Làm lúa nước, sạ lúa (xuống giống) là khâu quan trọng khởi đầu của một mùa vụ. Máy móc cơ giới đã xuất hiện nhiều trên những cánh đồng thay thế sức lao động của con người, vật kéo, song khâu xuống giống vẫn được thực hiện thủ công, là hình ảnh chân thật như níu lại vẻ đẹp thuần nông ở những cánh đồng quê ngày giáp tết.
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Việt Sơn, một vùng quê yên bình thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Cụm từ “vãi nhúm giống” gắn liền với ký ức thời trẻ trâu, mục đồng của tôi. Bởi ba tôi là nông dân được xem có “bàn tay vàng” vãi giống sạ lúa, cho đến khi ông đột ngột qua đời để lại bao tiếc nuối cho gia đình tôi và bà con xóm giềng.
Quê tôi, thửa ruộng thường diện tích không quá lớn. Khi sạ lúa, người vãi giống chỉ tốn tầm 1-2 giờ đồng hồ là hoàn thành công việc của mình cho một thửa ruộng.
Làng Việt Sơn ngày xưa chỉ có ba tôi và một vài người nữa được bà con xóm làng hay đến “cậy” vãi sạ lúa giống. Trước khi sạ, chủ nhà đã xủ lúa giống nảy mầm, tách rời từng hạt với cái mầm và rễ trắng tinh.
Mặt ruộng sạ được vét mương cho rút nước, sửa bằng phẳng, khỏa làm mới lớp bùn non bằng những chiếc trang hay cây chuối để khi sạ, rễ lúa giống dễ cắm xuống bùn non mà phát triển.
Người vãi giống đến kiểm tra lại lần cuối, nếu thấy lúa giống còn dính chùm thì cùng gia chủ tiếp tục xủ cho rời ra hết rồi mới nhẹ tay hốt cho vào chiếc mủng tre hay chiếc thau vừa đủ nặng để bưng tì bên hông rồi mang đi vãi.
Vãi giống, chọn thời điểm lặng gió, trường hợp gặp gió mạnh thì dừng vì gió sẽ đẩy hạt giống bay đến nơi không theo ý muốn. Khi đã nhận lời, dù trưa nắng chang hay chập choạng tối mà lặng gió đều phải tranh thủ vãi để giúp gia chủ.
Người vãi giống, hốt từng nắm nhỏ, mở ngón trỏ, ra lực vừa phải để hạt giống thoát ra bay xuống mặt ruộng. Họ di chuyển theo lối đã dự tính trước tùy theo thửa ruộng và đi thụt lùi.
Vãi giống được hàng xóm tín nhiệm là sau đó lúa lên đều, ruộng không có chỗ lúa quá dày, chỗ thì quá thưa. Gia chủ tốn ít thời gian để dặm cấy lúa thì người vãi càng được trọng vọng.
Cứ vào tháng Chạp âm lịch (bước sang đầu năm mới dương lịch) hằng năm, đầu vụ đông xuân, ba tôi hay về quá trưa hoặc chiều muộn đều do giúp hàng xóm vãi giống sạ ruộng. Khi về đến nhà, ba tôi hay có mùi men rượu là do thù lao, cảm ơn từ người hàng xóm nhờ vãi giống.
Đôi lúc, mẹ tôi càm ràm “ông đi đâu mà về muộn để cả nhà chờ cơm”. Câu giãi bày của ba khiến tôi nhớ mãi “vãi nhúm giống” giúp bà bốn, cô năm, bác hai… Tôi nhiều lần được hưởng ké như ăn lòng lợn, thịt gà, ly chè… do bám theo ba chơi, sau khi ông “vãi nhúm giống” xong cho hàng xóm.
Xa quê mưu sinh, về quê chạp mả trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ, đồng ruộng làng tôi đang được sạ lúa rộ vụ đông xuân 2024 - 2025. Khâu xuống giống vẫn do tự tay người nông dân vãi. Sửa sang mộ phần ba tôi, hình bóng đi thụt lùi vãi giống, mùi men rượu do được thù lao, lời giãi bày “vãi nhúm giống”… của ba lại ùa về trong tôi với bao nhớ nhung, ngậm ngùi ứa lệ.