Vài mẩu chuyện trong giao tiếp

PHAN HÀN HUYÊN 02/09/2015 12:39

Trong giao tiếp, người Quảng Nam vốn không cầu kỳ nên việc dùng câu, dùng từ thường ngắn gọn. Nhiều câu, từ sử dụng đã thay đổi cấu trúc, vị trí, sử dụng các điệp từ, từ nhiều tầng, nhiều nghĩa. Dùng từ biểu cảm mở đầu câu mặc dù không phải là câu thán như: “Ui chu choa”, “ui trời ơi”. “Ui chu choa! Chiều ni tau mắc đi giữ bò rồi”. Hay sử dụng nhiều câu đặc biệt, câu khiếm khuyết trong hội thoại. Bạn tôi cứ thắc mắc với tôi rằng tại sao lại là: “ba tau hén đau mấy ngày ni”. Hay “nhà con ở tuốt trong nớ”, đố người nơi khác biết “tuốt trong nớ” là ở đâu? Đặc biệt, phương ngữ Quảng được sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Cùng từ ngữ đó lúc nhỏ sử dụng nhưng khi lớn lại không thấy sử dụng. Ví dụ: “nề, tau nói mi nghe nề! Nhà ông Ba đào cái giếng su hoáy” từ “su hoáy” dùng để chỉ một cái gì thật sâu nhưng người có tuổi khi nói chỉ dừng lại ở từ “giếng su”, bỏ mất từ “hoáy”.

Vì chất giọng cũng như sử dụng phương ngữ trong giao tiếp mà người Quảng Nam đến các nơi khác làm ăn, sinh sống, học tập cũng gây những khó khăn trong buổi đầu. Tôi nhớ có lần hồi còn là sinh viên ở Huế, hôm đó có anh sinh viên Quảng Nam thứ thiệt mới nhập học đến quán ăn cơm. Anh đứng tần ngần trước bàn thức ăn hồi lâu. Rồi anh chỉ vào dĩa thức ăn, nói lớn mỗi một từ: “Cóa”. Cô bán cơm cầm đũa nhìn ngơ ngác, không hiểu. Có thể vì chất giọng một phần, nhưng vì việc sử dụng duy nhất từ “cóa” để nói mà không phải là “cho tôi cơm với cá” gây cho người đối diện cảm giác hụt hẫng, khó hiểu.

Vào dịp lễ hằng năm, cánh sinh viên đi tàu chợ Huế để về Đà Nẵng. Tàu chợ được cái dễ trốn vé. Hôm đó, anh bạn tôi người Đại Lộc thay vì báo cho nhân viên soát vé là về Đà Nẵng anh ta nói theo... giọng Huế là “đến Lăng Cô” với mục đích trả ít tiền hơn. Mặc dù có cố nói cho giống giọng Huế nhưng cái chất Quảng nghe thì không lẫn được. Khổ nỗi nhân viên soát vé là người Quảng Nam. Nghe xong, anh trợn mắt, sừng sộ: “Quảng Nam thì nói mẹ đi, bày đặc Huế”.

Hai sui gia một Bắc, một Quảng nói chuyện điện thoại. Sui gia trong Quảng cứ thẳng ruột ngựa tuôn cho hết câu, hết ý. Đầu dây bên kia thì cứ thế “vâng ạ! Vâng ạ!”. Kết thúc đối thoại bên nghe mới nói được một câu: “Bác nói gì tôi chả hiểu”.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể rằng hồi lên công tác ở Mỹ Sơn, một chị nuôi có chồng làm cùng chỗ ở Ban Quản lý. Đến bữa cơm, cô ta muốn chồng cùng ăn chung nên cứ gọi: “ăn cơm anh hỉ!”. Khổ cho họa sĩ gốc Huế mấy hôm đầu cứ theo giải thích rằng mình... ăn cơm rồi.

Ở vùng Nghi Sơn, Quế Sơn có một làng nói giọng Sài Gòn, trong làng có người con học hành thành đạt ra trung tâm huyện mở phòng mạch tư. Có chị trẻ tuổi bị viêm họng đến khám bệnh. Cầm chiếc đèn pin, anh bảo chị lấy hơi “tằng hắng”. Lần đầu anh tưởng chị không nghe nên nói lại, nói đến lần thứ hai, thứ ba. Anh ta bực mình gắt: “khạc ra”, “nhổ ra”. Lúc này, chị đến khám bệnh mới hiểu, hóa ra chị nghe tiếng “tằng hắng” tưởng “choàng hoảng” chân nên... dang rộng hai chân.

PHAN HÀN HUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vài mẩu chuyện trong giao tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO