(QNO) - Trong câu chuyện về những năm tháng hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Đức Dũng - nguyên Phó Bí thư huyện Tam Kỳ không quên nhắc lại những năm tháng quê hương dưới bóng giặc thù. Đặc biệt với ông Dũng cũng như lớp học trò học Trường cấp 2 Trần Dư ở Trường Xuân (Tam Kỳ) năm 1949 thì không ai có thể quên thầy Vũ Hạnh dạy bộ môn lịch sử Việt Nam. “Thầy Hạnh dạy rất hay và lôi cuốn. Thầy còn làm thơ để minh chứng lịch sử”. Ông Dũng tự nhận mình cùng nhiều học trò khác đã giác ngộ cách mạng qua những bài giảng của thầy Hạnh.
Cuộc hội ngộ trong tù
Tuy chỉ học thầy Vũ Hạnh một năm nhưng ông Dũng khắc ghi sâu hình ảnh một người thầy đáng kính. Mãi đến năm 1956 hay tin thầy bị địch bắt giam ở quận Thăng Bình, tên Phan Vỹ, lúc bấy giờ là quận trưởng tra tấn rất dã man nhưng thầy không khai gì ngoài vai trò người thầy giáo dạy sử nên bọn chúng đưa thầy ra đày ở nhà lao Thông Đăng, Hội An, sau đó là Côn Đảo.
Điều hết sức tình cờ khi ông Dũng bị địch bắt giam ở nhà lao Thông Đăng, Hội An thì ông nhận ra thầy Vũ Hạnh cùng đang bị giam ở đây. Trong những buổi lao dịch thầy trò gặp nhau ai cũng mừng vui khôn xiết nhưng do bị theo dõi gắt gao nên thầy trò hạn chế gặp gỡ để giữ bí mật.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, quê xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông gia nhập Mặt trận Việt Minh sau đảo chính Nhật năm 1945. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia sáng lập Đoàn kịch Thăng Bình, dạy văn sử tại các trường trung học. Sau Hiệp định Genève 1954, ông bắt đầu sống, sáng tác và hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Từ 1975 đến 1985, ông là Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ông nổi tiếng với các bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình và là tác giả các các tác phẩm có tiếng vang như, truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái Xà Niêng, công trình lý luận Đọc lại Truyện Kiều... Riêng tác phẩm Người Việt cao quý với bút danh A.Pazzi...
Mặc dù điều kiện tù đày nhưng thầy vẫn viết một số bài thơ tình cảm, khéo léo đả kích quân thù, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Ông Dũng nhớ lúc đó tại lao Thông Đăng có một tờ báo chống cộng nhưng thầy dứt quyết không tham gia. Tờ báo này được bọn địch sử dụng nhiều người vốn tên tuổi từng tham gia Việt Minh rồi ngả sang địch tham gia hòng lấy uy tín của họ để vận động tù nhân chống cộng.
Có hôm bọn địch dùng số người nói trên để giảng cho tù nhân, đâu là chính nghĩa, đâu là kẻ thù hiện thời của chính quyền quốc gia. Lập tức, Trợ Đức một thầy giáo cùng dạy với thầy Vũ Hạnh ở trường cấp 2 Trần Dư, Trường Xuân đã lên tiếng vạch trần âm mưu thâm hiểm của kẻ thù. “Tui nói thêm hiện nay còn có một kẻ thù nữa đó là những kẻ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. Nói điều này thầy Trợ Đức muốn ám chỉ bọn người sống thức thời, lúc Việt Minh thắng thì theo Việt Minh nay lại ngả theo địch chống đối lại Việt Minh, chống lại nhân dân, dân tộc. Hiệu quả thức thì, ngay chiều đó nhóm người được chọn thuyết giảng cho tù nhân không ai đứng ra giảng nữa. Ban chống cộng trong tù do bọn địch lập ra cũng dần tan rã. Điều ông Dũng nhớ đó là ông cùng những bạn tù đứng ra chỉ mặt, đấu tranh trực diện với tên Quách Rô, là học trò cũ của thầy Vũ Hạnh nhưng theo chân đế quốc đã bất nhẫn tự mình hỏi cung, tra tấn thầy Vũ Hạnh. Sau cuộc đấu tranh này Quách Rô đã nhận ra hành động vô lương tâm của mình và từ đó đã không dám tra tấn thầy Hạnh nữa.
Bài thơ trong đề lao
Nhà lao Thông Đăng (Hội An) khi thầy Vũ Hạnh và ông Dũng bị giam cầm do Thượng sĩ Nguyễn Kim làm đề lao. Trước tên này là lính vệ quốc đoàn của Việt Minh nhưng do ăn cắp tiền công, sợ bị trừng phạt nên Kim đã bỏ trốn khỏi tổ chức, rồi chạy theo Pháp, đi lính bảo an. Khi làm đề lao tên Kim ban đầu tỏ ra rất hung hãn nhưng sau dần được những trí thức trong tù như thầy Vũ Hạnh giác ngộ nên sau đó đã đối xử với tù nhân không khắc nghiệt nữa.
Không biết xuất phát từ đâu, trong phòng làm việc của đề lao Kim có treo một bài thơ của thầy Vũ Hạnh được tra vào khung hẳn hoi như một bức tranh. Bài thơ đó ông Dũng chỉ còn nhớ 4 câu cuối: “Trán buồn theo bước nghiêng nghiêng/ Lòng như vướng nặng sầu riêng thuở nào/ Dù cho non nước vơi đầy/ Tình anh cũng vẫn là đây thuở nào”.
Một hôm có tên Võ Thu Tịnh cũng là bạn học Vũ Hạnh, hiện làm đại diện Ty Thông tin Trung Việt của chính quyền Ngô Đình Diệm đến thăm nhà lao Thông Đăng. Tiếp Ty Thông tin Trung Việt tại phòng làm việc của đề lao, bất ngờ tên Tịnh hỏi về tác giả bài thơ treo trong phòng. Kim bảo đó là thơ Vũ Hạnh, thấy hay hay thì dán…Đọc xong ngẫm ngợi một hồi Tịnh mới lên mặt bảo Kim “thơ này nó đả kích mày, muốn lôi kéo mày về với chúng nó”.
Thế là bài thơ trên phòng đề lao biến mất từ đó. Vũ Hạnh vạ lây, bị nhốt vào cấm lao nhưng sau đó ông lại được thả. Riêng với ông Dũng sau hơn 1 năm giam cầm, ông được thả tự do vì bọn địch không có chứng cứ về hoạt động chống lại chính quyền quốc gia cộng với sức ép của Uỷ ban quốc tế sau vụ địch thảm sát ở Vĩnh Trinh cuối năm 1955.
Ông Dũng với thầy Vũ Hạnh kỷ niệm không nhiều, nhưng sau này qua các tác phẩm của Vũ Hạnh, ông Dũng thêm quý trọng một người thầy, người đã giác ngộ cách mạng cho ông và là một nhà văn, nhà báo cự phách.Từ điển Văn học (NXB Khoa học xã hội ấn hành) đánh giá Vũ Hạnh là “một cây bút nòng cốt, tâm huyết trong dòng văn học yêu nước và cách mạng vùng bị Mỹ - ngụy tạm chiếm”. Điều này là không có gì bàn cãi. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhà văn Vũ Hạnh mà còn là niềm tự hào của mảnh đất Quảng Nam đã sản sinh ra một tài năng, nhân cách như thầy giáo Vũ Hạnh.