng song lại thiếu trách nhiệm, để lâm tặc phá rừng. Điểm mới của cơ chế giao khoán rừng là nguyên tắc hợp tác quản lý giữa các chủ rừng là tổ chức của Nhà nước với cộng đồng dân cư địa phương như một cơ chế đồng quản lý.
Luật Lâm nghiệp 2017 có một số nội dung thu hồi đất giống Luật Đất đai năm 2013. Chẳng hạn chính sách giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, cho phép chuyển đổi các loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng tương tự như chính sách Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, một trong những điểm tiến bộ của Luật Lâm nghiệp 2017 là Nhà nước công nhận quyền sở hữu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với rừng sản xuất là rừng trồng do họ tự đầu tư, hoặc nhận chuyển nhượng tặng - cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, hộ gia đình và cộng đồng sở hữu rừng trồng có đầy đủ các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với rừng trồng do họ tự đầu tư. Tại Quảng Nam, vướng mắc của chính sách rừng là cho đến nay người dân (hộ gia đình và cộng đồng dân cư) vẫn chưa khai thác rừng tự nhiên, hoặc khai thác rất hạn chế vì rừng giao cho họ phần lớn là rừng nghèo, rừng mới phục hồi. Với quy định không được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên vì mục đích thương mại đã gây khó cho các hộ gia đình và cộng đồng muốn có thu nhập chính đáng. Một bất cập nữa là Luật Lâm nghiệp 2017 quy định các quyền quản lý rừng như giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi rừng, thu hồi rừng vẫn chủ yếu do cơ quan nhà nước thực hiện mà thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư và các chủ rừng trong quá trình tham gia thẩm định, phê duyệt.
TRẦN NGUYỄN