Vài mẩu chuyện về Trần Hưng Thừa

HỒ DUY LỆ 16/08/2015 09:40

1. Thời kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, từ năm 1948, khi Ban Tuyên truyền kháng chiến đổi thành Ty Thông tin tuyên truyền thì ông Trần Hưng Thừa (còn có tên Trần Bắc) làm Phó rồi Trưởng ty thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông Trần Hưng Thừa làm quen rồi tìm hiểu bà Vũ Thị Hồng Hải là một nhân viên nhà in trực thuộc Ty thông tin... Được cơ quan đồng ý và đứng ra tổ chức lễ cưới  đơn giản. Hôm ấy có hai cặp được tuyên bố thành hôn là Thừa - Hải và Nhung - Ngưng… Đại diện Tỉnh ủy có ông Hồ Nghinh người mai mối cho Thừa - Hải đến dự. Cưới xong thì ông Trần Hưng Thừa chia tay vợ đi công tác, ông đi bộ mấy tháng ra căn cứ Việt Bắc.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Cuối năm 1953, bà Hồng Hải sinh con gái đầu lòng đặt tên là Trần Minh Thọ, sau đó thay chữ Minh bằng chữ Bích. Trong một dịp công tác thuận đường, Trần Hưng Thừa tranh thủ tạt về nhà thăm hai mẹ con một lúc rồi chia tay. Trần Hưng Thừa đi rồi, mẹ con dẫn nhau về Cây Cốc - Tiên Thọ, nơi gia đình bà ngoại cháu Thọ tản cư lên ở sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946. Những ngày tranh tối tranh sáng sau ngày ký hiệp định đình chiến trên giấy, 27.7.1954, họ chứng kiến và nếm đau thương do lính Liên hiệp Pháp và bọn phục thù đàn áp đẫm máu đồng bào ở Cây Cốc. Không thể ở lại với Tiên Thọ - Cây Cốc, hai mẹ con bà Hải dẫn nhau xuống Tam Kỳ, xin ở nhờ nhà bà Bốn. Rồi bà ngoại vào hối đi, mẹ con xách túi gánh đôi bầu với đồ đoàn ra đón xe nhà binh xin lính áo quần sáu túi cho theo xe về Hội An. Trước khi rời Cây Cốc, trong một đêm, Trần Hưng Thừa lần về không dám vô nhà mà nhắn bà Hải ra gặp ở ngoài cái dốc. Trần Hưng Thừa cho vợ biết không đi tập kết, ở lại vào rừng, vợ và con ráng chịu cực hai năm. Bà Hải hỏi chồng: Anh đi rồi em ở đâu? Một câu hỏi mà bà biết chồng không tài nào trả lời được. Trần Hưng Thừa không về nhà nhưng bọn chúng thì nghĩ thế nào ông cũng về nhà thăm vợ trẻ, con thơ nên đêm nào chúng cũng rình rập quanh nhà, nhiều hôm, cả nhà đang ngồi ăn cơm tối bên ngọn đèn dầu thì Cả Lương dẫn một tốp lính xộc vào nhà, nhìn quanh không thấy Trần Hưng Thừa, Cả Lương hỏi: Ông Thừa về ở đâu?

Không biết ông Thừa ở đâu - bà Hải trả lời. Bọn chúng không tin, dọa: Không chỉ ông Thừa ở đâu tau bắn cả nhà. -Mấy ông mà tìm được anh Thừa ở trong nhà này thì mấy anh bắn hết cũng được. Vũ Đức Kỳ, em trai bà Hải khẳng định. Vẫn không tin, bọn chúng chia nhau lục tìm khắp nhà, chúng rọi đèn pin cả trong những bụi cây um tùm ở khu đồi núi sau nhà. Tình hình đen tối đầy đe dọa vây quanh song bà Hải cố chần chừ muốn ở lại Cây Cốc với hy vọng một đêm chồng sẽ lần về! May mà anh ấy không về! Bà Hải thốt lên câu nói tự đáy lòng, nước mắt ứa dài trên đôi má. Lần gặp nhau vừa run sợ trong tối mò ở cái dốc ấy là lần gặp nhau sau cùng rồi biệt tăm, biệt tích cho đến sau ngày giải phóng hoàn toàn tháng 4.1975!

2. Sau khi rời Cây Cốc - Tiên Thọ, vợ con của Trần Hưng Thừa bắt đầu một hành trình  khổ nhọc, phải van xin, chạy chọt mong Cả Lương buông tha để xuống được Tam Kỳ, rồi rời Tam Kỳ về Hội An, ra Đà Nẵng… Nhằm mưu sinh, bà Hải phải trải qua những nghề không tên. Ngày lại ngày, sáng dậy sớm cơm nước xong, hai chị em quảy đôi mủng vào làng mua lúa về xay, bưng mủng gạo ra góc chợ Cẩm Khê ngồi bán. Rồi bà chuyển sang vác gạch, vác táp lô làm phụ hồ. Gặp người quen thấy bà cực nhọc quá, giới thiệu cho bà vào làm nhân viên sẫy quế cho xưởng chế biến quế một thời gian. không chịu thấu những sẫy quế tạt vào mặt, bà xin đi giặt quần áo cho một tiệm giặt ủi, rồi chuyển sang rút rễ làm chổi, rút bót làm bàn chải, rồi làm nhân viên bán xăng dầu... rồi bưng cái rổ đội nón đi bán hàng rong. Rồi hai mẹ con lưu lạc vào Sài Gòn.

Năm 1955, khi cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng rời Tam Kỳ bí mật chuyển ra đóng trong nhà ông Chánh Quy ở thôn Thanh Tam - Cẩm Thanh - Hội An, thì Trần Hưng Thừa làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Văn phòng Tỉnh ủy thời gian này đảm nhận nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao như tuyên huấn, tổ chức, thông tin liên lạc. Cuối năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra tờ báo ‘‘Quyết Tiến’’. Trụ sở của báo ban đầu đặt tại một khu rừng ở Mang Mai - Hòa Vang, sau chuyển về rừng núi Đại Lộc. Trần Hưng Thừa phụ trách báo và cùng Phan Đấu lo khâu biên tập. Tháng 9.1964, thành lập Thành ủy Đà Nẵng, Trần Hưng Thừa về phụ trách Văn phòng Thành ủy, lo cả khâu tuyên huấn. Chuẩn bị chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà và thành lập Mặt trận 4. Trần Hưng Thừa làm Chánh Văn phòng Đặc khu ủy (1967 - 1972).  Cơ quan Văn phòng Thường vụ và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 ở căn cứ A7 và đồi 530 tây Đại Lộc (vùng núi Thọ Lâm – An Bằng), bị B.52 và pháo đánh tơi bời phải chuyển xuống căn cứ Hòn Tàu. Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ IX, năm 1971, Trần Hưng Thừa trúng Ủy viên Ban Thường vụ, làm Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Đà.

Trần Hưng Thừa sinh ngày 14.4.1921, tại Huế, nhưng lớn lên và công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng, thành người Quảng. Sống và làm việc với người Quảng Nam, được cán bộ nhân viên và nhân dân quý mến, nhiều khi ông muốn nói giọng Quảng để người Quảng dễ nghe nhưng không giả tiếng được. Nhờ vậy, sau khi nhận nhiệm vụ của Ban Thường vụ Đặc Khu Quảng Đà làm Bí thư Quận ủy quận Nhất, phụ trách bộ phận chỉ đạo nội thành, ngày 28.3.1975, trên đường từ chiến khu Hòn Tàu vào Đà Nẵng, Trần Hưng Thừa đi đến ngã ba Huế, bị cảnh sát Sài Gòn chặn hỏi: Ông ở đâu vào đây? - Tôi ở Huệ. Ngoài nợ Việt Cộng đánh mạnh quá, vợ con sợ chạy vào Đà Nẵng tỵ nạn, tôi vào đây tìm vợ con.Với giọng đặc Huế thế kia thì rõ là dân từ Huế chạy vào! Thế là viên cảnh sát Sài Gòn để một Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu đi trót lọt vào nội thành Đà Nẵng, trực tiếp chỉ huy nổi dậy: 22 giờ đêm ngày 28.3.1975, nhận được tin Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I  bỏ nhiệm sở lẻn lên máy bay trực thăng bay ra hạm đội 7 của Mỹ tìm đường thoát thân, Trần Hưng Thừa liền viết thư hỏa tốc cho giao liên chạy Honda ra Phái Nhì - Điện Hòa báo cho Ban Thường vụ Đặc Khu Quảng Đà và đề nghị đưa ngay lực lượng vào giải phóng thành phố.

Sáng sớm ngày 29.3.1975, tại số nhà 245 đường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, Trần Hưng Thừa phát lệnh khởi nghĩa giải phóng thành phố Đà Nẵng. Sau ngày 30.4.1975, nhân có chuyến xe của một cán bộ vào Sài Gòn đón người thân, Trần Hưng Thừa nhờ lái xe đến đón hai mẹ con bà Hải. Lần theo địa chỉ và hỏi thăm, người lái xe gặp hai mẹ con bà Hải ở trong căn phòng nhỏ của một gara ô tô, đủ cho hai mẹ con đặt một cái ghế bố bên cầu tiêu, từ cái gara ôtô nhìn ra thấy chân cầu chữ Y - Sài Gòn. Bà Hải gửi con gái Bích Thọ theo xe về Đà Nẵng trước để gặp ba, bà ở lại thanh toán tiền nong nợ nần, trả luôn chiếc ghế bố cho người anh lái xe. Bà đón xe hàng về sau.   

Khi làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cơ quan phân phối cho ông một cái áo sơ mi màu trắng. Anh em trong cơ quan thì thích màu trắng nhưng được phân toàn áo màu lam, Trần Hưng Thừa hỏi anh em nào thích màu trắng ông đổi cho. Và không biết anh nào nhanh tay, còn Trần Hưng Thừa lấy cái áo sơ mi màu lam.

 Anh em kể: hồi ở trên rừng, ốm đau, trên cho đi miền Bắc chữa bệnh, ông nói biết bao nhiêu anh chị em đau ốm có được đi đâu mà bảo ông đi. Hòa bình, một lần được đi miền Bắc chữa bệnh, về lại miền Nam, trong các món quà từ miền Bắc về, có 30 cây bút máy Hồng Hà, Trần Hưng Thừa đem tặng anh chị em trong cơ quan hết 29 cây, giữ laị một cây, được mấy hôm, một nhân viên đến phân bì chưa có quà miền Bắc, Trần Hưng Thừa mở cặp đưa nốt cây bút Hồng Hà cuối cùng.

Mỗi khi muốn đến thăm ông, anh em thường hỏi: Tặng gì cho ông Thừa? Tặng gì ông cũng từ chối, duy chỉ một thứ ông không lắc đầu là ớt! Trần Hưng Thừa ăn cay như dân… Mệ!

Trần Hưng Thừa sống một cuộc sống khắc khổ nhiều hơn vui cười. Ông từ giã cõi đời vào ngày 10.1.1992.

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vài mẩu chuyện về Trần Hưng Thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO